Chủ nhật, 24/11/2024 08:36 (GMT+7)
Thứ năm, 21/04/2022 18:00 (GMT+7)

Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh

Theo dõi KTMT trên

Bình Dương đang có nhiều cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy có hiệu quả trong việc triển khai đề án thành phố thông minh trong tương lai.

Tiềm năng, lợi thế trong xây dựng đô thị thông minh

Tỉnh Bình Dương nằm ở vùng Đông Nam Bộ, được xem là cửa ngõ giao thương, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các trục lộ giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường Xuyên Á.

Sau nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác tiềm năng đầu tư, đến nay Bình Dương đã trở thành một trong những điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bình Dương đang có nhiều cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy có hiệu quả trong việc triển khai đề án thành phố thông minh trong tương lai.

Trải qua 25 năm phát triển đúng hướng và tích cực của các cấp chính quyền của tỉnh Bình Dương đã thúc đẩy địa phương phát triển rực rỡ, vươn lên đứng thứ 4 trong 63 tỉnh thành cả nước, thu hút tập trung dân cư và nhanh chóng phát triển đô thị.

Từ năm 2012, tỉnh Bình Dương mới có Thủ Dầu Một là thành phố đầu tiên. Sau 9 năm, tỉnh đã có hệ thống đô thị với một đô thị loại 1, bốn đô thị loại 3 và năm đô thị loại 5.

Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh - Ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”.

Trước tiến trình công nghiệp hóa nhanh chóng, đô thị và dịch vụ thương mại phát triển, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện dưới 3%. Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp mới (CN 4.0), đây là điều kiện thuận lợi và cũng là bước ngoặc quan trọng để Bình Dương phát triển.

Nhân dịp 25 năm tỉnh Bình Dương được chia tách từ tỉnh Sông Bé (1997-2022), ngày 20/4, Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức phiên toàn thể Hội thảo khoa học chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”.

Tham luận về chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị, ông Hứa Huy Hoàng, Bí thư Đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Nếu Bình Dương muốn tiếp tục vươn xa và hội nhập đòi hỏi phải có hướng đi mới, chiến lược mới chuyển mình từ công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghiệp chế tạo sáng tạo, hình thành đô thị thông minh và kinh tế tri thức, quản trị công hiện đại, chính quyền điện tử, dịch vụ công tiện ích.

Mặc dù, Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện nhiều chỉ tiêu số hóa, như: Tiếp nhận hồ sơ điện tử, chữ ký điện tử, khai báo y tế điện tử, mua bán online … Nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi còn nhiều bất cập, điển hình như khung pháp lý ràng buộc điều hành, hoạt động, kiểm soát và định hướng phát triển còn lúng túng, chưa có văn bản pháp lý rõ ràng.

Các ngành sản xuất và dịch vụ đang dần nâng cao yêu cầu về nguồn nhân lực, công nghệ, vận hành, tài chính, thuế và quy định theo xu hướng toàn cầu hóa. Trong khi đó, kinh tế Bình Dương vẫn còn phải dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, thâm dụng lao động cao, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Điểm xuất phát bằng nền sản xuất truyền thống của Bình Dương đã đến thời điểm cần được chuyển sang giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu mới của người dân và doanh nghiệp.

Do đó, Bình Dương cần đi trước một bước và chuẩn bị tốt cho sự phát triển công nghệ tiên tiến và bền vững, để duy trì lợi thế trong thu hút đầu tư từ các nước, nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế và đời sống của người dân. Chính vì vậy, định hướng phát triển thành phố thông minh theo hướng phát triển bền vững là một giải pháp chiến lược cấp thiết được kỳ vọng hiện thực hóa trong thời gian tới.

Phối hợp thực hiện trên nhiều lĩnh vực

Tham luận về vấn đề trên, Phó Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam - Th.s Bùi Duy Hoàng góp ý, để có thể đẩy mạnh phát triển Bình Dương trở thành đô thị thông minh một cách nhanh chóng, cần chú ý thực hiện hai giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đối với giao thông cần sớm mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thành tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, nâng cấp và mở rộng các tuyến ĐT746, ĐT747B, ĐT743, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, các cầu kết nối với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh... đầu tư xây dựng các tuyến đường trục chính, đường cao tốc như đường cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước.

Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh - Ảnh 2
Hạ tầng tỉnh Bình Dương đã được đầu tư đồng bộ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy và chuẩn bị tiến hành xây dựng hệ thống đường sắt, bảo đảm có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại.

Đối với hạ tầng viễn thông và lưới điện cần nâng cấp đồng bộ, ngầm hóa hệ thống cáp. Đảm bảo hoạt động ổn định đường truyền, an toàn trên không gian mạng, khắc phục kịp thời các sự cố kết nối mạng trên địa bàn cũng như kết nối với các tỉnh thành và quốc tế. Đẩy nhanh ứng dụng các loại hình kết nối không dây (các module 4g, 5g) nhằm phổ cập internet toàn diện đến toàn thể dân cư trong tỉnh.

Hai là, đối với công tác quy hoạch và chiến lược: Quy hoạch đồng bộ mạng lưới đô thị đảm bảo phát triển các đô thị sáng tạo và các đô thị vệ tinh. Đô thị sáng tạo, là mũi nhọn tiên phong có vai trò dẫn dắt và định hướng kích thích các khu, cụm công nghiệp cùng đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, đổi mới phương thức sản xuất và đổi mới sản phẩm làm tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa.

Đồng thời, các tâm điểm đô thị sáng tạo tập trung các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh cũng như và giữa tỉnh Bình Dương với các tỉnh, thành khác. Vừa mang tính chủ động dẫn dắt vừa có khả năng tương thích đồng bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng cả về không gian mạng, cơ chế chính sách và cả kết nối hạ tầng cứng như: Hệ thống logictis, hệ thống giao thông liên vùng một cách đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mới để phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước bối cảnh các khu công nghiệp hiện hữu đã dần lấp đầy cần chuyển hướng quy hoạch các KCN tại các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Tuy nhiên bước vào thời kỳ mới, cần quy hoạch tập trung ưu tiên đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm thiểu phát triển mở rộng theo chiều ngang (các khu công nghiệp thâm dụng lao động). Tăng hiệu quả sáng tạo, kinh tế thông minh, công nghệ thông minh và nhân lực thông minh, quản trị thông minh. Nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với các đô thị vệ tinh, chú trọng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và thân thiện môi trường.  Nhằm liên thông tạo chuỗi liên hoàn giữa đô thị trung tâm, đô thị sáng tạo và đô thị vệ tinh (phụ trợ), để phát triển ổn định bền vững trong tương lai.

Tăng cường phát triển dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ khoa học (chuyển giao công nghệ và chuyển giao tài sản trí tuệ), dịch vụ tài chính nhằm cân đối lại cơ cấu công nghiệp và dịch vụ (hiện nay tỷ lệ công nghiệp 66,8% và thương mại dịch vụ 22,4%). Sớm nghiên cứu tìm giải pháp thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới, đẩy mạnh thông quan điện tử liên quốc gia và khu vực. Giúp hàng hóa phục vụ các sàn thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ được lưu trữ tại các kho ngoại quan, khi có đơn hàng phát sinh ở quốc gia nào thì hàng sẽ được chuyển đến đó và thông quan. Thực hiện được điều này Bình Dương sẽ là trung tâm Logistics cho Thương mại Điện tử khu vực Đông Nam Á.

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo cũng là một trong những lớp quan trọng của mô hình này. Hiện nay tại TP Mới Bình Dương, trường ĐH Quốc tế Miền Đông đang có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động, với hệ thống phòng Techlab, Fablad, Vườn ươm doanh nghiệp phục vụ khởi nghiệp, thu hút các nhà khởi nghiệp về sáng tạo ra các ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Điểm nhấn là công trình Xưởng thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp trong công nghiệp, với lợi thế có nền tảng sản xuất công nghiệp, Bình Dương là nơi thích hợp nhất cho việc xây dựng và phát triển khởi nghiệp trong công nghiệp và sản xuất. Công trình hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng và gần hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là địa điểm lý tưởng cho việc thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp trong công nghiệp.

Đối với phát triển dân cư đô thị và điều kiện sống, mục tiêu của đô thị thông minh là để người dân được hưởng thụ điều kiện sống và làm việc tiện ích hơn văn minh hơn. Do đó phát triển số hóa kinh tế, số hóa quản lý xã hội cần quan tâm hỗ trợ nhóm người yếu (yếu trong chuyển đổi và thích nghi) nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó quan tâm đến các đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chính sách giảm nghèo, được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Các đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm lo và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Tỉnh cũng tạo điều kiện để người lao động tiếp cận sở hữu các loại hình nhà ở để an cư lập nghiệp; đồng thời nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, chăm lo đời sống cho công nhân lao động.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” do Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.Diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/4, Hội thảo là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa về chính trị và khoa học nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học về những thành tựu cũng như những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm sâu sắc, mang giá trị cốt lõi định hướng cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong thời kỳ mới.

Phát biểu tại phiên chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị trong khuôn khổ Hội thảo vào chiều ngày 19/4, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Bình Dương sẽ tiếp tục là một hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước; cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.

Huỳnh Huỳnh

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới