Chủ nhật, 24/11/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/02/2022 07:00 (GMT+7)

Các nhà khoa học phải 'bó tay' với 5 câu hỏi về Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh khủng hoảng y tế, có rất nhiều thông tin về dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng giới khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu nhiều khía cạnh liên quan đến đại dịch và có những điều khó để giải thích rõ ràng.

1. Cần bao nhiêu mũi vaccine tăng cường?

Do hiệu lực bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, trong khi các biến chủng liên tục biến đổi, giới chuyên gia y tế cho rằng việc tiêm mũi tăng cường, mũi nhắc lại sẽ thành thông lệ.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) mới đây đã cập nhật hướng dẫn y khoa, cho rằng người có hệ miễn dịch yếu có thể tiêm mũi vaccine thứ tư. Cùng lúc, Israael, Đức và nhiều nước khác đang nghiên cứu hiệu quả của mũi thứ tư trước khi triển khai tiêm chủng đối với toàn dân.

Chủ tịch tập đoàn Moderna, ông Stephen Hoge từng khẳng định mỗi người cần tiêm mũi nhắc để ngừa Covid-19 theo mùa, giống với bệnh cúm thông thường, ít nhất là để bảo vệ nhóm có nguy cơ cao, giảm thiểu diễn tiến nặng nếu mắc bệnh.

Các nhà khoa học phải 'bó tay' với 5 câu hỏi về Covid-19 - Ảnh 1
Những thắc mắc về vaccine. (Ảnh minh họa)

2. Miễn dịch vaccine kéo dài bao lâu?

Thời điểm mũi vaccine đầu tiên được đưa vào tiêm chủng ở Mỹ là tháng 12/2020. Hai mẫu vaccine được cho là hiệu quả nhất Moderna và Pfizer/BioNTech đều sử dụng cách tiếp cận riêng: Dùng RNA thông tin (mRNA) dạy các tế bào cách tạo ra một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể trước virus.

Công nghệ vaccine dựa trên mRNA đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỉ, nhưng đây là lần đầu tiên vaccine dạng này được đưa ra thị trường và chương trình tiêm chủng. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục thu thập thông tin về hiệu quả vaccine cũng như câu hỏi sau bao lâu vaccine giảm hiệu lực bảo vệ.

Trong báo cáo gần đây, CDC cho biết khả năng bảo vệ của vaccine mRNA trong ngăn chặn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện suy giảm đáng kể 4 tháng sau khi tiêm, kể cả là mũi tăng cường. Cụ thể, hiệu lực bảo vệ này đạt 96% trong hai tháng sau mũi tiêm thứ ba, nhưng giảm xuống còn 76% sau thời gian 4 tháng.

Các nhà khoa học phải 'bó tay' với 5 câu hỏi về Covid-19 - Ảnh 2
Có xuất hiện thêm những biến chủng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

3. Liệu có xuất hiện các biến chủng nguy hiểm như Delta hay Omicron hay không?

Virus liên tục đột biến. Đôi khi những đột biến này xuất hiện nhanh và biến mất cũng nhanh. Nhưng trong một số trường hợp, chúng tồn tại lâu và gây ra bùng phát mức độ lây nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong hai năm qua, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi và tạo ra 5 biến thể đáng quan tâm, dựa trên tiêu chí đánh giá về mức độ lây lan nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả các biện pháp điều trị, nguy cơ chuyển bệnh nặng.

Tháng 9/2021, WHO hạ biến thể Alpha, Beta, Gamma xuống mức “biến thể cần giám sát”, trong khi vẫn giữ nguyên mức đánh giá với Delta và Omicron.

Đến tháng 2 này, biến thể Omicron suy yếu tại Mỹ. Nhưng lại xuất hiện biến thể phụ của Omicron là BA.2, với khả năng lây nhiễm còn mạnh hơn 30% so với biến thể gốc Omicron. Giới chuyên gia cảnh báo dịch bện càng kéo dài và còn một số lượng lớn người chưa được tiêm, virus sẽ có cơ hội lây lan và đột biến. Việc dựng bản đồ, xác định biến chủng mới nằm trong khả năng, nhưng cần nhiều thời gian để xem xét, đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể.

Các nhà khoa học phải 'bó tay' với 5 câu hỏi về Covid-19 - Ảnh 3
Những điều thường gặp về hội chứng Covid kéo dài. (Ảnh: Trạm y tế phường Long Phước)

4. Tại sao Covid-19 khiến nhiều người mắc bệnh nặng, trong đó có cả hội chứng Covid-19 kéo dài?

Virus SARS-CoV-2 gây ra nhiều triệu chứng, từ đau đầu, mệt, sốt, buồn nôn, mất vị giác, mất khứu giác… Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm các mảnh ghép để xác định đối tượng nào dễ mắc các biểu hiện bệnh này, nhưng họ vẫn chưa có câu trả lời cho việc tại sao có người chuyển bệnh nặng, có người chỉ ở thể nhẹ.

Tuổi tác dĩ nhiên là biến số lớn nhất có liên quan đến xu hướng bệnh nặng, ông Gigi Gronvall, học giả cao cấp tại Trung tâm An sinh Y tế thuộc Trung tâm Johns Hopkins chia sẻ. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp người 20-30 tuổi, trẻ em thiệt mạng vì nhiễm Covid-19, trong khi mọi chỉ dấu cho thấy họ thuộc nhóm bệnh nhẹ.

Giới khoa học cũng đang cố tìm hiểu chứng Covid kéo dài (long Covid) – một loạt những triệu chứng xuất hiện ở người đã khỏi Covid-19 sau nhiều tuần, nhiều tháng. Hiện tại, nguyên nhân gây Covid kéo dài vẫn chưa rõ và danh sách các triệu chứng về bệnh này liên tục thay đổi.

5. Covid-19 có nguồn gốc từ đâu?

Các chuyên gia hiện vẫn chưa có câu trả lời cho việc Covid-19 xuất hiện ra sao. Giả thuyết phổ biến nhất cho đến thời điểm này là virus lây lan từ động vật sang người. Tuy nhiên, cũng tồn tại giả thuyết SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Các nhà khoa học phải 'bó tay' với 5 câu hỏi về Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới