Nhanh chóng phục hồi sản xuất để 'chớp thời cơ' từ kinh tế thế giới
Theo giới chuyên gia, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất
Theo nhận định của Bộ Công Thương, khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam.
Do đó, Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình. Yêu cầu các nhà máy đóng cửa quá lâu buộc các doanh nghiệp phải tính toán sẽ tiếp tục giữ đơn hàng ở lại hay chuyển dần đi vì không có gì đảm bảo kết quả sau một hai tháng sẽ được cải thiện nếu không có sự vào cuộc và hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động đến nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh thành phía Nam. Điều đó gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế khi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc không có nguyên liệu để sản xuất.
Không chỉ vậy, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng có nguy cơ suy giảm.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 25/9, nhiều ý kiến đều nhìn nhận, qua các đợt chống dịch, Việt Nam đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn.
Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản đồng tình với các báo cáo, đặc biệt là dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với Covid-19, bổ sung một số ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn.
Theo đó, qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9/2021 cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỉ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng trong tháng 8 năm 2021, Việt Nam thu hút được 2,4 tỉ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt vẫn có một số điểm tích cực giúp giữ chân nhà đầu tư.
Cần nối lại chuỗi sản xuất trong nước để phục hồi kinh tế sau đại dịch
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số doanh nghiệp hiện đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên, do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể bảo đảm sản xuất trong dài hạn.
Đồng thời, nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi phục hồi kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác.
Bên cạnh đó, sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư. Việc buộc phải thích ứng với tình hình mới, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh cần được ưu tiên và nỗ lực thực hiện lúc này.
Theo giới chuyên gia, do tính chất gắn kết chặt chẽ, liên tục của chuỗi sản xuất, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh.
Ngoài ra, các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… sẽ tăng mạnh trở lại.
Do đó, việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Cần kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá thuận lợi, kết nối lại chuỗi cung ứng... để tạo đà cho nền kinh tế phát triển sau đại dịch.
Nguyễn Luận