Canada: Nhiều rủi ro khi 'đặt cược' vào chính sách khí hậu
Người sáng lập Nanos Research, ông Nik Nanos, cho biết khoảng 40% số người được hỏi phản đối ý tưởng sẽ chi trả nhiều hơn cho giá năng lượng để đáp ứng các mục tiêu phát thải.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, kết quả cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu - thăm dò dư luận Nanos Research thực hiện mới đây cho thấy chỉ khoảng 50% người dân Canada sẵn sàng chi trả nhiều hơn để giúp quốc gia Bắc Mỹ này cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Người sáng lập Nanos Research, ông Nik Nanos, cho biết khoảng 40% số người được hỏi phản đối ý tưởng sẽ chi trả nhiều hơn cho giá năng lượng để đáp ứng các mục tiêu phát thải. Theo ông, đây là dấu hiệu mà các đảng chính trị nên thận trọng khi "đặt cược" vào các chính sách khí hậu.
Cuộc khảo sát diễn ra trong bối cảnh 2 tuần nữa Canada sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, tất cả các đảng lớn đều đề xuất hình thức định giá carbon trong cương lĩnh tranh cử của mình.
Tuy nhiên, mức giá carbon, phương thức hoàn lại tiền cho người dân và các mục tiêu giảm lượng khí phát thải lại rất khác nhau giữa các đảng Tự do, Bảo thủ, Dân chủ mới (NDP) và đảng Xanh.
Không giống như Mỹ, Canada đã giảm đáng kể lượng carbon trong ngành điện. Ông Andrew Leach, Phó Giáo sư tại Đại học Alberta, cho biết đây là một trong những lý do tại sao việc đạt được các mục tiêu phát thải tại Canada sẽ đòi hỏi các chính sách cứng rắn hơn so với ở Mỹ. Việc mở rộng lĩnh vực dầu khí kể từ năm 2005 khiến con đường đạt được các mục tiêu của Canada càng trở nên khó khăn hơn.
Trước đại dịch Covid-19 và trong cuộc bầu cử liên bang hồi năm 2019, biến đổi khí hậu là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với nhiều cử tri và "thống trị" chương trình nghị sự. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến xu hướng này "trật đường ray".
Trong mùa Hè này, nhu cầu về các chính sách tích cực để ứng phó với biến đổi khí hậu đã tăng lên. Có tới 64% người Canada được hỏi hồi tháng 8/2021 cho rằng hiện là thời điểm tốt nhất để đưa ra mục tiêu tham vọng về khí hậu, cao hơn gần 20% so với mức hồi tháng 6/2020. Sự thay đổi này trùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là các vụ cháy rừng ở bờ Tây.
Đầu tháng này, một báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng những đợt nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt nghiêm trọng và những đám cháy rừng thảm khốc mà nhân loại đang chứng kiến sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
Trong một loạt kịch bản về biến đổi khí hậu, tốc độ nóng lên tại Canada được dự báo có thể cao gấp đôi so với mức trung bình trên toàn cầu.
Hương Giang
Theo TTXVN