Chủ nhật, 24/11/2024 10:29 (GMT+7)
    Thứ ba, 05/07/2022 17:00 (GMT+7)

    Bộ Xây dựng nói gì khi bị "gọi tên" chậm di dời các cơ quan khỏi nội đô?

    Theo dõi KTMT trên

    Trước tình trạng di dời cơ quan ra ngoài thành phố vẫn chậm trễ, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản nhiều lần đôn đốc các Bộ, ngành Trung ương và Hà Nội thực hiện.

    Tại cuộc họp báo mới đây do UBND TP.Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng Thủ tướng đã có quyết định giao Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời các cơ quan ra ngoài thành phố, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

    Bộ Xây dựng nói gì khi bị "gọi tên" chậm di dời các cơ quan khỏi nội đô? - Ảnh 1
    Việc di dời các cơ quan ra ngoài thành phố đến nay chưa thực hiện được. (Ảnh minh hoạ)

    Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, căn cứ Luật Thủ đô 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành và UBND TP.Hà Nội.

    Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan Trung ương), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo Quy hoạch.

    UBND TP.Hà Nội được giao tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời; đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

    Về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng cho biết, đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

    Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tổ chức Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây.

    Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng cho biết đang chỉ đạo hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ ngành Trung ương, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022, làm cơ sở triển khai các bước đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

    Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có văn bản, nhiều lần đôn đốc các bộ ngành Trung ương và Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 130, Bộ Xây dựng cho biết.

    Được biết, chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

    Thế nhưng chủ trương này vẫn trì trệ suốt nhiều năm qua. Đến nay mới có 9 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới. Vẫn còn một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP.Hà Nội khai thác, sử dụng.

    Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội đô...

    TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ rõ, việc các Bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai, bởi theo luật này quy định trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác.

    Vì vậy, nhiều đơn vị mặc dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn thời hạn giao đất, đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trì trệ như hiện nay.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng nói gì khi bị "gọi tên" chậm di dời các cơ quan khỏi nội đô?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới