Chủ nhật, 24/11/2024 09:24 (GMT+7)
Thứ hai, 22/08/2022 17:55 (GMT+7)

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/8

Theo dõi KTMT trên

VN-Index có phiên giảm mạnh nhất 6 tuần; Giá xăng giữ nguyên, giá dầu tăng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 22/8.

Giá xăng giữ nguyên, giá dầu tăng

liên Bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp cho biết giá xăng giữ nguyên còn giá dầu diesel tăng từ 15h ngày 22/8.

Cụ thể, giá xăng E5 giữ nguyên, giá bán không quá 23.725 đồng/lít. Giá xăng RON95 giữ ở mức giá 24.669 đồng/lít.

Tuy nhiên, giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/8 - Ảnh 1
Giá xăng dầu đứng yên trong kỳ điều chỉnh ngày 22/8.

Giá dầu hỏa không cao hơn 24.056 đồng/lít, giá dầu madut không cao hơn 16.548 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít. Dầu diesel là 250 đồng/lít. Đồng thời, ngừng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

7 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bỉ tăng 74,32%

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Bỉ trong tháng 7/2022 đạt 18,12 triệu USD, giảm 8,63% so với tháng 6/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 7/2021.

Tính chung 7 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bỉ đạt 124,79 triệu USD, tăng 74,32% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Bỉ liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Bỉ đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: xuất khẩu tôm đông lạnh tăng 74,7% về lượng và tăng 89,9% về trị giá; xuất khẩu cá tra đông lạnh tăng 40,7% về lượng và tăng 92,5% về trị giá; cá ngừ đông lạnh tăng 89,4% về lượng và tăng 145,7% về trị giá; mực đông lạnh tăng 44,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá; cá phèn đông lạnh tăng 163,9% về lượng và tăng 192,1% về trị giá; nghêu đông lạnh tăng 32,3% về lượng và tăng 25,3% về trị giá; cá dũa đông lạnh tăng 314% về lượng và tăng 369% về trị giá…

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/8 - Ảnh 2
7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đông lạnh sang thị trường Bỉ tăng 74,7% về lượng và tăng 89,9% về trị giá.

Nhờ tăng trưởng mạnh, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Bỉ tăng. Theo thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ trọng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu thủy sản của Bỉ tăng từ 6,1% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 7,6% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Bỉ có khả năng tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng giảm khi lạm phát tăng cao.

VN-Index có phiên giảm mạnh nhất 6 tuần

Thêm một nhịp “rướn” cố gắng phục hồi xuất hiện trong phiên chiều nhưng không thành công, VN-Index kết phiên để mất 8,75 điểm. Mức giảm này chưa nhiều, nhưng lại là biên độ mạnh nhất kể từ giữa tháng 7 vừa qua. Biên độ mở rộng báo hiệu những ngày đi ngang hẹp đã kết thúc.

Thị trường trượt thêm một nhịp khá mạnh ngay đầu phiên chiều, đẩy VN-Index giảm tối đa 13,35 điểm. Đây cũng là điểm đáy khởi đầu một nhịp phục hồi bất thành. Giá hồi trở lại lập tức bị xả khá mạnh.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện là có, nhưng không mạnh. Cổ phiếu quay đầu đi lên với biên độ hẹp và phần lớn chỉ là những nỗ lực thu hẹp mức giảm, nhưng không thành công rõ nét. Cuối phiên sáng HoSE có 152 cổ phiếu giảm từ 1% trở lên thì đóng cửa, con số tăng lên tận 171 mã.

VN-Index thoát đáy buổi chiều chủ yếu nhờ diễn biến giá tốt lên ở một vài blue-chips, nhưng vẫn yếu hơn phiên sáng. Lực cầu xuất hiện và nâng đỡ giá vùng thấp, nhưng không đủ lực kéo lên cao hơn. Rổ VN30 so với giá cuối phiên sáng vẫn có tới 19 cổ phiếu giảm sâu hơn, chỉ 8 mã có cải thiện. VHM, VRE, BVH là 3 mã khá nổi bật buổi chiều khi giá đi lên. Đặc biệt BVH rất mạnh, tăng thêm 1,06% so với phiên sáng và đóng cửa trên tham chiếu 2,15%. MWG vẫn là cổ phiếu mạnh nhất nhóm VN30, tăng 3,74% so với tham chiếu nhưng thực chất là đứng im so với phiên sáng.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/8 - Ảnh 3
VN-Index có thoát đáy trong phiên chiều, nhưng mức độ phục hồi rất giới hạn do dòng tiền yếu.

Đợt bán mạnh đầu phiên chiều nay cho thấy có sự thay đổi đáng chú ý trong quan điểm của nhà đầu tư cầm cổ phiếu. Nhu cầu chốt lời hoặc hạ tỷ trọng đã lấn át và nhà đầu tư chấp nhận hạ giá rất nhiều. Gần như tất cả các cổ phiếu trong VN-Index đều tạo đáy sâu của phiên trong nhịp giảm này. Tuy chưa đến mức giảm sàn cả loạt, nhưng thời điểm thị trường tạo đáy khoảng 1h45, HoSE có tới trên 200 mã giảm từ 2% trở lên.

Rất nhiều cổ phiếu bị xả cực mạnh, thanh khoản tăng vọt và giá giảm chóng mặt. Tiêu biểu có thể kể tới DIG chạm đáy giảm tới 6,63%, IDI giảm tối đa 5,65%, CKG giảm 6%, NBB giảm 5,75%, VPG giảm 5,53%, DXG giảm 4,83%, CTS giảm 4,58%... Những cổ phiếu này đều thanh khoản hàng chục tỷ tới cả trăm tỷ đồng.

Độ rộng của VN-Index lúc cuối phiên ghi nhận 130 mã tăng/326 mã giảm. Nhóm cổ phiếu ngược dòng vẫn có một số mã xuất sắc như MWG tăng 3,74% thanh khoản 387 tỷ đồng; HAG tăng 6,44%, thanh khoản 383 tỷ đồng; PVD tăng 2,78% giao dịch 217,7 tỷ; KBC tăng 1,53% giao dịch 207,5 tỷ; FRT tăng 2,79% giao dịch 189,5 tỷ; DBC tăng 1,27% thanh khoản 188 tỷ; HSG tăng 1,96% thanh khoản 1873 tỷ. Có thể thấy đây cũng chính là các cổ phiếu mạnh nổi bật buổi sáng và duy trì được giá trong buổi chiều nhờ có dòng tiền vào tốt.

Dù vậy tổng thể thị trường chiều nay lại thanh khoản thấp. Sàn HoSE chỉ giao dịch 5.967 tỷ đồng, giảm 17% so với buổi sáng và tính chung hai sàn niêm yết, giao dịch buổi chiều giảm trên 18%. Cầu bắt đáy thực sự đã xuất hiện vùng giá thấp, nhưng dòng tiền vào không có sự nối tiếp đủ bền để đẩy giá phục hồi dứt khoát hơn. Hệ quả của dòng tiền yếu là độ rộng vẫn rất hẹp, cộng với mức độ phục hồi thoát đáy không nhiều.

Mức giảm 8,75 điểm của VN-Index hôm nay là đáng kể nhất từ phiên ngày 11/7 vừa qua (giảm 16,02 điểm). Đó cũng là phiên khởi đầu của sóng tăng hiện tại. Suốt 30 phiên vừa qua chỉ số đi lên, lúc nhanh lúc chậm, nhưng chưa bao giờ có một phiên giảm rõ ràng và biên độ rộng nhất cũng chỉ tầm 6 điểm đổ lại. Vì vậy sự gia tăng biên độ là điều đáng chú ý.

Những quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất vào Việt Nam

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước nhập khẩu 78.026 xe, giảm 18,2% về số lượng và 12% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp phần lớn số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022, số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam nhiều nhất, với 31.798 xe, đạt trị giá khoảng 634,4 triệu USD. Xếp sau là Indonesia với 28.109 xe, trị giá đạt khoảng 401,65 triệu USD. Đứng ở vị trí thứ 3 là Trung Quốc với số lượng xe nhập khẩu 12.104 chiếc, trị giá đạt khoảng 488,19 triệu USD.

Các vị trí thứ 4 và 5 lần lượt thuộc về Nhật Bản và Hoa Kỳ khi nhập khẩu 1.659 và 1.178 ô tô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/8 - Ảnh 4
Những quốc gia xuất khẩu ô tô nhiều nhất vào Việt Nam.

Đáng chú ý, Thái Lan và Indonesia tuy nhập khẩu nhiều ô tô nhất vào Việt Nam song trị giá trung bình trên mỗi chiếc xe lại thấp nhất, chỉ từ hơn 14.000 USD (Indonesia) đến khoảng 20.000 USD (Thái Lan). Hai quốc gia này được xem như thủ phủ công nghiệp ô tô trong khu vực, được các hãng xe đặt nhà máy sản xuất, xuất khẩu đi nhiều thị trường trong Đông Nam Á, hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% vào Việt Nam.

Hầu hết ô tô bình dân bán tại Việt Nam đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Các mẫu xe có xuất xứ từ 2 quốc gia này hiện đang bán rất tốt có thể kể tới như Toyota Veloz Cross, Corolla Cross, Mitsubishi Xpander, Attrage…

Trong khi đó, Trung Quốc ở vị trí thứ 3 cũng có giá trị ô tô nhập khẩu trung bình trên đầu xe cũng thấp thứ 3, đạt khoảng 40.000 USD/ xe.

Những quốc gia nhập khẩu ô tô có giá trị cao nhất vào Việt Nam phải kể tới Ấn Độ, Canada và Anh. Giá trị trung bình trên mỗi chiếc xe của những quốc gia này rất cao. Như Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm nhập khẩu chỉ 81 xe song trị giá lên tới khoảng 30,57 triệu USD, tức khoảng 377.000 USD/ xe. Hay Anh nhập khẩu đúng 9 xe, trị giá tổng hơn 1 triệu USD, trung bình 95.867 USD/ xe.

Theo dự báo, với tình hình chíp bán dẫn trên toàn cầu được cải thiện, những tháng cuối năm 2022, lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Xu hướng này cũng đã xuất hiện từ nửa cuối tháng 7 và trong nửa đầu tháng 8/2022 vừa qua.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới