Các loài chim ở Amazon đang nhỏ dần để thích ứng với khí hậu
Khi mùa khô của Amazon ngày càng nóng và khô hơn, một số loài dường như đang thay đổi về thể chất, giảm trọng lượng: Chúng tiến hóa với đôi cánh dài hơn và thân hình nhỏ hơn để tồn tại.
Nhiều người nghĩ rằng rừng Amazon chính là nơi cung cấp cuộc sống tuyệt vời cho sinh vật tự nhiên, nhưng thậm chí ngay tại đây, những tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra và ngày càng nặng nề hơn.
Các nhà nghiên cứu đã đối chiếu dữ liệu trong 4 thập kỉ về các loài chim và phát hiện ra rằng khi mùa khô của Amazon ngày càng nóng và khô hơn, một số loài dường như đang thay đổi về thể chất.
Cuối năm 2020, một nghiên cứu của tập thể tác giả cũng khẳng định sự suy giảm một số loài chim cư trú tại Amazon rất có thể liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo năm 2019 của National Audubon Society cũng cảnh báo hơn 2/3 loài chim ở Bắc Mỹ sẽ dễ bị tuyệt chủng vào năm 2100 nếu xu hướng ấm lên tiếp tục diễn ra.
Sở dĩ chim được lựa chọn trong nhiều nghiên cứu liên quan đến sự thay đổi của khí hậu bởi chúng được coi là loài trọng điểm, biểu thị sức khỏe tổng thể của hệ sinh thái, vì vậy các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến cách chúng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở nghiên cứu mới, các tác giả thu thập bộ dữ liệu lớn nhất đến nay về các loài chim cư trú của Amazon, đại diện cho 77 loài không di cư và kéo dài suốt 40 năm (1979 – 2019). Phát hiện của nhóm vừa được công bố trên tạp chí Science Advances, chỉ ra rằng 36 loài đã mất đi đáng kể trọng lượng, khoảng 2% trọng lượng cơ thể, sau mỗi thập kỉ kể từ năm 1980; 77 loài giảm khối lượng cơ thể trung bình; Và, 1/3 loài mọc cánh dài hơn.
Trong thời gian nghiên cứu, nhiệt độ trung bình trong khu vực tăng lên trong khi lượng mưa giảm: Nhiệt độ tăng 1 độ C vào mùa mưa và 1,65 độ C vào mùa khô. Lượng mưa tăng 13% trong mùa mưa nhưng giảm 15% vào mùa khô khiến khí hậu khô và nóng hơn bình thường.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào các loài chim không di cư để nhằm loại trừ các yếu tố như tiếp xúc với các môi trường sống khác nhau vốn là nguyên nhân của bất kỳ thay đổi thể chất nào. Những cá thể chim trong nghiên cứu dành cả cuộc đời của chúng trong rừng nhiệt đới vốn không hoặc ít bị xáo trộn, ngay dưới tán cây, vì vậy sự suy thoái môi trường sống hầu như không ảnh hưởng tới chúng.
Lý giải về sự thay đổi của các loài chim, bản thân các nhà nghiên cứu cũng không chắc những thay đổi về chiều dài cánh mang lại lợi ích gì cho các cá thể nhưng những con chim nhỏ hơn có thể dễ dàng giữ mát hơn. Các động vật nhỏ thường tản nhiệt nhanh hơn động vật lớn. Ngoài ra, thực phẩm sẵn có ít hơn, chẳng hạn như trái cây hoặc côn trùng trong điều kiện thời tiết khô hanh cũng có thể dẫn đến kích thước cơ thể nhỏ hơn.
Còn về những chiếc cánh có xu hướng mọc dài, nhà sinh thái học Vitek Jirinec, người đứng đầu nghiên cứu ngờ rằng việc mọc những chiếc cánh dài hơn sẽ giúp các loài chim bay cao hơn, nhẹ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.
Dù vậy, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu ở các khu vực nhiệt đới khác để tìm hiểu cách thức và lý do tại sao các loài chim cư trú đang ứng phó với biến đổi khí hậu bằng đôi cánh dài hơn.
“Chúng ta nghĩ về Amazonia như một biểu tượng của đa dạng sinh học trên cạn, một nơi bí ẩn, đầy ắp sự sống, không có con người tác động, tránh xa nạn phá rừng. Nhưng có vẻ như không phải vậy”, các nhà nghiên cứu chia sẻ.
Nguyễn Linh (T/h)