Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ hai, 25/03/2019 11:03 (GMT+7)

“Cá voi” Viettel Global: Một góc khuất thua lỗ…

Theo dõi KTMT trên

Công ty chủ lực của Viettel vươn cánh tay nối dài ra thị trường nước ngoài, kỳ vọng đem về hàng tỷ USD cho tập đoàn. Việc đầu tư lớn vào hạ tầng viễn thông ban đầu khiến Viettel Global đang chịu khoản lỗ luỹ kế hơn 5.000 tỷ đồng cùng gánh nặng vay nợ tăng nhanh không kém.

“Cá voi” Viettel Global: Một góc khuất thua lỗ… - Ảnh 1

Viettel Global đang bị thua lỗ nghìn tỷ khi đầu tư vào thị trường Châu Phi

Vì đâu lỗ luỹ kế 5.000 tỷ đồng?

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã: VGI) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để tham dự Đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 26/4/2019 tại Hà Nội. Đây là kỳ họp đầu tiên kể từ khi Viettel Global niêm yết hơn 2,24 tỷ cổ phiếu VGI trên sàn UpCoM hồi tháng 9/2018. Vốn điều lệ của công ty đạt hơn 30.438 tỷ đồng, còn vốn hoá đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng…

Hàng loạt câu hỏi về hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài, lợi nhuận thua lỗ lớn hay biến động giá cổ phiếu bất thường thời gian qua… là những “điểm nóng” mà nhiều cổ đông Viettel Global quan tâm, sẽ chất vấn tại ĐHCĐ tới đây.

Giới đầu tư có lẽ không thể quên VGI đã “đốt cháy” tài khoản chứng khoán của họ nhanh thế nào. Tháng 9/2018, cổ phiếu VGI chào sàn với giá 15.000 đồng/CP và đã tăng 4 phiên liên tiếp đạt đỉnh 31.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh tăng vọt hàng triệu đơn vị. Từ đỉnh cao này, VGI bắt đầu “đổ đèo” giảm sâu với những chuỗi ngày miệt mài lao dốc “không phanh”, chạm đáy 11.300 đồng/CP, mất tới 64% thị giá vào ngày 25/12/2018 – thời điểm xuất hiện những đồn đoán về khoản lỗ lớn của Viettel Global.

Không ít nhà đầu tư trót “đu đỉnh” cổ phiếu VGI hồi đầu lên sàn và tiếp tục mua vào với kỳ vọng “bắt dao rơi” đã phải nhận quả đắng thua lỗ vì cổ phiếu VGI giảm sâu, đáy sau càng sâu hơn đáy trước…

“Cá voi” Viettel Global: Một góc khuất thua lỗ… - Ảnh 2

Cổ phiếu VGI lao dốc giảm tới 64% chỉ trong vòng 3 tháng sau khi chào sàn UpCoM

Thực tế, biến động giá cổ phiếu VGI lao dốc sau đó đã phản ánh khá “khớp” với kết quả kinh doanh thua lỗ của Viettel Global trong năm 2018, chỉ được công bố vào cuối tháng 2/2019.

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2018, doanh thu thuần trong quý 4 của VGI sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 4.430 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu bán hàng hóa kỳ này chỉ đạt 547 tỷ đồng, giảm đến 70% so với quý 3/2017.

Ngoài giá vốn hàng bán giảm 36%, Viettel Global đã mạnh tay cắt giảm chi phí bán hàng (-36%), chi phí quản lý doanh nghiệp (-39%), chi phí tài chính (-27%)… nhờ đó quý 4 mới lãi trước thuế được 16,5 tỷ đồng – là quý đầu tiên có lãi sau 9 tháng làm ăn thua lỗ.

Tính chung cả năm, doanh thu thuần của Viettel Global đạt 16.861 tỷ đồng, cùng với doanh thu tài chính là hơn 1.729 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, luỹ kế cả năm 2018 công ty bị lỗ 145,6 tỷ đồng trước thuế và lỗ ròng gần 800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với số lỗ của năm 2017.

Kết quả kinh doanh sa sút đã khiến cho số lỗ luỹ kế đến cuối năm 2018 của Viettel Global tiếp tục tăng vượt mốc 5.073 tỷ đồng, tức lỗ thêm hơn 1.621 tỷ đồng so với năm trước.

Viettel Global được kỳ vọng là cánh tay nối dài của Viettel vươn ra thị trường viễn thông quốc tế với việc mở rọng đầu tư vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar), Mỹ Latin (Haiti) và châu Phi (Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique). Trong đó, Viettel đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi.

Thuyết minh BCTC cho thấy, doanh thu thuần từ các thị trường nước ngoài đều có tăng trưởng khả quan, chỉ riêng thị trường Châu Phi có doanh thu sụt giảm 6,6% chỉ đạt 7.133 tỷ đồng. Thị trường Châu phi đến cuối năm 2018 ghi nhận lỗ ròng gần 2.568 tỷ đồng trong khi năm 2017 chỉ lỗ 419,5 tỷ đồng.

Còn các thị trường Châu Mỹ La tinh và Đông Nam Á đem về khoản lãi sau thuế lần lượt là 218 tỷ đồng và 717,8 tỷ đồng, các thị trường khác lãi 1.224 tỷ đồng.

“Cá voi” Viettel Global: Một góc khuất thua lỗ… - Ảnh 3

Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài của Viettel Global

Quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, chi phí vận hành, kinh doanh và phát triển hệ thống bán hàng ở thị trường nước ngoài ở giai đoạn đầu thực tế đã “ngốn” chi phí khổng lồ. Tuy nhiên, nếu Viettel Global không sớm khắc phục tình trạng thua lỗ, cải thiện doanh thu và lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty mẹ Viettel (sở hữu 99% vốn VGI) khi hợp nhất báo cáo tài chính.

Gánh nặng vay nợ đầu tư 1,43 tỷ USD

Trong chiến lược vươn tầm ra thế giới, Viettel đặt kỳ vọng vào “cá voi” Viettel Global sẽ đem về nguồn doanh thu lớn bằng ngoại tệ từ các thị trường Châu Phi, châu Mỹ, Đông Nam Á còn tiềm năng “bùng nổ” viễn thông lớn.

Tuy nhiên, kết quả giai đoạn đầu của chiến lược “ra biển lớn” của Viettel Global đang khiến cổ đông lo ngại. Không chỉ là số lỗ luỹ kế hơn 5.073 tỷ đồng, Viettel Global cùng các công ty con, liên kết ở nước ngoài đã và đang tạo ra khối nợ rất lớn.

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Viettel Global tiếp tục tăng 12% lên mức hơn 58 nghìn tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho tăng 24%, các khoản phải thu dài hạn tăng đến 50%. Nợ phải trả cuối kỳ vẫn duy trì quanh mức gần 33 nghìn tỷ đồng như hồi đầu năm, tương đương hơn 1,43 tỷ USD.

Để phục vụ cho hoạt động đầu tư ồ ạt ra nước ngoài, Viettel Global đã huy động vốn từ nhiều tổ chức tín dụng thông qua việc vay tín dụng và phát hành trái phiếu. Tổng quy mô vay và nợ thuê tài chính của công ty đến hết năm 2018 lên tới 19.605 tỷ đồng, bằng tới 60% nguồn vốn chủ sở hữu công ty.

Trong đó, cơ cấu nợ vay dài hạn có thay đổi tăng lên chiếm tỷ trọng 57,3% tổng nợ vay; và công ty chịu áp lực cân đối tài chính cho hơn 3.487 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả.

Chưa kể, Viettel Global còn ghi nhận các cam kết bảo lãnh vay tại nhiều ngân hàng cho hai công ty ở nước ngoài là Viettel Cameroon S.A.R.L và Viettel Tanzania lên tới hàng trăm triệu USD. Và có lẽ, các cổ đông cần có sự giải trình rõ ràng về khả năng cân đối tài chính, đảm bảo khả năng trả nợ trên sổ sách cùng những cam kết ngoại bảng khác.

Cổ phiếu VGI chào sàn vào tháng 9/2018 với giá khởi điểm 11.000 đồng/CP. Sau thời gian “lên đỉnh- xuống đáy”, cổ phiếu VGI đã hồi phục mạnh mẽ và hiện giao dịch quanh mức 25.400 đồng/CP, tăng 112% so với thời điểm cuối tháng 12/2018.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết “Cá voi” Viettel Global: Một góc khuất thua lỗ…. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới