Bộ TN&MT đề xuất xóa 3 Tổng cục, cắt giảm các 'nấc thang hành chính'
Bộ TN&MT dự kiến tái cấu trúc 3 Tổng cục (Biển và Hải đảo Việt Nam, Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Môi trường), đồng thời sẽ giữ lại mô hình Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng cục Quản lý đất đai.
Tái cấu trúc 3 Tổng cục và giữ lại 2 Tổng cục
Căn cứ vào tiêu chí cụ thể, trong số 5 Tổng cục hiện có, Bộ TN&MT dự kiến giữ lại 2 Tổng cục và tái cấu trúc 3 Tổng cục. Cụ thể, 2 đơn vị được dự kiến giữ nguyên là: Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng cục Quản lý đất đai.
Với 2 đơn vị giữ nguyên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn có hệ thống xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương, là một ngành dọc, không có ở địa phương. Còn Tổng cục Quản lý đất đai cũng cần phải thống nhất quản lý. "Sắp tới khi sửa Luật Đất đai sẽ xem xét mức độ phân cấp giữa trung ương với địa phương cho hợp lý để quản lý hiệu quả loại tài nguyên đặc biệt này", ông Hà nói.
Còn đối với 3 Tổng cục còn lại, gồm Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ được "tái cấu trúc".
Đáng chú ý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức thành 2 Cục trực thuộc Bộ, gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển, hải đảo và Cục Quản lý tổng hợp biển và hải đảo.
Trong đó, Cục Điều tra, Quy hoạch biển, hải đảo sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT tổng hợp chung về công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo; xây dựng và điều phối công tác xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược về biển và hải đảo; quản lý nhà nước đối với hoạt động điều tra cơ bản biển và hải đảo; tổ chức xây dựng, quản lý thực hiện các quy hoạch về biển theo quy định của pháp luật… Cơ cấu tổ chức gồm có: Văn phòng Cục; 3 phòng tham mưu, tổng hợp; 2 phòng chuyên môn; 4 đơn vị sự nghiệp.
Đối với Cục Quản lý tổng hợp biển và hải đảo, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT tổ chức thực thi hoạt động quản lý nhà nước tổng hợp biển và hải đảo trong các lĩnh vực quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức gồm có: Văn phòng Cục; một phòng tham mưu, tổng hợp; 2 phòng chuyên môn; 2 đơn vị sự nghiệp.
Trong khi đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được tổ chức lại thành 2 Cục: Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản.
"Theo rà soát, đánh giá của Bộ Nội vụ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc danh sách Tổng cục quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực có sự phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, chưa làm rõ tiêu chí thành lập Tổng cục"- dự thảo đề án nêu rõ.
Theo đề xuất của Bộ TN&MT, Cục Địa chất Việt Nam sẽ thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về địa chất, điều tra cơ bản về địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý. Với quy mô và khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí 87 biên chế công chức.
Cục Khoáng sản thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về khoáng sản trên phạm vi cả nước. Cơ cấu tổ chức gồm có: Văn phòng Cục, 5 phòng và 2 chi cục; yêu cầu phải bố trí 72 biên chế công chức.
Riêng Tổng cục Môi trường được đề xuất tổ chức lại thành 4 Cục gồm: Cục Bảo vệ môi trường, Cục Quản lý chất lượng môi trường, Cục Quy hoạch và Đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.
Sắp xếp lại bộ máy nhằm cắt giảm các “nấc thang hành chính”
Trên cơ sở dự thảo Đề án rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ TN&MT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định cơ cấu tổ chức của Bộ này gồm: 5 Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; 13 cục, 2 Tổng cục, 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước.
Theo đó, tiếp tục duy trì Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ và 5 Vụ tham mưu tổng hợp trực thuộc Bộ TN&MT (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ).
Kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng không thành lập phòng trong Vụ (hiện tại có 3 Vụ có tổ chức phòng); rà soát, kiện toàn các tổ chức thuộc Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ theo đúng tiêu chí thành lập.
Giải thể Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền (thành lập từ năm 2006). Các chức năng, nhiệm vụ của Vụ này sẽ được tổ chức lại như sau: Công tác thi đua, khen thưởng chuyển sang Vụ Tổ chức cán bộ; công tác quản lý về tuyên truyền chuyển sang Văn phòng Bộ đảm nhiệm.
Tiếp tục duy trì 4 Cục gồm: Biến đổi khí hậu; Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam; Quản lý tài nguyên nước; Viễn thám quốc gia.
Tiếp tục duy trì Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổng cục Quản lý đất đai. Đổi tên Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường thành Cục Chuyển đổi số và Dữ liệu tài nguyên môi trường.
Theo Bộ trưởng Hà, việc xắp xếp lại các Tổng cục thuộc bộ này sẽ tuân thủ theo các tiêu chí đã được ban hành. Cụ thể, đối với hệ thống tổ chức theo ngành dọc, thông suốt từ trung ương xuống địa phương thì đủ điều kiện, mang tính chất đầy đủ chức năng của một Tổng cục. Đối với Tổng cục đã phân cấp nhiều việc cho địa phương thì sẽ xem xét chuyển thành Cục.
“Việc sắp xếp lại bộ máy là xu thế chung, cần thiết nhằm cắt giảm các “nấc thang hành chính” để bộ máy tinh gọn hơn. Tổ chức bộ máy, không có con đường nào khác.
Mỗi hình thức tổ chức đều có những cái hay, cái mạnh riêng. Nhưng bây giờ đang đi theo xu thế, vì các thang nấc hành chính nhiều hơn, nên cần giảm đi, như thế cũng tốt” - Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
Lan Anh (T/h)