Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 23/9
Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu; Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động kịch trần hay chứng khoán giảm sâu sau thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 23/9.
Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) của xăng, dầu.
Theo đó, Bộ này đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Thời gian giảm thuế dự kiến trong 6 tháng từ lúc Nghị quyết có hiệu lực.
Bộ Tài chính xây dựng hai phương án và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.
Phương án thứ nhất là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và giảm 20% thuế VAT với xăng, dầu.
Với giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12/9, mỗi lít xăng E5 RON 92 sẽ giảm 1.113 đồng, còn 21.118 đồng, xăng RON 95 giảm 1.313 đồng còn hơn 21.900 đồng và dầu diesel giảm 439 đồng còn 23.741 đồng một lít.
Nếu hai loại thuế này giảm từ đầu tháng 11 năm nay, Bộ Tài chính dự kiến giúp CPI bình quân 2022 giảm khoảng 0,1%. Tất nhiên, tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.
Với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD mỗi thùng và sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022, năm 2023 tương đương như thời điểm trước dịch, Bộ Tài chính ước tính tổng thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 1.470 tỷ đồng mỗi tháng.
Với thời gian 6 tháng, tổng thu ngân sách dự kiến sụt hơn 7.430 tỷ từ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Nếu tính thêm cả việc giảm thuế bảo vệ môi trường, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 40.890 tỷ đồng.
Phương án thứ hai là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm 50% mức thuế VAT với xăng, dầu.
Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 sẽ hạ 1.700 đồng còn hơn 20.530 đồng mỗi lít, xăng RON 95 giảm 1.921 đồng còn 21.294 đồng mỗi lít và dầu diesel bớt 1.099 đồng còn 23.080 đồng mỗi lít.
Phương án thứ hai dự kiến giúp CPI bình quân năm nay giảm 0,15% (nếu hiệu lực từ đầu tháng 11 năm nay).
Về mặt ngân sách, Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách mỗi tháng ước giảm 2.262 tỷ đồng. Nếu việc giảm hai loại thuế này kéo dài trong 6 tháng, ngân sách nhà nước giảm 12.186 tỷ đồng. Tính thêm cả việc giảm thuế bảo vệ môi trường trước đó, ngân sách dự kiến hụt thu khoảng 45.642 tỷ đồng.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động kịch trần
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, từ 23/9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm.
Ngay sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động ngay trong sáng nay (23/9). Cụ thể, ACB là một trong những ngân hàng tư nhân lớn đầu tiên công bố biểu lãi suất huy động mới với lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 1 – 3 tháng đã tăng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm.
Không chỉ tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng được ACB đồng loạt điều chỉnh tăng từ 0,3 – 0,5 điểm %. Trong đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng niêm yết đã lên tới 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng tại sản phẩm "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lĩnh lãi cuối kỳ.
SHB cũng vừa công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/9 với các kỳ hạn dưới 1 tháng được điều chỉnh lên mức tối đa 0,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều tăng 0,8 – 0,9 điểm % so với trước đó lên dao động trong khoảng 4,4 – 4,8%. Lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dài hơn cũng đồng loạt tăng thêm 0,4 - 0,5 điểm % so với trước đó.
Theo giới phân tích, mức điều chỉnh 1 điểm % các loại lãi suất điều hành của NHNN là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế.
VnDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong những tháng cuối năm 2022 từ mức trước khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Sang năm 2023, VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại (NHTM) tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Nhóm phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Chứng khoán giảm sâu sau thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành
Chốt phiên giao dịch ngày 23/9, VN-Index giảm 11,42 điểm xuống 1.203,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 485,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 11.293 tỷ đồng. Toàn sàn có 162 mã tăng giá, 287 mã giảm giá và 77 mã đứng giá.
HNX- Index giảm 1,2 điểm xuống 264,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 60,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.163,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 104 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.
UPCOM - Index tăng 0,04 điểm lên 88,59 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 62,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 767,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 208 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.
Trong bối cảnh hầu hết các nhóm cổ phiếu giảm điểm thì nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm và dầu khí diễn biến rất tích cực. Tại nhóm cổ phiếu bảo hiểm, duy nhất BLI giảm giá. Các mã BMI và MIG tăng kịch trần. Các mã VNR tăng 7,9%, BVH tăng 5,8%, BIC tăng 4,1%, AIC tăng 3,7%, BVI tăng 3,5%, ABI tăng 3,1%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn duy nhất PLX giảm giá. Các mã GAS, BSR, OIL, PVB, PVC, PTV, PVE đồng loạt tăng; trong đó, PVB tăng kịch trần.
Tuy nhiên, với sự giảm giá của các cổ phiếu đầu ngành và nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chìm trong sắc đỏ khiến chỉ số không có cơ hội nào bật lên.
Thực tế, thị trường ảm đạm trong cả phiên hôm nay, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Đây là lần đầu tiên sau hai năm, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.
Đồng Yen tăng giá trở lại
Trong phiên giao dịch buổi sáng nay (23/9) tại thị trường châu Á, đồng Yen đã tăng 0,1% so với đồng bạc xanh, giao dịch ở mức 142,24 Yen đổi 1 USD nhờ việc Chính phủ Nhật Bản tiến hành can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà mất giá của đồng Yen lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Theo các nhà đầu tư, trong đợt can thiệp mới nhất này, Nhật Bản có thể đã bán các tài sản được định giá bằng đồng USD mà nước này đang nắm giữ như trái phiếu kho bạc Mỹ để mua Yen.
Trước đó, chiều 22/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng Yen. Đây là lần đầu tiên nước này thực hiện hành động can thiệp như vậy kể từ năm 1998.
Phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết Nhật Bản "đã có bước đi mang tính quyết định" trong bối cảnh có những động thái đầu cơ trên thị trường. Ông Kanda cũng nhấn mạnh Nhật Bản "sẽ tiếp tục theo dõi các biến động trên thị trường ngoại hối".
Lần gần đây nhất Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ là các tháng 10 và 11/2011 sau khi đồng Yen tăng giá mạnh nhất so với đồng bạc xanh của Mỹ kể từ khi Thế chiến Thứ hai kết thúc lên mức 75,32 yen/USD. Tuy nhiên, khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản lại thực hiện nghiệp vụ bán Yen để mua vào đồng USD.
Hà Chi