Chủ nhật, 24/11/2024 09:40 (GMT+7)
Thứ tư, 03/08/2022 05:55 (GMT+7)

Bình Dương: Quyết xử lý triệt để các dự án BĐS chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, tỉnh Bình Dương đã ra “tối hậu thư” yêu cầu các địa phương kiểm tra các dự án bất động sản chậm triển khai, xem xét cho gia hạn thêm 24 tháng. Hết thời gian gia hạn, nếu doanh nghiệp vẫn chưa triển khai sẽ bị thu hồi, không được bồi thường.

Kiểm tra, xem xét hàng chục dự án chậm tiến độ

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay toàn tỉnh có 381 dự án phát triển nhà ở đã và đang đầu tư xây dựng, là một trong những tỉnh có số lượng dự án về bất động sản lớn trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều dự án sau khi xin chủ trương đầu tư xây dựng nhưng để xảy ra những lùm xùm về đất đai, chủ đầu tư không đủ năng lực dẫn đến việc các dự án bị “treo” nhiều năm.

Theo ông Phạm Xuân Ngọc - Phó giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thống kê các dự án “treo”, chậm triển khai. Đối với những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực đã thu hồi. Cụ thể giai đoạn trước đã thu hồi 37 dự án với diện tích trên 1.000ha, giai đoạn 2016-2021 thu hồi 4 dự án. Trong đó có nhiều dự án lớn như Khu đô thị Hill Land 19 (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên), khu nhà ở thương mại An Thành (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên), dự án phát triển nhà ở Độc Lập (phường Tân Bình, thị xã Dĩ An),...

Hiện tại, Bình Dương còn 28 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 353 ha.

Bình Dương: Quyết xử lý triệt để các dự án BĐS chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên - Ảnh 1
Khu nhà ở Suối Giữa (tên cũ là Dự án Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp) do Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu làm chủ đầu tư, sau hơn 14 năm được chấp thuận hiện vẫn chỉ là bãi đất trống. (Ảnh CT)

Các dự án bất động sản chậm triển khai đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nên phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại, ngoài ra địa phương sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra các dự án "treo" và xem xét cho gia hạn thêm 24 tháng. Ông Ngọc nhấn mạnh: “Những dự án chậm triển khai cho gia hạn 24 tháng, doanh nghiệp sẽ đóng tiền sử dụng đất tương ứng với số tháng được gia hạn. Sau 24 tháng nếu không sử dụng, chưa có phương án xử lí sẽ bị thu hồi và không được bồi thường theo tinh thần của Luật đất đai”.

Đối với các trường hợp sử dụng sai mục đích đất, giai đoạn 2016-2021, tỉnh này đã xử phạt và tham mưu xử phạt 57 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỉ đồng.

Theo đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, các sai phạm chủ yếu của các dự án như không sử dụng đất trong thời gian dài gây lãng phí tài nguyên và môi trường; không lập thủ tục về đất đai; không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; triển khai dự án trước khi được cơ quan nhà nước có quyết định giao, thuê đất...

"Bên cạnh xử phạt, các cơ quan, đơn vị Nhà nước đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi trên địa bàn tỉnh", Phó giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Trước đó, thông tin về kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, cụ thể liên quan tới lĩnh vực đất đai, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, có những vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến các dự án bất động sản có xu hướng gia tăng như dự án: Khu nhà ở Suối Giữa, chung cư Roxana Plaza, Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An, chung cư Eden - Thuận An, Khu nhà ở Đất Mới, Khu nhà ở công nhân Tân Bình…

Theo Đại tá Trịnh Ngọc Quyên thông tin: “Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng các dự án để lách luật, huy động vốn trái phép, sau đó không bàn giao nhà, đất cho người dân như đã cam kết ban đầu dẫn đến bức xúc, phát sinh khiếu kiện. Trong thời gian tới sẽ tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng Công an sẽ tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ để điều tra, xác minh các dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” .

Tài nguyên lãng phí, nhân dân bức xúc vì dự án “đắp chiếu” hàng thập kỷ

Điển hình cho các dự án chậm triển khai là dự án khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương. Năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP. HCM (Fideco) làm chủ đầu tư dự án khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương. Sau đó, Fideco liên doanh với Công ty Onshine Investments, Ltd thành lập Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương để thực hiện dự án.

Là dự án đất nền có diện tích rất lớn, được giới bất động sản, người dân kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên, ngược lại với những mong muốn đó, trong khoảng 15 năm từ khi được chấp thuận chủ trương, UBND tỉnh Bình Dương đã phải 5 lần ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Lần cuối cùng là vào năm 2018, dự án được điều chỉnh quy hoạch tăng số dân và diện tích đất thương mại, giảm diện tích đất công cộng xuống nhiều lần.

Liên quan đến thực trạng dự án “treo”, chậm tiến độ, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường từng dẫn chứng, theo khái niệm pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đã đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, các dự án “treo” sẽ bị Nhà nước thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Luật Đất đai 2013 thì “rẽ sang” giải pháp khác: Dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn bị “treo” thì Nhà nước thu hồi đất và “tịch thu” toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất. Trong khi đó, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án “treo”.

Ngày 25/10/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 3122/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng đối với khu đất có diện tích 1.100.870,3 m2 tại phường Tân Bình. Thời gian gia hạn là 24 tháng kể từ ngày 25/10/2019.

Năm 2016, bất chấp việc pháp lý chưa đầy đủ, chủ đầu tư dự án đã giao cho Công ty HHA tự mở bán, ký hợp đồng góp vốn và thu tiền của hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp với mức thu 95% tổng giá trị hợp đồng. Đồng thời, dù chưa đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ để được giao đất, nhưng để "kéo khách", chủ đầu tư dự án vẫn cố tình xây dựng trái phép hạ tầng kỹ thuật.

Đến nay đã 18 năm trôi qua nhưng dự án có diện tích khoảng 123ha vẫn chưa thể hình thành diện mạo một khu dân cư, đô thị sầm uất như UBND tỉnh Bình Dương đã kỳ vọng, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Còn người mua nhà thì khốn khổ vì chưa biết đến bao giờ mới được bàn giao sản phẩm.

Bình Dương: Quyết xử lý triệt để các dự án BĐS chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên - Ảnh 2
Dự án khu dân cư - thương mại dịch vụ Đông Bình Dương sau gần 20 năm triển khai vẫn chưa xong các thủ tục pháp lý

Ngày 22/7 vừa qua, đoàn công tác số 3 thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương. Tại đây, đoàn kiểm tra của Quốc hội cũng đề nghị tỉnh làm rõ sự chậm trễ triển khai của các dự án: Khu đô thị dịch vụ Thương mại Lai Hưng (diện tích khoảng 80ha); Dự án xây dựng khách sạn, chung cư cao cấp, biệt thự, căn hộ, văn phòng cao cấp để bán và cho thuê Charm &CI Việt Nam (diện tích khoảng gần 1ha). Tổ công tác của đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, các dự án này đều được phê duyệt chủ trương đầu tư khá lâu (có dự án từ những năm 2004, 2005) nhưng vẫn để hoang hóa.

Phát biểu tại buổi giám sát, một thành viên trong đoàn công tác số 3 cho rằng: “Có dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã đầu tư một số công trình hạ tầng. Có dự án đã thay đổi chủ đầu tư nhiều lần hoặc thay đổi chủ sở hữu của chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại khu vực các dự án vẫn là các bãi đất trống, chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Đây là lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên đất đai, nguồn lực doanh nghiệp, không đáp ứng được yêu cầu tái định cư, nhà ở xã hội, thương mại của nhân dân”.

Bên cạnh đó, trong buổi làm việc Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, bà Cao Thị Xuân, cho rằng cần phải thu hồi với những dự án đã được gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ. “Có những dự án tỉnh đã ban hành từ năm 2004, đến năm 2019 cho khôi phục trở lại. Cần thực hiện nghiệm quy định quá 24 tháng mà không thực hiện thì thu hồi” – Bà Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

Để xử lý các tồn tại liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo", "dự án treo", Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4358/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan tới việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo", "dự án treo".

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ, thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị; xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch và tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Quyết xử lý triệt để các dự án BĐS chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới