Cách mạng Xanh là thành tựu vượt bậc của nền sản xuất lương thực thế giới?
Cách mạng Xanh là cuộc cách mạng nhằm tăng trưởng sản lượng nông nghiệp bằng việc tạo ra những giống cây trồng có năng suất cao. Có thể thấy, Cách mạng Xanh đã tạo ra những thành tựu lớn trong sản xuất lương thực của thế giới.
Cuộc Cách mạng Xanh, được hiểu là cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, đã bắt đầu từ thập niên 50 và 60 thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có hai trung tâm của cuộc cách mạng này, vừa diễn ra sớm vừa đạt được hiệu quả cao, đó là Mexico và Ấn Độ. Thực chất của cuộc Cách mạng Xanh là bằng các biện pháp kỹ thuật, nhất là phân bón và thuốc trừ sâu và việc cung cấp giống mới bằng lai tạo, đã làm tăng năng suất đáng kể cho các loại cây trồng, nhất là lúa mì và lúa gạo.
Cách mạng Xanh có hai nội dung quan trọng hỗ trợ và bổ sung cho nhau là tạo ra những giống mới và năng suất cao chủ yếu là cây lương thực và sử dụng tổ hợp các biện pháp kỹ thuật để phát huy khả năng của các giống mới.
Cuộc Cách mạng Xanh được bắt đầu ở Mexico cùng với việc hình thành một tổ chức nghiên cứu quốc tế là: "Trung tâm quốc tế cải thiện giống ngô và mì Cimmyt và Viện nghiên cứu quốc tế về lúa ở Philippin - Irri và ở Ấn Độ - Iari".
Đặc biệt ở Ấn Độ, năng suất lương thực tăng lên gấp 2 - 3 lần, khiến quốc gia này cùng với nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi thoát khỏi nạn đói, hơn thế nữa, nó còn tạo ra nguồn lương thực dồi dào để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước. Từ một nước luôn có nạn đói kinh niên, không vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn lương thực, thành một đất nước đủ ăn và còn dư để xuất khẩu với tổng sản lượng kỷ lục là 60 triệu tấn/năm.
Một điều đáng lưu ý là Cách mạng Xanh ở Ấn Độ không những đem đến cho người dân những chủng cây lương thực có năng suất cao, mà còn cải thiện chất lượng dinh dưỡng của chúng gấp nhiều lần. Cụ thể như chủng Sharbati hạt vừa to, vừa chắc, chứa 16% protein, trong đó 3% là lizin. Do tiếp tục cải tiến và tuyển lựa giống nên có nơi chủng này đã cho 21% protein.
Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vào các thập niên 70 - 80 cũng chịu những ảnh hưởng của Cách mạng Xanh. Đặc biệt chính sách khoán hộ được triển khai từ sau năm 1986 đã tạo nên sức phát triển cao của nông nghiệp, với tổng sản lượng lương thực của cả nước tăng lên hơn 2 lần. Đất nước không chỉ bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Như vậy, Cách mạng Xanh đã tạo ra những thành tựu lớn trong sản xuất lương thực của thế giới. Tuy nhiên, Cách mạng Xanh vẫn tiềm ẩn những hạn chế như yêu cầu vốn lớn để đầu tư cho sản xuất, sử dụng nhiều loại phân bón có thể làm tăng mức độ ô nhiễm khu vực canh tác nông nghiệp, sử dụng đại trà giống mới làm giảm dự trữ các nguồn gen về cây lương thực.
Đặc biệt, Cách mạng Xanh đã gây ra nhiều nguy hại làm môi trường tự nhiên bị suy kiệt, cùng với các nhân tố khác góp phần dẫn đến sự biến đổi khí hậu theo hướng bất lợi cho cuộc sống con người. Hiện tượng này diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp, nhất là kỹ thuật dùng phân hóa học và các loại thuốc trừ sâu đã phá vỡ hệ thống tri thức bản địa lâu đời của người nông dân. Theo đó, hệ thống này vốn được tích lũy qua bao thế hệ về môi trường, khí hậu, đất đai canh tác, cùng với đó là các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, trong lựa chọn tập đoàn cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, trong thu hoạch lúa và hoa màu và việc bảo quản sau thu hoạch... Thực tế, khi áp dụng các giống cây trồng mới nhập ngoại thì tri thức bản địa về cây trồng và kỹ thuật trồng trọt cũng bị thay đổi theo.
Việc dùng phân bón, thuốc bảo vệ và bảo quản thực phẩm trong canh tác và sản xuất đã ảnh hưởng đến chất lượng lương thực, thực phẩm, thậm chí chúng còn chứa nhiều độc tố do khiếm khuyết về kỹ thuật và sự thiếu trách nhiệm của con người. Từ đó đặt ra vấn đề an toàn lương thực, thực phẩm trong bối cảnh hiện nay, bởi thực trạng thực phẩm "bẩn" đã và đang trở thành mối lo ngại lớn nhất của con người. Tình trạng càng nguy hiểm hơn khi mà các nguồn lương thực thực phẩm "bẩn" đã xuất hiện ở mọi nơi, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của con người trên toàn thế giới.
Lan Anh (T/h)