Chủ nhật, 24/11/2024 07:40 (GMT+7)
Thứ hai, 15/08/2022 06:56 (GMT+7)

Cần bổ sung nguồn vốn 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Chính sách về nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động. Trong khi nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Bổ sung thêm các quy định cụ thể đối với nhà ở công nhân

Phân tích của các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, cần có cả nguồn lực để trợ lực phát triển nhà ở xã hội.

Theo TS.KTS Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, cần bổ sung nguồn vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để tạo dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết tồn tại nhiều dự án không thể triển khai do thiếu hụt nguồn vốn.

Có thể nói nước ta đã phát triển nhanh công nghiệp hoá, tuy nhiên chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây thiếu "sức sống" cho khu công nghiệp. Sự phát triển của khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên khu công nghiệp không kết nối được với hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần bổ sung nguồn vốn 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội - Ảnh 1
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, cần có cả nguồn lực để trợ lực phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Trước đây, một số bộ ngành, Bộ Công Thương, KH&ĐT..v.v... và các tỉnh, địa phương đang phát triển công nghiệp khá thuần túy - thu hút đầu tư và thu ngân sách chứ chưa có tầm nhìn quy hoạch thành hệ sinh thái bền vững Con người - Sản xuất - Thiên nhiên.

Căn cứ nhiệm vụ của Bộ Xây dựng về quản lý nhà nước, có một số đề xuất, định hướng chung như sau:

Thứ nhất, để xây dựng tư duy- hệ thống lý luận về phát triển Quy hoạch đô thị - Kinh tế xã hội qua việc thúc đẩy khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp thế hệ mới với tính cộng sinh để tạo thành một hệ sinh thái bền vững là cần thiết và cấp bách lớn đối với việc phát triển, nâng cấp khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, tập trung đến quyền lợi công đồng người dân, công nhân lao động. Cần bổ sung thêm các quy định cụ thể đối với nhà ở công nhân, phù hợp các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.

Tại Đại hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organisation) Phiên họp thứ 45 vào ngày 7/6/1961 đã ban hành "Khuyến nghị về Nhà ở cho Công nhân - 1961". Mục tiêu của chính sách quốc gia là thúc đẩy, trong khuôn khổ chính sách chung về nhà ở, việc xây dựng nhà ở và các tiện ích cộng đồng liên quan nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có được chỗ ở đầy đủ và tươm tất người lao động và gia đình của họ. Chú ý đến việc duy trì, cải thiện và hiện đại hóa các khu nhà ở hiện có và các công trình cộng đồng liên quan.

Cần phải tập trung nghiên cứu lý luận quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng trong thời gian tới: "Cộng sinh công nghiệp - Industrial and urban symbiosis". Việc này phải được luật hóa và có sự phối hợp, đồng lòng của quản lý nhà nước, nhóm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội, các nhà khoa học để nghiên cứu và thực hiện.

Giải pháp cộng sinh đô thị - công nghiệp, kinh nghiệm Quốc tế

Hiện nay, châu Âu đã triển khai thực hiện các giải pháp cộng sinh đô thị - công nghiệp để sử dụng năng lượng, nước, chất thải công nghiệp và các sản phẩm phụ ở quy mô khu vực.

Để đạt được các kết quả mong đợi, đối với các chủ đề cụ thể, hợp tác quốc tế rõ ràng là không bắt buộc nhưng lại được chính phủ các nước EU nỗ lực tạo liên kết không chỉ trong EU, mà còn đạt được thoả thuận với một số khu vực hoặc quốc gia để kết nối quốc tế và bổ sung thêm chuyên môn và giá trị cụ thể cho các hoạt động.

Với những mục tiêu phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh của châu Âu, các hoạt động nghiên cứu và đổi mới phải tuân thủ nguyên tắc "không gây tổn hại đáng kể" (theo Điều 17 của Quy định số 2020/852 về việc thiết lập một khuôn khổ để tạo điều kiện đầu tư bền vững, Quy định phân loại của EU).

Các chủ đề phục vụ các mục tiêu này cơ bản được cấu trúc như sau: Sản xuất xanh, linh hoạt và tiên tiến; Công nghệ kỹ thuật số tiên tiến cho sản xuất; Hướng đi mới để xây dựng, thúc đẩy sự thay đổi đột phá trong xây dựng đô thị - công nghiệp sinh thái; Tập trung với kinh tế tuần hoàn, một bước đệm hướng tới sự trung hòa về khí hậu và tính tuần hoàn trong ngành công nghiệp; Tạo điều kiện luân chuyển các nguồn tài nguyên trong các ngành công nghiệp chế biến, bao gồm chất thải, nước và CO2/CO; Tích hợp Năng lượng tái tạo và Điện khí hóa trong ngành công nghiệp chế biến.

Nhà ở cho công nhân các KCN hướng tới năm 2030 đề xuất giải pháp cụ thể

Từ thực tiễn nước ta và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất giải pháp như sau:

a) Về thể chế, chính sách

Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN, KCX: nhóm nhà ở công nhân cần tách riêng với nhóm 10 đối tượng phát triển nhà xã hội, cũng như xây dựng bổ sung các quy định riêng đối với hệ thống nhà ở, phúc lợi cho công nhân trong pháp luật về Đất đai, Nhà ở và liên quan. Ban hành quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.

Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ giá để công nhân có đủ điều kiện mua, thuê nhà với đầy đủ công trình phúc lợi kèm theo. Thu hồi các quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân đang được sử dụng sai mục đích, hoặc chủ đầu tư cố tình chậm tiến hành. Cần cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính cho quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội mà hiện tại không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư.

Tổng kết, tìm ra giải pháp, nỗ lực thực hiện mục tiêu cụ thể ngắn hạn 2022 - 2025 và tới 2030, kế thừa hoàn chỉnh, phát triển từ Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX” tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX" của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành.

b) Về Quy hoạch - Kiến trúc

Làm rõ và luật hóa khái niệm "đô thị công nghiệp" và đưa ra các tiêu chí quy hoạch bền vững, bản sắc để xây dựng các mô hình "khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ" đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các KCN, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.

Thí điểm mô hình phát triển quy hoạch xây dựng tích hợp KCN với dân cư tương đồng (như Singapore), qua đó có thể đánh giá tính khả thi và giá trị đem lại cho các địa phương.

Bổ sung trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu đất ở, công trình công cộng có tính chất đặc thù là thiết chê công đoàn phục vụ công nhân trong các KCN và KCX. (Thiết chế công đoàn chưa có định nghĩa chính thức, hiện đang được hiểu là một tổ hợp công trình phục vụ cho người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng, công trình văn hóa, thể thao).

Cần sớm nghiên cứu ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở công nhân, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao của thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đặc điểm phong tục tập quán và nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động; thích ứng biến đồi khí hậu các vùng miền.

c) Về khoa học kỹ thuật xây dựng

Khẩn trương nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở cho công nhân, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới... nhằm giảm giá thành, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX.

d) Về tài chính

Cần bổ sung nguồn vồn đầu tư từ ngân sách nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội (hiện ngân sách bố trí mới chỉ 2.163 tỷ, khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội) để giải quyết tồn tại nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai do thiếu hụt nguồn vốn. Cần có chính sách khuyến khích để phát triển nhiều tổ chức, quỹ cho vay để phát triển nhà ở cho công nhân KCN như quốc tế (như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp).

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Cần bổ sung nguồn vốn 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới