Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Công khai, minh bạch trong thu hồi đất
Lần sửa đổi này sẽ kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn chiều 16/3, cập nhật tiến độ chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đây là một trong những nội dung về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật được nêu tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Công khai, minh bạch trong thu hồi đất
Dự án Luật đất đai (sửa đổi) sau rất nhiều lần lùi, hoãn đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi), thực hiện các thủ tục, trình tự xây dựng dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định những chủ trương lớn cần cần tiếp tục đổi mới trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ trưởng Hà cho hay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với đó đang chủ động, tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết Nghị quyết số Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW).
Bộ chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để xác định các nội dung còn chồng chéo, thiếu thống nhất để sửa đổi. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế;
Tổ chức Hội thảo 3 miền (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) để lấy ý kiến ủy ban nhân dân (UBND), đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức hội thảo với các bộ, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam.
Các nội dung được giao trong Nghị quyết số 82/2019/QH14 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời cũng chính là các nội dung đang được đánh giá trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.
Đó là, quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; vấn đề sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Cũng quy định rõ trong lần sửa đổi này các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi; trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất...
Xử lý người nước ngoài núp bóng sở hữu đất đai
Sau giám sát, Quốc hội cũng yêu cầu các Bộ quản lý nhà nước nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)...
Báo cáo cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng kết đánh giá thực tiễn đề xuất các chính sách, quy định pháp luật về quản lý các loại đất đa mục đích để có các giải pháp căn cơ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai phù hợp với xu thế chung trong sử dụng đất của quốc tế và nhu cầu từ thực tiễn.
Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu bổ sung các quy định về quy hoạch, quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không tại các đô thị; chỉ đạo các địa phương nghiên cứu triển khai quy hoạch không gian ngầm trên địa bàn
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai các đề tài, giao nhiệm vụ nghiên cứu về quy hoạch không gian ngầm và công trình ngầm và đưa nội dung này vào nội dung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW để làm căn cứ sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới, Bộ trưởng thông tin.
Đáng chú ý, yêu cầu soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật, ông Hà báo cáo, đây là các nội dung nhạy cảm về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế.
Bộ Công an đã có Báo cáo số 71/BC-ANKT ngày 21/1/ 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 225/BTNMT-TCQLĐĐ-m ngày 6/7 /2020 góp ý báo cáo số 71/BC-ANKT của Bộ Công an đề xuất các giải pháp trong hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan (các báo cáo này được thực hiện theo chế độ mật).
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là: Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cụ thể như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai. Luật Đất đai quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của luật đất đai). Luật không quy định về các hợp đồng đặt cọc (một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện giao dịch dân sự). Nội dung này được quy định bởi pháp luật về dân sự, pháp luật về nhà ở, pháp luật về công chứng 11.
Bùi Hằng (T/h)