Chủ nhật, 24/11/2024 06:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/02/2021 13:33 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trước thềm năm mới, trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ về những thành quả đạt được trong năm 2020 và định hướng hoạt động trong thời gian tới của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Những hoạt động này dựa trên tinh thần đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường.

CHÚ TRỌNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, công tác môi trường đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, Bộ trưởng có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm vừa qua?

- Trong năm 2020, lĩnh vực môi trường đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là: 

Thứ nhất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường thực sự trở thành trụ cột của phát triển bền vững. Từ sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), toàn ngành đã tập trung, chủ động rà soát, đánh giá, nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những nội dung tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá về bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vững - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. 

Đồng thời thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ trong bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý sinh vật biến đổi gen, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Xây dựng Chiến lược quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, tổng thể quan trắc môi trường quốc gia để bảo vệ, phục hồi môi trường, bảo vệ sinh thái cho các thế hệ tương lai.

Cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Song song với đó, trong cả giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã xây dựng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 06 Nghị định; 14 Đề án; 21 Thông tư; 01 văn bản liên tịch. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị để chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay, như: Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/3/2020 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn.

Thứ hai, đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.

Từ năm 2016, Đảng, Nhà nước đã chủ trương phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường, phát triển kinh tế dựa trên việc quản lý chặt chẽ tài nguyên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành TN&MT đã đổi mới trong xây dựng và thực hiện chính sách, biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT) theo hướng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, công cụ quản lý phù hợp; Tiếp cận BVMT phải hài hòa với kinh tế và xã hội, phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng bền vững hệ sinh thái tự nhiên; Dần hình thành nhận thức, ý thức, văn hóa ứng xử với thiên nhiên và BVMT.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vững - Ảnh 2
Từ thực tiễn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, công tác bảo vệ môi trường biển ngày càng được chú trọng. (Ảnh minh họa). 

Tư duy quản lý vì vậy cũng bắt đầu chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động kiểm soát, giám sát nguồn thải lớn để đảm bảo an toàn cho môi trường, đóng góp cho tăng trưởng; Tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, từ chỗ còn bị động, lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết một số điểm nóng, sự cố môi trường, đến nay Bộ TN&MT đã hoàn toàn chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường. Thành lập và duy trì 12 Tổ giám sát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao với sự tham gia của chính quyền trung ương và địa phương; Phối hợp đầu tư lắp đặt 867 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở TN&MT và Bộ TN&MT; Thành lập và duy trì hiệu quả Đường dây nóng về môi trường xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương.

Thứ ba, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành, nội thị đạt khoảng 92%, tại khu vực ngoại thành của các đô thị đạt khoảng 66%; Nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 12 dự án với công suất gần 15.000 tấn/ngày. Tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung đạt 90%, tăng 12,7% so với năm 2016, trong đó, số lượng khu công nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt 78,2%, tăng 50% so với năm 2016. Tỉ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%. Hoàn thành xử lý triệt để 340/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tăng 30,2% so với năm 2016. Số xã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới về môi trường tăng 8,3%.

Thực hiện việc công bố thông tin chất lượng môi trường, trong đó có môi trường không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử thông qua việc xây dựng, đưa vào khai thác Ứng dụng VN air trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN AQI) trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng và Ứng dụng Envisoft dùng cho cơ quan quản lý để theo dõi, quản lý dữ liệu, giám sát các số liệu quan trắc môi trường trên toàn quốc. Số lượng các khu bảo tồn, khu Ramsar ở nước ta tiếp tục gia tăng. Hiện nay, cả nước có 172 khu bảo tồn, gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 06 khu bảo tồn so với năm 2016); 09 khu Ramsar (tăng 02 khu so với năm 2016); 10 Vườn di sản ASEAN (tăng 04 Vườn di sản ASEAN so với năm 2016).

Trong năm 2020, toàn ngành đã kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; Giải quyết dứt điểm 1.026 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng (chiếm khoảng 66%); Đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hàng năm. Qua đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tăng dần qua từng năm. Thực hiện việc công bố thông tin chất lượng môi trường, trong đó có môi trường không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử thông qua việc xây dựng, đưa vào khai thác Ứng dụng VN air trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN AQI) trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng và Ứng dụng Envisoft dùng cho cơ quan quản lý để theo dõi, quản lý dữ liệu, giám sát các số liệu quan trắc môi trường trên toàn quốc.

Thứ tư, thiết lập các nền tảng dữ liệu lớn cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử trong quản lý, BVMT.

Trong bối cảnh các hoạt động hết sức đa dạng, cấp thiết, trong khi điều kiện về nhân lực hạn chế, Bộ TN&MT luôn coi trọng, ưu tiên thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, phục vụ nhiệm vụ quản lý. Theo đó, đã đẩy mạnh việc thiết lập và hình thành đồng bộ hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường từ Trung ương tới địa phương, cơ sở; Thực hiện trên 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường; Đưa vào sử dụng Ứng dụng Envisoft trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chất lượng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng, đến nay, kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. 

Tựu chung lại, Bộ TN&MT nói riêng, ngành TN&MT nói chung đã thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát nguồn thải lớn để đảm bảo an toàn cho môi trường, đóng góp cho tăng trưởng; Các chỉ số thành phần môi trường có nhiều chuyển biến. Thiết lập nền tảng cho quản lý môi trường hiện đại thông qua quan trắc, giám sát bằng các công nghệ tự động.

TIẾP TỤC ĐẢM BẢO KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Thời gian qua, những vấn đề liên quan đến môi trường được cả xã hội đặc biệt quan tâm, thậm chí đây là một vấn đề khá “nhạy cảm” khi yêu cầu bảo vệ môi trường đang được toàn Đảng, toàn dân đặt lên hàng đầu. Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có cảm thấy áp lực về điều này?

- Với tư cách là "Tư lệnh ngành", áp lực lớn nhất đối với tôi là làm sao để đưa ra được các "quyết sách", chính sách đúng đắn, làm thế nào để các “quyết sách” đi vào thực tiễn, huy động được sự tham gia của từng người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào công cuộc bảo vệ môi trường của đất nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vững - Ảnh 3

Tôi còn nhiều trăn trở đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta. Sau một thời gian dài chú trọng tăng trưởng kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến bảo vệ môi trường, các tác động tích lũy cùng phát thải từ các hoạt động kinh tế, xã hội đã làm cho môi trường ở một số nơi đã chạm ngưỡng chịu tải; chất lượng môi trường không khí tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có xu hướng giảm... Cũng bởi vì lĩnh vực tài nguyên và môi trường rất rộng lớn, phụ thuộc rất nhiều vào các lĩnh vực kinh tế khác, phụ thuộc vào tư duy và mô hình phát triển do đó không phải một sớm một chiều có thể khắc phục, sửa chữa ngay các vấn đề môi trường trong một mô hình phát triển không phù hợp.

Đây là bài toán rất khó, cần phải giải quyết bài bản từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đến tư duy, nhận thức để thay đổi trong hành động của các cấp các ngành. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và tầng lớp nhân dân đối với công tác BVMT… tôi tin rằng áp lực nêu trên sẽ trở thành động lực để ngành TN&MT tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước.

Thưa Bộ trưởng, năm 2020 đi qua với nhiều biến động về môi trường, trước những diễn biến phức tạp của thiên nhiên, tác động trực tiếp đến môi trường, cuộc sống và xã hội, trong năm tới, ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào những giải pháp nào để không xảy ra các sự cố về môi trường và vẫn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế đất nước?

- Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới là tiếp tục bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa quan điểm, chủ trương nêu trên, không xảy ra các sự cố về môi trường và vẫn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế đất nước, trong thời gian tới, ngành TN&MT nói riêng và các Bộ, ngành, địa phương nói chung cần tập trung triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT nhằm thể chế hóa chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường. Trong đó, sẽ  tập trung xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và đúng tiến độ trình các cấp để Luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vững - Ảnh 4
Quán triệt chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. (Ảnh minh họa). 

Thứ hai, ngay từ chiến lược, chủ trương, chính sách, quy hoạch phát triển phải tính đến những lĩnh vực, ngành nghề, địa điểm khuyến khích, hạn chế thu hút hay không thu hút đầu tư để lựa chọn các dự án. Đây là vấn đề cần được quán triệt và giải quyết triệt để thông qua việc lập và thực hiện các quy hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, BVMT. Để làm được điều này, đòi hỏi phải tập trung xây dựng, hình thành được quy hoạch BVMT quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế; Rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới. Đồng thời, trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư phát triển và thẩm định sơ bộ dự án, phải đánh giá các tác động môi trường một cách thực chất, có chất lượng dựa trên đánh giá về trình độ công nghệ, kinh nghiệm các nước thế giới để lựa chọn được những dự án tốt nhất, hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ ba, huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác BVMT, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người được hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân đối với công tác BVMT, từ nhận thức, hành động đến việc tham gia hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách pháp luật, đầu tư nguồn lực cho BVMT. Thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai, đồng thời giảm phát thải, chất thải ra môi trường. 

Cuối cùng, tận dụng có hiệu quả các thành tựu về khoa học, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác quản lý môi trường. Trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; Chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; Ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (năm 2000) đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường của đất nước. TW Hội luôn có sự hậu thuẫn vững chắc trong suốt quá trình hoạt động 20 năm qua. Đó là sự ủng hộ của các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương trên cả nước, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đóng vai trò rất lớn trong bối cảnh chung của Việt Nam và thế giới có những tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là môi trường. Một trong những đóng góp nổi bật của TW Hội cho sự nghiệp bảo vệ môi trường phải kể đến sự ra đời của Tạp chí Kinh tế Môi trường, là cơ quan ngôn luận của TW Hội, hoạt động tuyên truyền, truyền thông về lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Kính chúc Bộ trưởng một năm mới an khang – thịnh vượng!

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới