Cần bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích Chùa Thông - Đền Thiên Quan
Sáng 17/4, tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã diễn ra lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Chùa Thông - Đền Thiên Quan.
Tới dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Lê Thị Thuỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam...
Chùa Thông - Đền Thiên Quan tọa lạc tại thôn 8 Đồng Lư Hạ, xã Chân Lý. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, công trình vẫn giữ được lối kiến trúc cổ truyền của dân tộc mang đậm phong cách của thời hậu Lê và thời Nguyễn thể hiện trên kiến trúc, chạm khắc hoa văn, hoạ tiết. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chùa Thông - Đền Thiên Quan gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 8/1945, Chùa Thông - Đền Thiên Quan là nơi quy tụ lực lượng quần chúng nhân dân để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, là địa điểm hội họp, nơi đào hầm bí mật cất giấu vũ khí, tập hợp lực lượng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, chính quyền đã chọn nơi này đặt "Hũ gạo cứu đói", "Tuần lễ vàng" ủng hộ kháng chiến, tổ chức các lớp bình dân học vụ nhằm từng bước xoá nạn mù chữ cho nhân dân. Vào những năm 1947-1950, Chùa Thông là cơ sở cách mạng là địa điểm hội họp của chi uỷ, cán bộ, đảng viên, du kích xã Chân Lý; đồng thời là nơi Huyện uỷ Lý Nhân mở lớp học bồi dưỡng chính trị cho quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng Cộng sản. Cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Duyên, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Chân Lý đã cùng các đồng chí trong chi bộ Đảng, Ủy ban Kháng chiến xã lãnh đạo nhân dân địa phương chiến đấu chống thực dân Pháp bảo vệ xóm làng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chùa Thông - Đền Thiên Quan là nơi đưa tiễn hàng trăm thanh niên địa phương lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây cũng diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục con em địa phương phát huy truyền thống quê hương làm tròn nghĩa vụ chiến đấu, sản xuất chi viện cho Miền Nam góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hoà bình lập lại, Chùa Thông - Đền Thiên Quan là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương. Hiện nay, tại Chùa Thông vẫn còn lưu lại dấu tích của hai hầm bí mật, ghi nhận những cống hiến và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản trung kiên của quê hương xã Chân Lý.
Để góp phần bảo vệ, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật của Cụm di tích Chùa Thông - Đền Thiên Quan, ngày 30/11/2021 UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 2062/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh cho cụm di tích, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị của cụm di tích một cách bền vững, tôn vinh di sản văn hoá của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, tạo nguồn lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, tỉnh Hà Nam công nhận Chùa Thông - Đền Thiên Quan là di tích cấp tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật của cụm di tích. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và ngành văn hoá đối với xã Chân Lý. Để phát huy hơn nữa những giá trị của cụm di tích, đồng chí Nguyễn Thị Doan đề nghị địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của di tích. Trong đó, nhân dân thôn Đồng Lư, Ban quản lý di tích thường xuyên tôn tạo, trùng tu di tích để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ trẻ tham quan, học tập. UBND xã Chân Lý cần có kế hoạch kết nối các di tích lịch sử, di tích tâm linh trong xã, trong vùng để xây dựng các tua, tuyến du lịch, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân, xã Chân Lý cần quan tâm hơn nữa đối với các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh; chú ý tôn tạo các phần mộ liệt sĩ, qua đó thể hiện truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh Hà Nam quan tâm hơn nữa tới công tác khuyến học, khuyến tài, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; khuyến khích phong trào tự học, "học không bao giờ cùng" theo tư tưởng của Bác Hồ.
Tại buổi lễ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã trao tặng Quỹ khuyến học của xã Chân Lý và 9 thôn trong xã số tiền 210 triệu đồng nhằm khích lệ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; đại diện công ty Bình An tặng 40 triệu đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng 30 triệu đồng cho Quỹ Thanh niên xung phong, tặng 15 triệu đồng cho Ban Quản lý di tích và 15 triệu đồng cho Nghĩa trang liệt sĩ xã Chân Lý.
Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam