Thứ năm, 28/11/2024 02:26 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 15:00 (GMT+7)

Căng thẳng Nga - Ukraine: Từ khủng hoảng năng lượng đến bài toán khó cho FED

Theo dõi KTMT trên

Bất kỳ động thái nào của Nga liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine được giới chuyên gia phương Tây dự báo sẽ dẫn đến việc giá năng lượng, khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

Cảnh báo của giới chuyên gia về thị trường trước mắt không dành cho những người "yếu tim" hoặc không sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn, trong bối cảnh đang có nhiều biến động dồn dập, nhất là căng thẳng Nga - Ukraine nóng lên từng ngày. 

Chứng khoán Mỹ liên tục biến động bất thường trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá vàng cũng tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Từ khủng hoảng năng lượng đến bài toán khó cho FED - Ảnh 1
Các bể chứa khí đốt tại Grain, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Câu hỏi đặt ra là, vì sao diễn biến ở Ukraine, một quốc gia chỉ vẻn vẹn 41 triệu dân với GDP danh nghĩa khoảng 200 tỷ USD lại khiến nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến thế? Trong khi đó, quay trở lại năm 2013, những diễn biến chính trị ở Ukraine xoay quanh việc Nga sáp nhập Crimea khi đó đã gần như không gây ra nhiều chấn động cho thị trường phố Wall.

Vấn đề ở đây là Nga, nền kinh tế đóng góp khoảng 1,75% vào GDP toàn cầu, còn được biết đến với tư cách quốc gia xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của thế giới, đồng minh có tiếng nói trong OPEC+. Bất kỳ động thái nào của Nga liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine được giới chuyên gia phương Tây dự báo sẽ dẫn đến việc giá năng lượng, khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

Tức là bản thân căng thẳng tại Ukraine không có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế thế giới, nhưng một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu - khu vực đóng góp 15,4% GDP toàn cầu - bắt nguồn từ động thái của Nga và nguy cơ lạm phát tăng nóng hơn chắc chắn đáng lo ngại.

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Khi căng thẳng tại Ukraine nóng lên, một số biện pháp trừng phạt tiềm năng với Nga được các chuyên gia phương Tây xem xét là đề xuất cắt Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính quốc tế SWIFT hoặc áp đặt hạn chế quốc tế với các ngân hàng lớn nhất nước Nga. Trong cả hai trường hợp, các biện pháp đều làm giảm khả năng thanh toán, giao dịch của Nga với các quốc gia khác, đặc biệt là châu Âu.

Michael Every, một chiến lược gia toàn cầu tại Rabobank chỉ ra rằng, Nga cung cấp khoảng 30% nguồn cung dầu khí và 35% nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Xung đột leo thang có thể dẫn đến tình trạng nguồn cung bị hạn chế, dẫn đến kịch bản giá dầu phá mốc 125 USD/ thùng.

Thực tế, hôm 14/2, giá dầu thế giới đã lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm do lo ngại căng thẳng Nga - Ukraine leo thang có khả năng kích hoạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ Nga như trên.

Vào 14 giờ chiều 14/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao ngay tăng 1,21 USD, tương đương 1,3% lên 95,65 USD/ thùng. Có thời điểm, mức giá chạm đỉnh 96,16 USD, cao nhất kể từ tháng 10/2014. Cùng thời điểm, giá dầu WTI ngọt nhẹ tăng 1,28 USD, tương đương 1,4% lên 94,38 USD/ thùng, tiệm cận mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Từ khủng hoảng năng lượng đến bài toán khó cho FED - Ảnh 2
Giá dầu tăng mạnh trong tuần qua khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. (Ảnh: Bloomberg)

Nhà phân tích hàng hóa Edward Moya từ OANDA cho hay: “Giá dầu dự báo sẽ tiếp tục biến động lớn và nhạy cảm liên quan đến các cập nhật về tình hình Ukraine”.

Nhà quan sát Mike Tran từ RBC Capital thậm chí cho rằng có khả năng giá dầu chạm mức 115 USD/ thùng, thậm chí cao hơn, trong mùa hè này.

Không riêng dầu khí, giá kim loại tăng cũng là kịch bản đáng quan ngại. Ước tính của vị chiến lược gia từ Rabobank cho biết xuất khẩu của Nga chiếm tỷ trọng quan trọng với nguồn cung một số mặt hàng kim loại trên toàn cầu. Chẳng hạn: niken (49% nguồn cung toàn cầu), palladium (42%), nhôm (26%), bạch kim (13%), thép (7%) và đồng (4%).

“Nếu toàn cầu mất đi một nửa nguồn cung niken phục vụ sản xuất thiết bị nhà bếp, thiết bị y tế, phương tiện giao thông, smartphone, thiết bị nguồn điện hay một lượng lớn nguồn cung palladium cho sản xuất thiết bị điện tử và điện cực, 1/4 sản lượng nhôm để sản xuất máy móc, bao bì, xây dựng… thì thiệt hại sẽ là khổng lồ”, Rabobank cảnh báo.

Lạm phát tăng nóng đưa FED vào thế khó

Một nguy cơ trước mắt đã nhen nhóm dấu hiệu là lạm phát tiếp tục nóng lên theo căng thẳng Nga - Ukraine, khi giá nhiên liệu và hàng hóa tăng lên. Khả năng này sẽ ảnh hưởng đến động thái của Cục Dự trữ Liên bang (FED) về điều hành lạm phát thông qua các công cụ như lãi suất và bảng cân đối kế toán.

Giống với nhận định của Bill Adams, nhà kinh tế trưởng từ ngân hàng Comerica: “Khi giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên trong căng thẳng Nga - Ukraine, áp lực lạm phát có thể trầm trọng hơn và sức ép buộc FED tăng lãi suất đang mạnh lên gấp đôi”.

Một khi FED quyết định đưa ra lộ trình thắt chặt chính sách mạnh mẽ hơn để kiểm soát lạm phát, không loại trừ khả năng một kịch bản “thị trường gấu” diễn ra trên phố Wall. Đó là mối quan ngại khiến nhà đầu tư Mỹ liên tục bán tháo những phiên gần đây. Họ lo sợ FED sẵn sàng đánh đổi “bữa tiệc” trên thị trường chứng khoán, thậm chí là chấp nhận tăng trưởng kinh tế giảm tốc để kiểm soát lạm phát.

Nhưng nếu FED không hành động, hoặc hành động quá yếu, thị trường sẽ cho rằng FED đang tụt hậu trong cuộc chiến chống lạm phát. Thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng FED đã đi quá chậm và bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng vọt lên 7,5% vừa được công bố cũng buộc FED hành động nhiều hơn, bởi suy cho cùng một trong những chức năng chính của ngân hàng trung ương là kiểm soát lạm phát.

Trong 2 phiên giao dịch gần nhất, đà bán tháo đã nhuộm sắc đỏ lên thị trường chứng khoán Mỹ. Phiên Thứ Năm (10/2), chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones mất 526,47 điểm, tụt xuống 35.241,59 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm mạnh 2,1% xuống 14.185,64 điểm và S&P 500 giảm 1,8% xuống 4.504,08 điểm. Cả 3 chỉ số chính “tắm máu” sau khi Mỹ công bố dữ liệu CPI tháng 1 tăng kỷ lục 7,5%.

Một ngày sau đó, đà bán tháo vẫn càn quét thị trường. Dow Jones mất thêm 503,53 điểm trong phiên 11/2, trong khi Nasdaq Composite rớt 2,78% còn 13.791,15 điểm và S&P 500 bốc hơi 1,9% còn 4.418,64 điểm do lo ngại xoay quanh diễn biến ở Ukraine.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Từ khủng hoảng năng lượng đến bài toán khó cho FED - Ảnh 3
Dow Jones tụt mạnh trong tuần qua với những tin tức tiêu cực dồn dập (Ảnh: CNN)

Giám đốc đầu tư của Cornerstone Wealth ông Cliff Hodge nhận định trong một ghi chú: “Tin tức về căng thẳng Nga - Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào thị trường vốn đang quay cuồng với con số lạm phát và những bình luận đầy tính “diều hâu” của các quan chức FED. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tới khi nhà đầu tư phản ứng với những diễn biến liên quan”.

“Thị trường trước mắt không dành cho những người “yếu tim” hoặc không sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn”, theo CNBC nhận định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng lạc quan

Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính – Kế toán, Đại học Bristol, Anh TS. Hồ Quốc Tuấn nhận định, với điều kiện thị trường chứng khoán Mỹ hiện tạtrong bối cảnh diễn biến bất ổn, có hai lời khuyên cho nhà đầu tư là giảm đòn bẩy và phòng ngừa rủi ro đầu tư thông qua cơ cấu lại danh mục “buy and hold”.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Từ khủng hoảng năng lượng đến bài toán khó cho FED - Ảnh 4
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính – Kế toán, Đại học Bristol, Anh.

“Con rùa sống lâu là vì rút vào mai rùa cố thủ đúng lúc. Và chỉ cần bạn sống lâu cùng với thị trường, tự nhiên bạn kiếm được tiền”.

Liên quan đến thị trường Việt Nam, vị này cho rằng có tín hiệu để lạc quan do nền tảng kinh tế đang phục hồi từ đại dịch, sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Do đó, dự báo các dữ liệu kinh tế sẽ tốt dần lên.

Mặc dù lạm phát nhập khẩu dự kiến sẽ tác động đến tình hình lạm phát trong nước do giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng do chi phí sản xuất trong doanh nghiệp tăng nhưng thị trường có cơ sở lạc quan dựa trên nhiều số liệu khác như tăng trưởng xuất khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự phục hồi chi tiêu tiêu dùng và cả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ từ Chính phủ.

Theo mức định giá P/E hiện tại của VN-Index, thị trường đã điều chỉnh đáng kể từ mức trung bình 10 năm cộng độ lệch chuẩn là 17,3 lần xuống còn 16,7 lần, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình 10 năm là 14,9 lần.

Trong báo cáo mới nhất cập nhật vào tuần trước của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) dựa trên so sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và trong khu vực, thị trường Việt Nam được nhận định đanh giao dịch ở mức P/E tương đối phù hợp với mức ROE cao.

MAS kỳ vọng với triển vọng hồi phục kinh tế và tăng trưởng EPS cao, Việt Nam vẫn duy trì được mức ROE cao. Theo dự báo của nhóm nghiên cứu này, kịch bản cơ sở cho VN-Index năm 2022 ở mức 1.700 điểm, tương ứng với mức P/E hợp lý khoảng 16 lần và mức tăng trưởng kép CAGR 2020-2022 của EPS khoảng 28%.

Chứng khoán SBS thận trọng hơn khi không đưa ra dự báo cho chỉ số VN-Index năm 2022 kèm theo đánh giá thị trường sẽ chịu sự chi phối của nhiều biến số khó lường như dịch bệnh, xu thế dòng tiền, thế giới. Tuy nhiên về cơ bản, SBS vẫn đánh giá nền tảng thị trường có nhiều cơ hội lướt sóng dù tỷ suất sinh lời sẽ khó đạt được như năm vừa qua.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Căng thẳng Nga - Ukraine: Từ khủng hoảng năng lượng đến bài toán khó cho FED. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới