Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/06/2021 08:46 (GMT+7)

Bộ Công Thương không lập quỹ bình ổn giá thép

Theo dõi KTMT trên

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã có báo cáo tới Chính phủ về vấn đề giá thép, trong đó không nói đến việc lập quỹ bình ổn với mặt hàng này.

Liên quan đến vấn đề giá thép tăng ‘chóng mặt’ trong thời gian qua, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, nhiều câu hỏi từ báo chí đã được đặt ra xung quanh các ý kiến trái chiều về việc lập quỹ bình ổn giá thép. Theo đó, các chuyên gia cho rằng lập quỹ bình ổn giá thép là phi thị trường.

Bộ Công Thương không lập quỹ bình ổn giá thép - Ảnh 1
Giá thép đang tăng kỷ lục, tuy nhiên Bộ Công Thương cho biết không lập quỹ bình ổn đối với mặt hàng này. 

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, lập quỹ bình ổn giá thép không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, nguyên kiệu và thành phẩm thép tăng cao. Ngày 5/2, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng tình hình cung - cầu, biến động giá thép năm 2020 và dự báo năm 2021. Gần đây, giá thép tăng rất nhanh, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lấy thép là đầu vào.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, liên quan đến vấn đề giá thép, Bộ đã có cuộc làm việc với những doanh nghiệp thép hàng đầu, để nắm bắt tình hình, nghe đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp. “Việc thành lập quỹ bình ổn không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương”, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Bộ cũng đã có ý kiến báo cáo Chính phủ, với nội dung cung cầu thép và ảnh hưởng của giá thép đến Việt Nam. Ngoài ra, còn có các kiến nghị về bình ổn giá thép, nhưng trong đó không có đề xuất quỹ bình ổn giá thép.

Thay vào đó, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Thép rà soát các vấn đề nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí, tăng nguồn cung, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng mà trong nước đang có nhu cầu.

Tuần trước, tại cuộc họp với các doanh nghiệp ngày 27/5, trong nhiều giải pháp hạ nhiệt giá thép trong nước được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra có ý tưởng hình thành quỹ bình ổn giá thép.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thép không phải mặt hàng cần bình ổn giá để thành lập quỹ bình ổn như mặt hàng xăng dầu. Vì vậy, việc lập quỹ bình ổn giá thép là phi thị trường, thiếu minh bạch.

Giá thép tăng đột biến trong nhiều tháng nay khiến cho các doanh nghiệp xây dựng lao đao, nguy cơ thua lỗ triền miền. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam VSA, việc giá thép trong nước tăng cao phần nào chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường thế giới và cung cầu trên thị trường. Do vậy, muốn giảm được giá thép thì phải giảm được giá thành sản xuất, muốn giảm được giá thành thì cần bàn tay Nhà nước.

Cũng theo theo VSA, hiện giá thép xây dựng giao tại nhà máy bình quân ở mức 15 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng/tấn, trong khi tại thời điểm tháng 12/2020, chỉ khoảng hơn 12 triệu đồng/tấn. Tính đến ngày 6/4, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng hơn 200 USD/tấn so cùng thời điểm năm 2020.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.

Linh Phi

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương không lập quỹ bình ổn giá thép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới