Chủ nhật, 24/11/2024 07:38 (GMT+7)
Thứ năm, 22/09/2022 08:40 (GMT+7)

Các tỉnh phía Nam đạt kết quả khả quan trong phục hồi và phát triển du lịch

Theo dõi KTMT trên

Nhờ những cơ chế, chính sách kịp thời và hướng đi phù hợp, thời gian qua, ngành du lịch tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL đang có những bước phục hồi và phát triển nhanh chóng.

Phát triển mạnh mẽ

Sau khoảng thời gian 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 cho đến nay, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương khu vực Nam Bộ đã có khởi sắc rõ nét, góp phần tạo nên đà phát triển mới trong thời gian tới.

Đặc biệt là tại TP. HCM – địa điểm từng là tâm dịch, chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cũng chính là khu vực sớm nhất được tái khởi động các hoạt động du lịch ngay sau khi dịch được kiểm soát, cụ thể là các điểm đến thuộc "vùng xanh” ở các huyện ngoại thành Củ Chi, Cần Giờ. Qua đó, tạo đà phục hồi, từng bước lấy lại “phong độ” cho ngành kinh tế tổng hợp ở thị trường nhận và gửi du khách sôi động nhất cả nước. 

Vào tháng 10 năm ngoái, sau khi tổ chức các tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, TP. HCM đã bắt tay triển khai ngay các tour thương mại đón du khách với các điểm đến thuộc “vùng xanh”, khu vực an toàn dịch bệnh.

Tiếp đó, những tháng cuối năm 2021, du lịch TP. HCM dần nâng cao công suất phục vụ du khách ở từng tour, điểm đến, hành trình tour được mở rộng trở lại, ra ngoài phạm vi TP.

Các tỉnh phía Nam đạt kết quả khả quan trong phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 1
Khu địa đạo Củ Chi trở thành địa điểm không thể bỏ qua khi khách du lịch đến TP. HCM (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM chia sẻ: Đến khi bước sang năm 2022, du lịch TP. HCM mới thực sự được khôi phục với kết quả ấn tượng.

8 tháng của năm 2022, tổng doanh thu của riêng ngành du lịch - dịch vụ tại TP. HCM đạt hơn 74.400 tỉ đồng, dự tăng 90,6% so cùng kỳ năm 2021. Lượng khách du lịch nội địa đến TP trong 8 tháng này đạt 16,7 triệu lượt, du khách quốc tế đạt hơn 1,3 triệu lượt.

Tương tự tại một số địa phương cùng thuộc vùng du lịch Đông Nam Bộ như TP. HCM, du lịch tại Bà Rịa -Vũng Tàu cũng trên đà nhanh chóng phục hồi, khẳng định được vị thế của địa phương trọng điểm du lịch.

Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, trong 8 tháng của năm 2022, tổng du khách đến tỉnh đạt trên 8,6 triệu lượt, tăng gần 180% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong thời điểm mùa du lịch hè vừa qua, tỉ lệ công suất khai thác phòng tại nhiều điểm lưu trú trên địa bàn tăng cao, theo tính toán đạt trên 95% vào dịp cuối tuần. Tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh trong 8 tháng đạt khoảng 8.870 tỉ đồng, tăng 55 % so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng khu vực các tỉnh, TP thuộc ĐBSCL, qua việc thực hiện nhiều chương trình quảng bá kích cầu gắn với đổi mới sản phẩm cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình phục hồi du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện, 8 tháng của năm nay, TP và hơn 10 tỉnh trong vùng đã thu hút được khoảng 30 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 21.000 tỉ đồng.

Còn tại Đồng Tháp, ước tính trong 9 tháng của năm 2022, ngành du lịch tỉnh đón 2,8 triệu lượt du khách, tăng tới 150 % so với cùng kỳ năm 2021.

Tạo đà phát triển cụm du lịch

Tiếp tục phát huy những nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch, chính quyền địa phương các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã khẩn trương đề ra nhiều giải pháp, chiến lược theo hướng trọng tâm, trọng điểm dựa trên cơ sở tận dụng thế mạnh địa phương. Đồng thời, đặt yếu tố đổi mới hình thức quảng bá, phát triển sản phẩm làm tiền đề góp phần phát triển du lịch toàn diện, bền vững trong giai đoạn mới.

Bàn về kế hoạch của TP. HCM trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm, cập nhật, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới với định hướng phát triển du lịch TP thành điểm đến du lịch có dịch vụ hiện đại nhất, sống động hàng đầu châu Á.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc thị trường, đối tượng du khách, du lịch TP chú ý phát triển đổi mới sản phẩm theo hướng chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách.”

Với lợi thế có trên 4.000 cơ sở lưu trú, gần 1.300 doanh nghiệp lữ hành, trên 360 tài nguyên du lịch đã được công bố, TP có nhiều thuận lợi trong phát triển đa dạng sản phẩm, phục vụ lượng lớn du khách đến đây.

Các tỉnh phía Nam đạt kết quả khả quan trong phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 2
Khu du lịch Vũng Tàu Hồ Mây là điểm đến hấp dẫn với du khách khi đến Vũng Tàu (Ảnh minh hoạ)

Cùng chung một mục tiêu là đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện hoàn thiện nhiều sản phẩm, dịch vụ, góp phần tạo tạo nên điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.

Điển hình, khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc đang dần hình thành chuỗi resort nghỉ dưỡng và nhiều dịch vụ bổ trợ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Điểm đến Công viên nhiệt đới Tropicana Park cùng ở huyện Xuyên Mộc, nằm trong tổ hợp du lịch NovaWorld vừa đưa vào hoạt động đầu mùa hè đã thu hút nhiều du khách hoặc tour “Ngồi du thuyền ngắm Vũng Tàu từ biển” mang đến cho du khách không gian trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp TP. Vũng Tàu với góc nhìn từ biển, tạo cảm xúc mới lạ cho du khách. 

Đối với các địa phương ĐBSCL, điển hình như tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh tập trung triển khai theo trọng tâm, thế mạnh của từng cụm như: Cụm du lịch Phú Quốc và phụ cận, cụm du lịch Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận,…

Dựa trên cơ sở đó, đối với sản phẩm du lịch cộng đồng, tỉnh tập trung phát triển mạnh, nâng tầm các điểm đến, tạo bứt phá cho du lịch như: Làng chài Hàm Ninh, khu nhà thùng nước mắm và khu vườn tiêu (TP. Phú Quốc), các điểm đến đầm Đông Hồ, quần đảo Hải Tặc (TP. Hà Tiên), quần đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương), đồng cỏ bàng Phú Mỹ (huyện Giang Thành),…

Chính quyền tỉnh Bến Tre cũng xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025, ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Bé Mười: Địa phương đang phát triển đa dạng sản phẩm du lịch để tạo sự khác biệt với các tỉnh lân cận, tập trung khai thác thế mạnh về dừa, văn hóa miệt vườn, quê hương của phong trào Đồng Khởi, đẩy mạnh liên kết vùng để đa dạng sản phẩm du lịch.

Tập trung triển các cụm du lịch sinh thái và trải nghiệm khu vực Bắc Bến Tre, du lịch giải trí - nghỉ dưỡng ven biển gắn với bảo vệ rừng tại các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, phát triển tour du lịch văn hóa - tâm linh gắn với các di tích, phát triển du lịch MICE ở huyện Châu Thành và Bến Tre.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh phía Nam đạt kết quả khả quan trong phục hồi và phát triển du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới