Bộ Công Thương cam kết nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng đến hết tháng 3
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với lượng xăng dầu nhập khẩu và dự trữ hiện tại, trong tháng 3 “cơ bản đáp ứng nguồn cung xăng dầu”.
Nguồn cung vẫn đảm bảo
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra tối ngày 3/3/2022 liên quan đến nguồn cung và phương thức điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, hết sức thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống của người dân. Giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng CPI, qua đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, thị trường xăng dầu có biến động rất lớn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Về phía Bộ Công Thương, căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo về đảm bảo nguồn cung xăng dầu; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng đầu cơ, trục lợi… trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định.
Hiện nay, nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 70% - 75%, (có những thời điểm lên đến 80%). Nguồn cung chủ yếu từ 2 nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn chiếm 35% - 40% thị phần và Bình Sơn chiếm khoảng 35% thị phần.
Theo báo cáo của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính và một số nguyên nhân nội tại của nhà máy nên từ đầu tháng 1/2022, nhà máy đã giảm công suất xuống 90%, rồi 80% và hiện nay đang chạy ở mức 55% - 60% công suất. Điều này đã ảnh hưởng đến việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo cam kết, hợp đồng đã ký kết.
Theo đó, việc giao hàng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm 43% so với kế hoạch bình quân giao hàng (kế hoạch là 680.000 m3, thực tế chỉ giao 390.000 m3). Dự kiến trong tháng 3 theo kế hoạch là giao 680.000 m3 nhưng chỉ giao được 540.000 m3, giảm 20%.
Để bù cho sự thiếu hụt này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất trong khả năng cho phép từ 100% lên 103% và từ 7/2/2022 nâng công suất lên 105%. Tuy nhiên, mức tăng 5% của Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn tương đương với 28.000 m3, chưa đủ bù đắp nguồn cung do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất nên đã dẫn đến tình trạng khai hiếm xăng dầu cục bộ như ở một số tỉnh biên giới phía Nam, cá biệt có một số cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, toàn bộ khu vực miền Bắc và miền Trung, nguồn cung vẫn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhà nước như Petrolimex, MIPECORP, PVOil… đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không những trong hệ thống phân phối của mình mà còn tăng cường nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt của các đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu khác.
Ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu bù đắp sự thiếu hụt do việc giảm công suất sản xuất tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cùng với lượng xăng dầu dự trữ, thì nguồn cung trong tháng 2/2022 đã được đảm bảo và Bộ Công Thương đã có những giải pháp, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cố gắng đảm bảo xăng dầu đến hết tháng 3/2022. Hiện, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, sẽ phục hồi 100% công suất sản xuất từ tháng 4/2022.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, ngày 24/2/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa kể từ Quý II/2022, kể cả trong trường hợp Nghi Sơn không thể phục hồi sản xuất.
Giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm CPI bình quân từ 0,6-0,7%
Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin về một số nội dung chính trong dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể, về mức thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ dự kiến từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2022 xăng Ethanol sẽ giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít; dầu diezen, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/ lít từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/1kg từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/1 kg.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 giả định tương đương với năm 2019 thì dự kiến số thu bảo vệ xăng, dầu, thu thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm một năm khoảng 14.524 tỷ đồng.
Từ đó sẽ tác động giảm thu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng vào khoảng 15.976 tỷ đồng và như vậy thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng sẽ giảm 1.331 tỷ đồng.
Nếu tính riêng mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm từ ngày 1/4/ 2022 thì mức giảm thu ngân sách sẽ vào khoảng 11.992 tỷ đồng.
Về tính toán đến tác động CPI và lạm phát và tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với giả thuyết là thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế BVMT từ ngày 1/4/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ổn định như mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì tác động của biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022 dự kiến là 0,67%.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý "ở đây việc giảm thuế là số tuyệt đối còn CPI là tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác".
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định đây chỉ mới là dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Bộ Tài chính mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng để tiếp tục tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định cuối cùng, làm sao để chính xác và hiệu quả nhất.
Hà Lan (T/h)