Cần có lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô Hà Nội
Theo Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội, để việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo đúng tiến độ, cơ quan chức năng cần kiên quyết với lộ trình cụ thể để đảm bảo tính khả thi đồng thời sử dụng hiệu quả quỹ đất khi các cơ sở dời đi.
Xác định 113 cơ sở không phù hợp quy hoạch
Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đề xuất di dời 117 cơ sở ở 12 quận. Trong đó, thành phố xác định có 113 cơ sở không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.
Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo"...
Bên cạnh đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 3 tổ công tác rà soát danh mục 117 cơ sở sản xuất công nghiệp. Qua đó xác định lại tổng số 92 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời do không phù hợp với quy hoạch theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và 81 cơ sở công nghiệp phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ra khỏi khu vực nội thành.
Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...
Khảo sát của Ban Đô thị HĐND Thành phố cho thấy, việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vẫn còn một số hạn chế, chậm với yêu cầu. Cụ thể việc phân loại, xác định tiêu chí, hướng dẫn tổng hợp danh mục, biện pháp di rời chưa rĩ ràng, thiếu đồng bộ, chưa gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Đại diện Đô thị HĐND TP. Hà Nội cho biết, thực tế nhiều cơ sở dù đã dừng sản xuất nhưng vẫn để lại một số bộ phận hoặc đang hoạt động theo dạng văn phòng giới thiệu sản phẩm. Tình trạng này gây lãng phí quỹ đất, trong khi rất cần quy hoạch thêm nhà ở, trường học, dịch vụ công cộng…
Từ thực trạng đó, Ban Đô thị kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các ngành sớm tham mưu để cùng các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời; thời hạn chót các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời, bảo đảm khả thi.
UBND Thành phố cũng cần chỉ đạo các sở, ngành làm tốt hơn công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này cần gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất sau di dời; ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
“Đau đầu” ô nhiễm làng nghề
Hiện trên toàn TP. Hà Nội có 1.350 làng nghề. Và mới đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội tiến hành khảo sát, lấy mẫu, phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Trước tình hình trên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc Ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hà Nội đặt chỉ tiêu đến hết năm 2025, 100% các làng nghề đã được công nhận trên địa bàn TP. Hà Nội được đánh giá, phân loại theo quy định; 100% các làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Định hướng đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đối với các 48 làng nghề ô nhiễm cần xử lý nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất để hình thành các khu vực sản xuất tập trung của làng nghề nhằm phục vụ di dời các cơ sở sản xuất đối với các làng nghề thực hiện theo phương án di dời cơ sở hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở; hộ gia đình sản xuất ra khỏi khu vực làng nghề theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã.
Nhật Hạ