Chủ nhật, 24/11/2024 08:58 (GMT+7)
Thứ tư, 07/07/2021 15:33 (GMT+7)

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới

Theo dõi KTMT trên

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp chỉ đạo các giải pháp ứng phó.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Hồi 10h sáng nay (7/7), áp thấp nhiệt đới đã đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong chiều nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 22h đêm nay, áp thấp nhiệt đới đi vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Thời gian tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp...

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2-3 m, biển động mạnh...

Đặc biệt, trong chiều tối và đêm nay, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật mạnh cấp 6-7. Từ nay đến hết ngày 8/7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm/đợt, có nơi cao hơn 300 mm/đợt. Mưa lớn tập trung tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An... Vùng núi các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới - Ảnh 1
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới lúc 13h. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Tại TP.Hà Nội từ chiều và đêm nay đến ngày 9/7 xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh; gió mạnh dần lên cấp 3-4, giật trên cấp 6. Tổng lượng mưa cả đợt (từ ngày 7 đến 9-7) tại khu vực trung tâm và các huyện phía Nam thành phố là 100-150 mm, có nơi cao hơn 150 mm; các huyện phía Tây và phía Bắc thành phố 70-120 mm, có nơi cao hơn 120 mm...

Ông Khiêm cảnh báo vấn đề ngập lụt có khả năng xảy ra tại nhiều địa phương. Cụ thể, các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình có khả năng xảy ra ngập úng.

“Với lượng mưa dự báo như trên cần hết sức cảnh giác đến vấn đề lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong đêm nay và ngày mai, nhất là khu vực vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho biết, trong đêm nay, rạng sáng mai, áp thấp nhiệt đới sẽ cập bờ, do vậy, các đơn vị, địa phương cần khẩn trương triển khai những nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với hình thế thời tiết nguy hiểm khác tác động từ cơn áp thấp nhiệt đới.

Trong đó, trên tuyến biển, cần khẩn trương theo dõi, đôn đốc tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

“Chiều và đêm nay phải đưa toàn bộ người dân trên lồng bè, chòi canh lên bờ. Đồng thời, đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng bắn pháo hiệu để báo áp thấp nhiệt đới cho người dân sơ tán”, Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài nói.

Ông Hoài cũng cho rằng, nếu áp thấp nhiệt đới tác động khi mà đang triều cường sẽ rất nguy hiểm cho các vị trí đê điều đang thi công. Do vậy, từ trưa nay (7/7), yêu cầu một số đơn vị của Tổng cục Phòng chống thiên tai xuống cơ sở, trực tiếp tại các địa phương Nam Định và Thái Bình triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, sẽ cùng phối hợp với lực lượng của Bộ đội Biên phòng trực tiếp kiểm tra tại các khu neo đậu tàu bè.

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới - Ảnh 2
Họp Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai để ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão sáng 7/7. (Ảnh: Hanoimoi)

Đối với khu vực, vùng có nguy cơ xảy ra ngập úng, ông Hoài đề nghị Tổng cục Thủy Lợi ngoài các công điện cần xuống trực tiếp để kiểm tra. Đặc biệt, là những khu vực ngập úng tại khu vực thành phố tại tỉnh Nghệ An năm ngoái, và khu vực trồng trọt của tỉnh Nghệ An, cần sẵn sàng vận hành trạm bơm tiêu úng khi cần thiết. Đồng thời, cần chú ý đến công tác hạ thấp mực nước đệm trong hệ thống kênh mương.

Ngoài ra, ông Hoài cũng đề nghị, bộ phận trực ban cần triển khai ngay các công việc liên quan để nắm bắt được tình hình các địa phương ở khu vực miền núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Tăng cường xuống cơ sở kiểm tra ngay tại các địa phương; nắm bắt từng địa bàn, ngoài khu vực dân cư còn khu vực hầm lò, tuyến đường ngập úng, sạt trượt...

Đặc biệt, hiện nay, đang trong kỳ thi Trung học phổ thông, do vậy hiện nay ông Hoài đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ, những vị trí nào cần tăng cường kiểm tra báo cáo ngay Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia để có những chỉ đạo kịp thời.

Báo cáo của Bộ đội Biên phòng cũng cho biết, tính đến 6h ngày 7/7 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.386 phương tiện/232.828 người.

Đại diện của Bộ đội Biên phòng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các địa phương trên tuyến biển kêu gọi tàu thuyền và người dân di chuyển vào bờ trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cảnh báo vận động bà con trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

Các địa phương Quảng Ninh, Thanh Hóa dự kiến cấm biển từ 13h ngày 7/7; tỉnh Thái Bình cấm biển từ 12h ngày 7/7. 

Theo đại diện của Tổng cục Thủy Lợi, ngay sau khi nhận được công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi đã ban hành Công điện chỉ đạo các địa phương tập trung vào vấn đến “nóng” cụ thể ở đây là tiêu úng. Hiện nay, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có 324 nghìn ha đã gieo, do vậy, đây chính là vấn đề cần đặc biệt lưu ý.

Bên cạnh đó về hồ chứa, hiện nay, hồ chứa ở vùng Bắc Trung bộ dung tích hiện đang thấp ở mức 52%, do vậy, Tổng cục Thủy Lợi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vừa bảo đảm an toàn cho công trình và vừa tích nước để bảo đảm cho sản xuất vụ lúa Hè Thu.

PV

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới