Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 10/1
Hà Nội lọt top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong sáng nay; Thái Lan ban hành chính sách mới, khuyến khích giảm rác thải nhựa; Động đất 7,6 độ richter, Indonesia ban bố cảnh báo sóng thần... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 10/1.
Hà Nội lọt top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong sáng nay
Sáng nay (10/1), mây mù bao phủ toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng khiến nhiều tỉnh có chỉ số ô nhiễm không khí cao chưa từng có, chất lượng không khí ở các điểm trong mức nguy hại. Trạng thái này duy trì nhiều ngày qua và có thể kéo dài.
Đáng chú ý, tại bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới sáng nay trên ứng dụng IQAir của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đứng thứ 3 với chỉ số AQI trung bình là 193.
Kết quả của ứng dụng đo chất lượng không khí của PamAir cho thấy, chỉ số AQI của nhiều địa phương đạt mức cảnh báo màu nâu (mức ô nhiễm cao nhất), cá biệt có những nơi chỉ số này cao ở mức kịch khung.
Hơn 80 trạm đo chất lượng không khí theo thời gian thực của Mạng lưới PamAir ghi nhận chất lượng không khí chủ yếu ở màu tím (rất xấu, có hại cho sức khỏe), nhiều điểm đo duy trì ở ngưỡng nâu (ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng nhất, nguy hiểm nhất).
Cụ thể vào lúc 8h15', điểm có mức chỉ số AQI cao nhất là Bái Đính (Ninh Bình) lên đến 500. Đây là mức cao nhất trong thang đo chỉ số ô nhiễm không khí. Các khu vực khác có chỉ số cao tương tự gồm Gia Viễn (Ninh Bình) AQI 439, thành phố Nam Định AQI 356, thành phố Thái Nguyên AQI 428, Ba Vì (Hà Nội) AQI 361, Văn Lâm (Hưng Yên) AQI 498, Gia Lâm (Hà Nội) AQI 356, Mỹ Hào (Hưng Yên) có AQI 341, Nam Đàn (Nghệ An) AQI 379…
Tại Hà Nội, nhiều khu vực cảnh báo ô nhiễm không khí mức màu nâu – mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Một số khu vực có chỉ số AQI rất cao như Cầu Giấy AQI 433, phố Phạm Tuấn Tài 305, Trường mầm non thực hành Hoa Sen AQI 451, Thanh Xuân AQI 318, Hoàn Kiếm AQI 376. Cá biệt, khu đô thị Time City có chỉ số AQI kịch khung là 500.
Theo đánh giá của trang IQ Air, với AQI trung bình là 173 đơn vị, Hà Nội xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới ngày 10/1.
Đẩy nhanh các giải pháp, khâu đột phá lĩnh vực Biển và Hải đảo Việt Nam
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đặt quyết tâm chủ động vượt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và xác định các định hướng, mục tiêu cụ thể. Trong đó, Cục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra.
Tập trung đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm tiếp cận, học hỏi… về công tác biển và hải đảo. Tiếp tục và khẩn trương kiện toàn bộ máy nhân sự theo yêu cầu mới; nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Cục, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới công tác quản lý, điều hành, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp quản lý thông minh vào quản lý điều hành công việc.
Thông tin tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Thời gian qua Cục đã và đang triển khai tích cực một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện việc tổ chức; sắp xếp cán bộ, hoàn thành ban hành các quy chế, quy định theo Quyết định số 2988/QĐ-BTNMT ngày 04/11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phục hồi tầng ozon đang đi đúng hướng nhờ thành công của Nghị định thư Montreal
Một báo cáo khoa học của Liên Hợp Quốc công bố ngày 9/1 cho biết tầng ozon của Trái đất đang trên đà phục hồi trong vòng 4 thập kỷ tới. Trong một báo cáo được công bố 4 năm một lần về tiến trình của Nghị định thư Montreal, các chuyên gia đã xác nhận việc loại bỏ gần 99% các hóa chất làm suy giảm tầng ozon.
Nghị định thư Montreal được ký kết vào tháng 9/1987 là một thỏa thuận môi trường đa phương mang tính bước ngoặt quy định việc tiêu thụ và sản xuất gần 100 hóa chất nhân tạo, hay còn gọi là “các chất làm suy giảm tầng ozon” (ODS).
Bà Meg Seki, Thư ký điều hành Ban thư ký Ôzôn của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết: “Trong 35 năm qua, Nghị định thư Montreal đã trở thành nhà Nghị định thực sự cho môi trường. Các đánh giá của Hội đồng đánh giá khoa học vẫn là một yếu tố quan trọng trong việc Nghị định thư giúp thông báo chính sách và hỗ trợ việc ra quyết định”.
Việc khám phá lỗ thủng trong tầng ozon lần đầu tiên được công bố bởi ba nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, vào tháng 5/1985.
Báo cáo cho biết nếu các chính sách hiện tại vẫn được duy trì, tầng ozon dự kiến sẽ phục hồi về mức năm 1980 - trước khi xuất hiện lỗ thủng tầng ozon - vào năm 2040, và sẽ trở lại bình thường ở Bắc Cực vào năm 2045. Ngoài ra, Nam Cực có thể trải qua tình trạng bình thường vào năm 2066 và Bắc Cực xuất hiện tình trạng này vào năm 2045.
Sự thay đổi về kích thước của lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực, đặc biệt là từ năm 2019 đến năm 2021, chủ yếu là do các điều kiện khí tượng. Tuy nhiên, sự phá vỡ tầng ozon ở Nam Cực đang dần được cải thiện về diện tích và độ sâu kể từ năm 2000.
Thái Lan ban hành chính sách mới, khuyến khích giảm rác thải nhựa
Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính Thái Lan đang sử dụng chương trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mới để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học nhằm giảm thiểu rác thải.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Suriya Jungrungreangkit cho biết mức giảm thuế tương đương khoảng 25% số tiền mà các công ty đã trả để mua các sản phẩm nhựa có thể phân hủy sinh học từ năm 2022-2024. Biện pháp này cũng nhằm ủng hộ mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn-Xanh (BCG) của Chính phủ.
Mô hình BCG được chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xem như một mục trong chương trình nghị sự quốc gia, trong đó khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng các kỹ thuật có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời ít hoặc không tác động đến môi trường.
Bộ trưởng Suriya cho biết việc giảm thuế nhằm giúp chính phủ giảm sử dụng vật liệu nhựa, bao gồm cả các sản phẩm sử dụng một lần. Các công ty, đặc biệt là các nhà điều hành trung tâm mua sắm và nhà bán lẻ, là một trong những mục tiêu chính của chính phủ khi họ sử dụng một lượng lớn sản phẩm nhựa.
Theo Cục kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thái Lan nằm trong số 10 quốc gia gây ô nhiễm rác thải nhựa biển tồi tệ nhất thế giới. Thái Lan tạo ra khoảng 2 triệu tấn chất thải nhựa hàng năm nhưng chỉ tái chế được 25% trong số đó.
Từ năm 2018, Chính phủ Thái Lan đã phát động chính sách cấm túi nhựa sử dụng một lần và bắt đầu bằng việc yêu cầu các nhà bán lẻ không phát túi nilon cho người mua hàng từ ngày 1/1/2020.
Tuy nhiên, chiến dịch “nói không với túi nylon” đã bị ảnh hưởng khi Thái Lan tiến hành phong tỏa để ngăn chặn đại dịch COVID-19 vào cuối năm đó.
Việc phát triển các vật liệu nhựa có thể phân hủy sinh học, cùng với việc sử dụng các công nghệ sinh hóa và dược phẩm sinh học, phù hợp với kế hoạch của chính phủ nhằm đưa Thái Lan trở thành trung tâm sinh học của ASEAN vào năm 2027.
Động đất 7,6 độ richter, Indonesia ban bố cảnh báo sóng thần
Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia cho biết, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra lúc 2h47 ngày 10/1 làm rung chuyển tỉnh Maluku, miền Đông Indonesia và có khả năng gây ra sóng thần. Trận động đất có tâm chấn nằm ở độ sâu 130 km tại vùng biển gần quần đảo Tanimbar. Cảnh báo sóng thần cũng được đưa ra gần 3 tiếng sau trận động đất.
Các quan chức cơ quan thiên tai Indonesia đang kiểm tra mức độ ảnh hưởng của trận động đất, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy các tòa nhà chỉ thiệt hại từ nhẹ tới trung bình. Trong khi đó, trang tin Liputan6.com cho biết, các ngôi nhà ở thị trấn Saumlaki tại đảo Yamdena bị hư hại nặng.
Indonesia thường xuyên hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy ở lòng chảo Thái Bình Dương. Tháng 11 năm ngoái, một trận động đất 5,6 độ richter xảy ra ở đảo chính Java của Indonesia, gây ra lở đất và làm nhiều tòa nhà đổ sập, làm ít nhất 162 người thiệt mạng.
Lan Anh