Bộ VHTT&DL đề nghị Hà Giang làm rõ việc chỉnh trang Mã Pì Lèng
Điểm dừng chân ngắm cảnh Panorama tại Mã Pì Lèng (Hà Giang) lại một lần nữa gây xôn xao dư luận bởi những hình ảnh lan truyền sau khi công trình sửa chữa lại bề thế hơn cả trước. Bộ VHTT&DL đề nghị Hà Giang làm rõ việc này.
Sau khi nhiều ảnh chụp Panorama Mã Pì Lèng lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người băn khoăn về quy mô công trình chỉnh sửa bề thế hơn công trình cũ. Trước thông tin này, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, cho biết, đã giao Cục Di sản Văn hóa kiểm tra, xem xét.
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng được phát hiện sai phạm hồi tháng 10/2019. Sau khi dư luận, chuyên gia và đơn vị quản lý văn hóa di sản lên tiếng, UBND tỉnh Hà Giang vào cuộc tổ chức hội nghị tháng 3/2020 lấy ý kiến để chỉnh sửa công trình này thành điểm dừng chân ngắm cảnh. Tháng 7/2020 chủ đầu tư bắt đầu chỉnh trang và tới nay đưa vào khai thác, thu hút đông đảo khách du lịch dừng chân ngắm cảnh và “check-in”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, Panorama Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ di sản danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng, việc xử lý thuộc trách nhiệm UBND tỉnh và huyện Mèo Vạc. Trong nhiều văn bản trước đó, Bộ cũng nêu ý kiến về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình không phù hợp cảnh quan thiên nhiên truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ đề nghị Hà Giang cải tạo công trình phù hợp cảnh quan, kiến trúc truyền thống, không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn toàn cảnh của không gian di sản, hài hòa với thiên nhiên, không tác động tiêu cực đến môi trường. Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cho biết, trong cuộc góp ý kiến chỉnh trang Panorama Mã Pì Lèng hồi tháng 3, các cơ quan quản lý và chuyên gia kiến trúc đều thống nhất quan điểm giữ công trình và cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không kinh doanh lưu trú.
“Bộ sẽ sớm có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thông tin rõ về công trình sau chỉnh sửa”, ông Trần Đình Thành cho biết.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VOV, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, nhà hàng Panorama sau cải tạo "đã thực hiện đúng phương án được UBND tỉnh phê duyệt, trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư trong buổi làm việc hồi tháng 3/2020".
Theo ông Quý, “nhà hàng chỉ cải tạo chứ không phá dỡ. Hầu như tất cả những du khách đến đây đều chấp nhận phương án này, là để chỗ người ta ngắm cảnh. Còn các quy định không lưu trú, chủ nhà hàng cũng đã chấp hành”.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng chủ đầu tư và kiến trúc sư cải tạo công trình dường như không thiện chí tiếp thu góp ý để có sản phẩm có thẩm mỹ và hợp lý nhất. Theo biên bản hội nghị hồi đầu tháng 3 tại Hà Nội, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ phương án cải tạo công trình gửi xin ý kiến chuyên gia trong tháng 3 trước khi tiến hành chỉnh sửa.
KTS Trần Đức Hợp, nguyên giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội nói, mới nhìn lướt qua công trình chỉnh sửa và “thấy tiếc”. Trần Đức Hợp là một trong những chuyên gia được mời tham góp ý kiến chỉnh sửa Panorama Mã Pì Lèng. Ông cho biết sau cuộc họp đó ông không được mời tham gia ý kiến gì thêm nữa. “Giá như tác giả KTS được chủ đầu tư mời cải tạo làm kỹ hơn, làm tới cùng bằng cách tham khảo hội đồng chuyên môn sâu hơn thì công trình sẽ khác”, ông nói.
Với kinh nghiệm giảng dạy mấy chục năm, tại hội nghị hồi tháng 3 KTS Trần Đức Hợp góp ý cần quan tâm tới tính nghệ thuật của công trình: “Tôi đề xuất công trình cần độc đáo, đơn giản, có ngôn ngữ kiến trúc, đặc biệt cần kiểm tra lại kết cấu công trình cho phù hợp bảo đảm độ an toàn, phòng cháy chữa cháy, môi trường”. Panorama Mã Pì Lèng chỉ là công trình nhỏ nhưng các chuyên gia kiến trúc đều cho rằng cần những người dày kinh nghiệm tham gia.
Theo phương án được UBND tỉnh Hà Giang thông qua sẽ bỏ đi một tầng phía bên trên, một số sàn thì cắt bớt đi không để phòng nghỉ ở đó nữa, chỉ có cafe và chụp ảnh. Quan trọng là không cho lưu trú.
Công trình sẽ phải cắt giảm theo tính toán các hệ mái đua ra để không chắn tầm nhìn từ cung đường QL4C từ cả hai hướng tiếp cận.
Khối công trình giật cấp men theo sườn đồi phải đục bỏ theo thiết kế các mảng tường bao che, để lại hệ khung bê tông cốt thép và một số diện tường. Dỡ bỏ phần mái đua ra ở các cốt cao độ: 0.000, -2.500, -5.000. Riêng cao độ 0.000 chỉ tháo dỡ một nửa hệ mái để không gây đột biến cao độ giữa Khối đón tiếp và phần công trình còn lại. Các diện tường còn lại được ốp đá phiến, các sân ngắm cảnh được bao quanh bởi lan can xây tường ốp đá và lan can sắt theo thiết kế, sàn lát đá hoặc trải cỏ nhân tạo.
Minh Phương