Chủ nhật, 24/11/2024 06:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/09/2022 13:55 (GMT+7)

Bình Dương: Phát triển du lịch bền vững từ mô hình miệt vườn

Theo dõi KTMT trên

Bình Dương đang hướng đến du lịch miệt vườn để giảm thiểu các chi phí, nâng cao tối đa lợi lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng.

Tiềm nănglớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có trên 6.700 ha cây ăn quả nhưng vì ít quảng bá nên ngành du lịch tỉnh này chưa khai thác được hết các tiềm năng du lịch. Có thể kể đến những vùng trên địa bàn tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái như TP. Thuận An, TX. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Dầu Tiếng.

Cụ thể, vườn cây Lái Thiêu ở TP. Thuận An đã nổi tiếng từ nhiều năm qua. Trái măng cụt Lái thiêu đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo thương hiệu trái cây đặc sản của vùng đất này. Ngoài trái cây, những chủ vườn trái cây Lái Thiêu còn sáng tạo nên những món ăn độc đáo gắn liền với đặc sản miệt vườn như gà hoặc cút nướng sầu riêng, gà hoặc tôm trộn gỏi măng cụt… rất hấp dẫn.

Không chỉ vườn cây ăn trái, TP. Thuận An còn được biết đến với các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Dìn Ký, Phương Nam, Cầu Ngang… với nhiều trải nghiệm đặc biệt khó quên đối với du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên.

Bình Dương: Phát triển du lịch bền vững từ mô hình miệt vườn - Ảnh 1
Phát triển du lịch sinh thái gắn liền vườn cây ăn trái và làng nghề truyền thống là động thái cần thiết để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của Bình Dương. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, TX. Tân Uyên nổi tiếng với những vườn bưởi nổi tiếng, đặc biệt là bưởi ở cù lao Bạch Đằng với vị dịu ngọt đặc biệt không lẫn bất kì hương vị của loại bưởi nào. Cù lao Bạch Đằng còn là mảnh đất gắn liền với nhiều vườn cây trồng các loài cây đặc biệt là cây có múi, nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái sông nước gắn liền với các vườn cây ăn trái đầy tiềm năng. TX. Tân Uyên còn được du khách nhớ đến với những đặc sản từ sông Đồng Nai như cá lăng, cá duồng, tôm… với hương vị riêng biệt, độc đáo.

Gắn liền với du lịch sinh thái huyện Bắc Tân Uyên là xã Hiếu Liêm, với đặc trưng là cây ăn quả có múi như bưởi, chanh, cam, quýt, đặc biệt trái cam xoàn rất thơm và ngọt. Hiện nay, diện tích cây có múi chiếm hơn 90% trong tổng số 602 ha cây ăn quả trên địa bàn xã Hiếu Liêm. Ngoài ra, Hiếu Liêm có những trang trại đầu tư theo hướng VietGAP và các khu nghỉ dưỡng sinh thái nổi tiếng đón tiếp nhiều du khách trong suốt thời gian qua.

Đối với huyện Dầu Tiếng, du lịch sinh thái phát triển mạnh ở xã Thanh Tuyền với 215 ha vườn cây ăn quả đặc sản. Trong đó, măng cụt Dầu Tiếng từng đạt các giải cao ở hội thi trái cây ngon cụm miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, quần thể núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng hay Làng tre Phú An - được xem là Bảo tàng tre lớn nhất Việt Nam… góp phần thuận lợi hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến Bình Dương.

Bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống

Chiến lược phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2030 sẽ thúc đẩy du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các giải pháp thực hiện tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, và phát triển sản phẩm du lịch mới ở những vườn cây tại địa phương. Thông qua tuyến du lịch đường sông, du lịch sinh thái vườn kết hợp du lịch tâm linh, du lịch lịch sử sẽ được kết nối. Tất cả tạo thành tuyến du lịch chung trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Để gia tăng giá trị cho vùng chuyên canh cây ăn trái, từ năm 2020, Bình Dương đã triển khai dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam của tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình du lịch vườn cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nhằm nâng cao thu nhập cho nhà vườn, và quảng bá du lịch sinh thái địa phương. Việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển du lịch đường sông, với các sản phẩm chính là du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan vườn cây ăn trái ven sông, các cù lao nổi trên sông (cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, hồ Đá Bàn), làng nghề truyền thống gốm sứ…

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và phát triển sản phẩm mới ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn bưởi Bạch Đằng... Nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái đã được triển khai và đạt được kết quả tích cực, trong đó nổi bật là khu du lịch Cầu Ngang (Hưng Định) từng nổi tiếng một thời đã được khôi phục.

Đặc biệt, để phát triển du lịch sinh thái gắn liền vườn cây ăn trái và để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này, vấn đề con người vẫn là cốt lõi. Theo TS Phan Thanh Bằng (Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương), trong hoạt động du lịch sinh thái, lực lượng tham gia đông đảo nhất là nông dân và người dân tại địa phương. Các cơ quan, tổ chức cần giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện sản xuất sạch. Người dân tại chỗ tham gia càng nhiều thì sản phẩm du lịch càng phong phú. Và khi thấy có lợi, người dân sẽ trở thành lực lượng bảo tồn và phát huy các sản phẩm, ngành nghề truyền thống của địa phương.

Ngoài ra, nhanh nhạy nắm bắt, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, ngành du lịch Bình Dương đang có những bước tiến mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đây là bước chạy đà giúp ngành du lịch tỉnh phát triển mạnh, khởi sắc hơn và thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cần phải nhận định rằng, loại hình du lịch sinh thái ở Bình Dương còn khá đơn điệu, chất lượng sản phẩm du lịch chưa được tối ưu còn thuần túy mang tính miệt vườn, phổ biến là các khu du lịch với quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ khách vào cuối tuần với ăn uống, bơi lội, vui chơi giải trí. Du lịch sinh thái nơi đây chưa kết hợp nhuần nhuyễn với nghỉ dưỡng chất lượng như nhiều địa phương khác, vì thế chưa khai thác hiệu quả các tài nguyên, bỏ lỡ nhiều tầng lớp du khách, đặc biệt khách có nhu cầu nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Phát triển du lịch bền vững từ mô hình miệt vườn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới