Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Đã xác định được hướng đi bảo vệ môi trường'
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Xuân Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã xác định được hướng đi cho công tác bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Tài nguyên, môi trường từ lâu đã là lĩnh vực “nóng,” được xã hội quan tâm và cũng là “sức ép” đối với công tác quản lý, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc khiếu kiện đất đai, vướng mắc trong cấp sổ đỏ, ô nhiễm môi trường…
Trước thềm Xuân Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VietnamPlus về những kết quả nổi bật tạo nên sự chuyển biến trong năm 2019, cũng như suy nghĩ, trăn trở của ông về những vấn đề “nóng” của ngành cần giải quyết trong năm 2020.
Nguồn thu từ tài nguyên cao nhất trong nhiều năm
- Xin Bộ trưởng cho biết những điểm sáng nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường mà ông cảm thấy tâm đắc nhất trong năm 2019?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm cùng sự phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, Bộ đã trình ban hành các chính sách tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo để tiếp tục khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển.
Các nguồn tài nguyên cũng đã được phát huy cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo đó, cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng cho phát triển sản xuất kinh doanh, tình trạng lãng phí, vi phạm pháp luật về đất đai được giải quyết. Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động. An ninh tài nguyên nước được quan tâm, chú trọng quản lý theo lưu vực, điều tiết phục vụ đa mục tiêu. Nguồn thu từ tài nguyên đạt cao nhất trong nhiều năm qua.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, theo khảo sát đánh giá của các tổ chức độc lập, chất lượng cung cấp dịch vụ công đã được cải thiện. Tỉ lệ khiếu kiện trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã giảm.
Năm 2019 cũng là năm Bộ tập trung chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn phát triển mới với việc sơ kết, tổng kết các chủ trương chính sách, pháp luật và trên cơ sở đó Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các Kết luận chỉ đạo, Nghị quyết; sửa đổi 2 Bộ luật quan trọng là Luật bảo vệ môi trường và Luật đất đai, lập nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành.
Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựng dùng một lần...
Nếu theo dõi tin tức, sự kiện thời gian qua chúng ta có thể thấy đây không còn là phong trào mà nó thực sự đã trở thành hành động của toàn xã hội; từ các cơ quan hành chính đến nhiều tập đoàn lớn, các nhà bán lẻ, liên minh tái chế chất thải nhựa; các siêu thị, khu du lịch; từ đô thị đến nông thôn...
Nếu như năm 2019 là kêu gọi thì năm 2020 sẽ được thể chế vào các chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ sẽ trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các quy định khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường để tạo ra các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Quy định trách nhiệm trong thu hồi các sản phẩm nhựa thải bỏ của nhà sản xuất, phân phối, trách nhiệm tái chế hoặc chi trả cho tái chế.
Đặc biệt sẽ có các công cụ kinh tế (thuế, phí) để điều chỉnh hành vi tiêu dùng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất cần kiểm kê các nguồn ô nhiễm không khí, sớm di dời các nguồn gây ô nhiễm không khí ra khỏi các khu dân cư. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Đặt môi trường vào đúng vị trí …
- Bên cạnh những điểm sáng đã đạt được, năm 2019 cũng được đánh giá là một năm “khủng hoảng” với nhiều sự cố môi trường như vụ cháy Rạng Đông, nguồn nước Sông Đà nhiễm hóa chất, hay “cảnh báo đỏ” về ô nhiễm không khí... Với cương vị “tư lệnh” ngành, ông sẽ đưa ra những “kế sách” gì để bảo vệ môi trường năm 2020?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2019, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự cố ảnh hưởng rất lớn lên môi trường, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu như cháy rừng ở Braxin, ở Australia… Nó sẽ còn để lại những hậu quả tác động lớn đến khí hậu, môi trường toàn cầu.
Đối với nước ta, sau một thời gian dài chú trọng tăng trưởng kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến bảo vệ môi trường, các tác động tích lũy cùng phát thải từ các hoạt động kinh tế, xã hội đã làm cho môi trường ở một số nơi đã chạm ngưỡng chịu tải, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm...
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đặt môi trường vào đúng vị trí của nó, là trung tâm của phát triển bền vững. Thực tế, môi trường chịu sự ảnh hưởng từ mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất, do đó mọi “kế sách” đều phải làm thế nào để chỉ rõ trách nhiệm cũng như huy động được sự tham gia của từng người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Do đó, trước hết cần bắt đầu từ việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường.
Cùng với đó là áp dụng các biện pháp chủ động phòng ngừa, thiết lập hệ thống quan trắc tự động kết nối liên tục về cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các tình huống; thực hiện bảo vệ môi trường ngay từ trong giai đoạn đầu tư, sàng lọc loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm; đẩy mạnh thực hiện khắc phục ô nhiễm; có chế tài để buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải theo quy định, thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ…
Ngoài ra, cần kiểm kê các nguồn ô nhiễm không khí, sớm di dời các nguồn gây ô nhiễm không khí ra khỏi các khu dân cư, kiểm soát số lượng, nâng cao quy chuẩn phương tiện giao thông; đảm bảo quy chuẩn quy hoạch cây xanh, không gian công cộng trong các đô thị, khu dân cư; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải...
Tôi còn nhiều trăn trở, chưa thể nói làm tâm đắc hay hài lòng được. Nhưng, điều khiến tôi cảm thấy vui là đã xác định được hướng đi cho công tác bảo vệ môi trường với nhiều giải pháp quản lý bài bản, thực chất hơn. Bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị sự đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Rác không phải là chất bỏ đi mà rác là một thành phần trong quá trình hình thành và chuyển hóa nó thành tài nguyên năng lượng. (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Rác không phải là chất bỏ đi mà là…năng lượng
- Ngoài ô nhiễm môi trường không khí, vấn đề rất nhức nhối hiện nay đấy là bài toán về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng có thể cho biết những vấn đề, hiện trạng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải giải quyết...?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong bộ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ có một nội dung hết sức đầy đủ, chi tiết và chúng tôi đặt ra yêu cầu là quy định để làm sao từng chương, từng điều nói về quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, nông thôn có thể đi vào cuộc sống. Nghĩa là, sau khi có luật thì càng ngày ô nhiễm của chất thải ở nông thôn và thành thị càng giảm đi và tiến tới bằng không. Đấy là mục tiêu.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định giao vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị nông thôn tập trung cho một Bộ, trước khi nó được giao cho rất nhiều Bộ và các địa phương. Như vậy, chúng tôi sẽ thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thể chế hóa trách nhiệm của mình, trách nhiệm của các địa phương trong các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp cận một số vấn đề tư duy mới coi rác không phải là chất bỏ đi mà rác là một thành phần trong quá trình hình thành và chuyển hóa nó thành tài nguyên năng lượng, có thể được tái chế, tái sử dụng. Vấn đề quan trọng ở chỗ là chúng ta phải quy định cho rõ được đặc thù của vấn đề công tác quản lý, thành phần rác thải.
Chính vì thế, cần phải xuất phát từ vấn đề huy động được người dân coi đấy là trách nhiệm của mình, quyền hạn của mình. Bởi vì không có người dân thì không thể nào làm được từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và chúng ta phải làm đồng bộ từ những việc người dân làm là phân loại cho đến việc các doanh nghiệp tham gia vào quá trình vận chuyển, xử lý, đặc biệt nhấn mạnh là công nghệ, công nghệ phải tái chế, tái sử dụng.
Và đi kèm với nó là các cơ chế, chính sách nào để chúng ta huy động một phần đóng góp từ người dân, hai là người dân sẽ suy nghĩ như thế nào khi thải rác ra môi trường...
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết trong năm 2020, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai giải quyết các xung đột, chồng chéo của pháp luật, các công cụ kinh tế, tài chính, giá đất để ngăn ngừa thất thoát, đầu cơ, giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp để giảm khiếu kiện đất đai. Ban hành cơ sở pháp lý để thực hiện các giao dịch điện tử về đất đai. Cùng lúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra đối với vấn đề Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm như tình trạng lãng phí đất đai của các dự án đầu tư, nông, lâm trường, việc thực hiện các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước. |
Hùng Võ