Cà Mau: Ứng phó mưa lớn, ngập lụt, nước dâng theo cấp độ rủi ro thiên tai
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau vừa ban hành phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, việc triển khai thực hiện phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo phương châm “04 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) thực chất, hiệu quả.
Phương án xây dựng 3 kịch bản ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt và nước dâng. Trong đó, bao gồm kịch bản 1: Mưa lớn kèm theo lốc, sét với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1; Kịch bản 2: Mực nước lũ cao (do ảnh hưởng bởi mưa kết hợp triều cường) từ báo động 1 đến dưới báo động 2 tại các trạm trên 01 lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc) cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 1; từ báo động 2 đến dưới báo động 3 cộng 1m tại các trạm trên 01 lưu vực sông và từ báo động 1 đến dưới báo động 2 tại các trạm trên nhiều lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc), cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 2; từ báo động 2 đến dưới báo động 3 cộng 1,0m tại các trạm trên nhiều lưu vực sông (Gành Hào, Cửa Lớn, Ông Đốc, Đầm Dơi, Rạch Gốc), cấp độ rủi ro do ngập lụt cấp 3. Kịch bản 3: Độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều gây ra mực nước tổng cộng cao từ 1,0m đến 2,0 m cho khu vực ven biển Đông và ven biển Tây tỉnh Cà Mau, cấp độ rủi ro do nước dâng cấp 2 và độ cao nước dâng kết hợp với thủy triều gây ra mực nước tổng cộng cao từ trên 2,0 m đến 3,0 m cho khu vực ven biển Tây tỉnh Cà Mau, cấp độ rủi ro do nước dâng cấp 3.
Việc xây dựng, ban hành phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau (cập nhật năm 2024) nhằm nâng cao năng lực, chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng theo các cấp độ rủi ro của các ngành, các cấp và người dân; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng gây ra trên địa bàn tỉnh. Không để xảy ra thiệt hại về người do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024.
Về biện pháp phòng ngừa giảm thiểu, tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý thiên tai; lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cấp tỉnh; nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống thiên tai cộng đồng. Đồng thời, kết hợp các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.
Về biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác đến các cấp, các ngành và nhân dân; thông tin dự báo phải cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu và không chủ quan; triển khai phương án dự phòng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khi có sự cố. Triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó kịp thời, sát tình hình thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”, thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ trong trường hợp thông tin liên lạc bị gián đoạn; tổ chức phân công cán bộ chỉ huy trực tiếp, cán bộ điều hành bám địa bàn; xác định những nơi trọng yếu và tăng cường lực lượng, phương tiện cứu nạn, sơ cấp cứu ứng trực trước thời điểm thiên tai xảy ra.
Đồng thời, kêu gọi, hướng dẫn phương tiện khai thác thủy sản vào nơi neo đậu an toàn; lập các chốt kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển; thực hiện lệnh cấm biển, cấm di chuyển trên sông đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền khi có bão.
Hà My