Chủ nhật, 24/11/2024 08:33 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/04/2023 13:00 (GMT+7)

Cảm nhận và lòng biết ơn

Theo dõi KTMT trên

Chứng kiến quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về môi trường hoạt động tốt như bây giờ tôi thấy có sự đóng góp của nhiều người đi tiên phong đáng được ghi nhận và biết ơn.

Đến đầu thập niên 2020, chúng ta đã xây dựng được hệ thống quản lý môi trường (QLMT) hoạt động có kết quả, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển đất nước. Nhất là từ 1/1/2022, Luật BVMT mới đã đi vào thực hiện, hệ thống QLMT đã được hoàn thiện và nâng tầm hoạt động với hệ thống các tổ chức QLMT đủ mạnh từ cấp Trung ương đến địa phương. Hệ thống pháp luật liên quan đến BVMT đang được tuân thủ và thực thi ngày hiệu quả hơn đi kèm với hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đang được xậy dựng và hoàn thiện. Hệ thống đào tạo được hình thành, đã có trường đại học cũng như nhiều khoa trong các trường đại học đào tạo các chuyên ngành môi trường (khoa học môi trường, kỹ thuật/công nghệ môi trường, quản lý môi trường,…).

Tuy nhiên, là một người được chứng kiến cả quá trình xây dựng hệ thống hoạt động tốt như bây giờ tôi thấy có sự đóng góp của nhiều người đi tiên phong đáng được ghi nhận và biết ơn.

Cảm nhận và lòng biết ơn - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Nhớ lại, tối 18/7/2020 khi xem Chương trình Cất cánh tháng 7 với chủ đề “Lòng biết ơn”, tôi thật sự xúc động khi các diễn giả và khách mời nói lên những cảm nghĩ chân thật từ sâu thẳm trái tim mình. Quá nhiều bình luận bày tỏ nỗi lòng gan ruột của người xem xa, gần, trên khắp mọi miền. Và, khi nhớ lại những ngày đầu hình thành hệ thống QLMT tôi muốn viết những dòng này để tỏ lòng biết ơn, nói lời tri ân tới những người mà tôi trân quý.

Tôi muốn ghi lại ở đây không phải là nội dung của cuốn sách nhan đề “Tiết thanh minh” của tác giả người Mỹ Elizabeth Kemf - nhà nghiên cứu môi trường, nhà báo, nhà nhiếp ảnh và nhà văn, chủ bút báo WWF  News của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, cộng tác viên thường xuyên của tờ International Herald Tribune vì quý vị có thể tìm đọc mà là quá trình cùng tác giả đi tìm tư liệu. Ngoài cuốn sách này có thể đọc thêm các Bài viết của bà xuất hiện trên các tạp chí Geo và New Scientist. Bà là cố vấn của bộ phim Việt Nam sau khói lửa chiến tranh đã được chiếu ở Anh, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Úc và nhiều nước khác.

Khi bà đến Việt Nam năm 1984 có lẽ là người Mỹ đầu tiên sau chiến tranh để phản ánh chân thực về hậu quả chiến tranh hóa học, về chất da cam, dioxin tàn phá thiên nhiên và di chứng khủng khiếp dai dẳng trên thân thể những nạn nhân bị phơi nhiễm, Bởi lẽ mãi đến 11 năm sau, năm 1995 Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Cảm nhận và lòng biết ơn - Ảnh 2
Cuốn sách Tiết thanh minh của bà Elizabeth Kemf - nhà nghiên cứu môi trường người Mỹ.

Tuy nhiên, trong cuốn sách có nêu tên nhiều người từ miền Bắc Việt Nam đã tham gia hỗ trợ mọi mặt để vượt mọi khó khăn, trở ngại cùng cô Kemf đi khắp mọi miền từ Bắc chí Nam để có tư liệu cho cuốn sách này nhưng không rõ họ là ai, làm gì nếu chỉ nêu quá ngắn gọn của tiêu đề cuốn sách. Tôi muốn làm rõ điều này âu cũng là để tri ân tới họ. Nếu không những con người đáng trân trọng này mãi mãi chỉ có một cái tên không mang họ trong cuốn sách.

Thời điểm bắt đầu là năm 1984, khi đó đón và hoạch định chương trình 01 tháng cho 1 công dân, nhà báo Mỹ gặp rất nhiều khó khan có thể coi là gian nan. Bởi lẽ, mãi tới 11 năm sau Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ song phương.

Trong số cán bộ thực hiện chương trình này, có nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường (CRES) như GS.Võ Quý, GS.Lê Trọng Cúc, TS.Võ Thanh Sơn, Trần Thu Phương (lúc đó là cán bộ nghiên cứu).

Một nhóm khác đến từ Khoa Sinh, Đại học tổng hợp Hà Nội như GS. Mai Đình Yên; PGS.Lê Diên Dực (lúc đó là Giảng viên).

Tham gia chương trình còn có sự tham gia của nhóm cán bộ đến từ Vụ Điều tra cơ bản (ĐTCB) thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (KH&KTNN), đó là PGS.TS Trương Mạnh Tiến (hiện đang là Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường), TS. Nguyễn Ngọc Sinh, TS. Nguyễn Khắc Kinh, Trần Thị Thanh Phương.

Ngoài ra còn có sự tham gia của các đồng chí khác như Nguyễn Văn Châu – cán bộ công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban KH&KTNN;  Đinh Xuân Hùng – cán bộ công tác tại Ủy ban KH&KTNN; Vũ Bình - cán bộ Trung tâm Thông tin, Bộ Ngoại giao.

Cảm nhận và lòng biết ơn - Ảnh 3
Bà Elizabeth Kemf có nhiều năm rong ruổi tại Việt Nam để viết cuốn sách Tiết thanh minh.

Giúp chương trình làm công tác phiên dịch có hai đồng chí đến từ Bộ Nội vụ, đó là Lâm Sanh Phương và Vũ Đức Lưu.

Còn một số cán bộ có tên và không có tên ở các địa bàn chúng tôi đưa cô Kemf đến làm việc đều rất nhiệt tình, vượt qua mọi mặc cảm ban đầu nhờ vậy đã có đủ chất liệu cho cuốn sách có một không hai này.

Cũng cần nói thêm một chi tiết quý nữa mà cô Kemf quên không nhắc tới : đó là tại thành phố Hồ Chí Minh có đêm diễn ca nhạc tại Nhà hát thành phố, anh Trương Mạnh Tiến đã lấy được vé mời để cô Kemf dự và thưởng thức trọn vẹn chương trình.

Khi được nghe những ca sĩ của một đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến vệ quốc khốc liệt đang ngổn ngan còn bao khó khăn gian khổ chồng chất nhiều mặt cất tiếng hát, Cô Kemf vô cùng xúc động, mắt chớp chớp (hẳn là để ngăn giọt lệ chăng?), Đặc biệt nhất là bài “ Thuyền và Biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ thi sĩ Xuân Quỳnh, được NSUT Tuấn Phong thể hiện.

Những người nhắc ở trên, người còn người mất, nhưng đều là người tâm huyết với sự nghiệp gây dựng hệ thống QLMT, BVMT và hoạt động cho tới tận bây giờ như: PGS.TS. Trương Mạnh Tiến đang giữ trọng trách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường hay TS. Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Có thể nói những ngày đầu bắt tay xây dựng và vận hành cả hệ thống QLMT, BVMT gặp nhiều khó khan, cả về nhân lực, nguồn lực, kiến thức, hiểu biết về một vấn đề mới trong đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bị Mỹ và các nước cấm vận trong thời gian dài nhưng bằng quyết tâm của nhiều nhà khoa học đi đầu như GS.Võ Quý, GS.Lê Thạc Cán, GS.Đăng Huy Huỳnh, GS.Phạm Ngọc Đăng… của các cán bộ tận tụy như đã kể ra ở trên chúng ta đã làm được.

Bản thân tôi hồi đó (từ 1980 đến 1995) cũng được tham gia nhiều chương trình khoa học liên quan đến BVMT, đáng nhớ nhất là chương trình do GS.Võ Quý chủ nhiệm và chương trình sau đó do GS.Lê Thạc Cán chủ nhiệm. Là giảng viên của Khoa Địa Lý-Địa chất Đại học Tổng hợp Hà Nội tôi cũng đã cùng xây dựng và hình thành Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Có thể coi đây là khoa đầu tiên đào tạo cán bộ trình độ đại học môi trường ở Việt Nam nên những ngày đầu cũng gặp nhiều gian nan như soạn chương trình môn học, ngành học, viết giáo trình và giảng dạy thời gian đầu.

Quả thật, nhiều khi cũng cần nhớ lại, hồi tưởng lại những sự kiện đáng nhớ để thấy được đóng góp của nhiều người trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Và, chỉ với một bài viết ngắn gọn không kể hết được những gì diễn ra trong hành trình dài nhưng chúng tôi mong muốn chủ đề “LÒNG BIẾT ƠN” sẽ được mọi người quan tâm và viết thành bài để phổ biến, lan tỏa đến nhiều người khác.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Cảm nhận và lòng biết ơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới