Chủ nhật, 24/11/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ hai, 21/02/2022 11:00 (GMT+7)

Các đợt rét hại nhất trong lịch sử tại Bắc Bộ

Theo dõi KTMT trên

Với mức nhiệt dưới 0 độ C, băng giá tiếp tục phủ trắng tại các thôn làng thuộc xã Y Tý (Lào Cai) và đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) sáng 21/2. Trong niềm hào hứng của du khách là nỗi buồn của người dân khi chịu nhiều thiệt hại do thời tiết cực đoan.

Từ cuối năm 2021 đến nay, đã có 9 đợt không khí lạnh, trong đó có 2 đợt không khí cường độ mạnh tương đương mức nhiệt của mấy ngày nay tại Bắc Bộ. Tuy đã được thông tin và chỉ đạo kịp thời song vẫn xảy ra 2 vụ ngạt khí do sưởi ấm bằng bếp than làm 3 người chết (tại Thanh Hóa) do nhiệt độ xuống thấp.

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trong lịch sử, có nhiều đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa tuyết và băng giá đã gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cụ thể:

Đợt rét kéo dài nhất trong lịch sử được ghi nhận từ ngày 14/1-20/2/2008 (38 ngày). Nhiệt độ thấp nhất nhiều nơi xuống dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) -1 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -2 độ C. Đợt rét này đã làm gần 138.000 con gia súc bị chết.

Đợt rét có nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử được ghi nhận từ ngày 22-28/1/2016. Rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng; một số điểm nhiệt độ rất thấp như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -5 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -4,2 độ C. Rét hại, mưa tuyết và băng giá đã làm gần 37.000 con gia súc bị chết.

Các đợt rét hại nhất trong lịch sử tại Bắc Bộ - Ảnh 1
Rét đậm rét hại ảnh hưởng lớn đến diện tích cây trồng tại Lào Cai. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đợt rét từ 3/1-3/2/2011 (31 ngày) cũng ghi nhận nhiều nơi nhiệt độ thấp nhất dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) 0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -3,6 độ C. Rét hại, băng giá đã làm trên 30.000 con gia súc chết.

Đầu năm 2021 (từ ngày 7-13/1/2021), nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như: Sa Pa (Lào Cai) -2,2 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -3,4 độ C. Nhiều khu vực núi cao xuất hiện băng giá, đặc biệt từ ngày 10-11/1/2021, trên địa bàn huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện mưa tuyết.

Đợt rét này đã làm 2.354 con gia súc bị chết, trong đó có những địa phương không phải trọng tâm như Thừa Thiên Huế (461 con gia súc bị chết); đồng thời đã xảy ra thiệt hại về người do sưởi ấm bằng bếp than tại tỉnh Hà Giang, Quảng Bình (Hà Giang 1 người chết, 1 người bị ngạt khí; Quảng Bình 1 người chết, 1 người bị ngạt khí).

Từ nay đến ngày 22/2, ở Bắc bộ và Thanh Hóa trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 7-10 độ C, vùng núi 2-5 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và còn tiếp tục xảy ra băng giá, mưa tuyết. Khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-15 độ C, có nơi rét hại với nền nhiệt 9-11 độ C.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn đề nghị người dân ở miền Bắc cẩn trọng khi đốt than sưởi ấm, đồng thời bảo vệ gia súc khỏi chết rét. Các địa phương có băng giá phải cắm biển cảnh báo nguy cơ trơn trượt do băng giá trên các tuyến đường nguy hiểm.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa to do không khí lạnh đã khiến 1 người bị lũ cuốn trôi do cố tình đi qua cầu tạm đã được cảnh báo tại thôn Thượng Sơn, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Các đợt rét hại nhất trong lịch sử tại Bắc Bộ - Ảnh 2
Nhiều vật nuôi khó chịu đựng được trước nền nhiệt quá thấp. (Ảnh minh họa)

Để chủ động ứng phó với rét hại, băng giá và giảm thiểu những thiệt hại, tránh lặp lại những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra trong thời gian qua, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

1. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân; tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh, tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.

2. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

3. Chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch; cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

4. Tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh.

5. Hiện nay, học sinh các cấp trên cả nước đã đi học trực tiếp trở lại, các địa phương căn cứ diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các trường nội trú ở khu vực miền núi.

6. Các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động triển khai các biện pháp chống rét cho mạ và diện tích lúa vụ Đông Xuân mới gieo cấy; điều chỉnh linh hoạt lịch gieo cấy đối với diện tích còn lại phù hợp với diễn biến thời tiết để tránh thiệt hại.

7. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Các đợt rét hại nhất trong lịch sử tại Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới