Cảnh báo mưa dông, gió giật và sóng lớn trên nhiều vùng biển
Dự báo, khu vực Bắc Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hiện khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7.
Dự báo, đêm ngày 9 và trong ngày 10/12, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau và khu vực Giữa Biển Đông có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau và khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Do tác động của sóng lớn, toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Trong bối cảnh đó, để triển khai ứng phó với thiên tai, tỉnh Bình Định đã tổ chức di dời người và tài sản của 7 hộ/27 nhân khẩu tại bến Cá, thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, khu vực nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở bờ biển và cử lực lượng xung kích xã ứng trực.
UBND tỉnh Vĩnh Long ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên đoạn thuộc Tổ 9, Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, nhằm triển khai khẩn cấp các giải pháp đảm bảo an toàn sản xuất và dân sinh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và báo cáo tình hình sự cố, thiệt hại.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa dông, gió mạnh, sóng lớn trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, từ 7h ngày 8/12 - 19h ngày 9/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Khu vực từ Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 1.
Hiện nay, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đang xuống chậm. Cảnh báo, từ ngày 8-9/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông dao động ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.
Do đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và gió mạnh, sóng lớn trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Lan Anh