Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 11/10
Việt Nam – Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Gần 2.000 ngôi nhà bị ngập do lũ ở Quảng Ngãi; Khẩn trương khắc phục sạt lở ở thủy điện Kà Tinh... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Việt Nam – Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Sáng 11/10, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Nông lâm Phần Lan tổ chức Hội thảo các giải pháp ngành nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan Antti Kurvinen và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đồng thời, Bộ TN&MT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, bao gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hoá ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan xây dựng học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế như: chuyên gia Úc về khan hiếm và điều hoà, phân bổ tài nguyên nước; chuyên gia Hà Lan về trữ nước, hành lang bảo vệ nguồn nước và nước ngầm; chuyên gia WB về kinh tế nước; chuyên gia Pháp về quản lý tổng hợp lưu vực sông; chuyên gia Hàn Quốc về cải tạo, phục hồi dòng sông, cơ sở thông tin, số liệu; chuyên gia Mỹ liên quan đến nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; chuyên gia Ý liên quan đến điều hành, vận hành hồ chứa nước... để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Theo ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông lâm Phần Lan, quản lý hiệu quả việc cung cấp và sử dụng nguồn nước ở Phần Lan là nền tảng cho những thành công vượt trội mà ngành công nghiệp nước của quốc gia này đạt được. Không phức tạp rườm rà, không dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên, tối ưu hóa công nghệ và quản lý một cách logic, các chuyên gia Phần Lan đã tạo ra một “bản sắc” trong lĩnh vực này.
Gần 2.000 ngôi nhà bị ngập do lũ ở Quảng Ngãi
Theo thống kê ban đầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 2.000 ngôi nhà bị ngập; di dời, sơ tán 400 hộ dân do mưa lũ trong 2 ngày qua.
Do mưa lớn và lũ trên các sông lên nhanh nên trong 2 ngày qua đã có 1.995 nhà dân bị ngập lũ, trong đó Nghĩa Hành có 1.882 nhà và TX. Đức Phổ 113 nhà. Các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 400 hộ với 1.094 khẩu trong vùng có bị ngập lụt và vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.
Về thiệt hại ban đầu có 1 người mất tích, 1 người bị thương, 21 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng do dông lốc ở huyện Sơn Tịnh.
Mưa lũ gây ra sạt lở núi nghiêm trọng, làm sập hoàn toàn Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1 (Trà Bồng) và 1 công nhân trực tổ máy của nhà máy chưa liên lạc được.
Mưa lũ cũng làm sạt lở trên nhiều tuyến đường ở các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Minh Long, Sơn Hà, TX.Đức Phổ; 32 đập dâng, tuyến kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng.
Khẩn trương khắc phục sạt lở ở thủy điện Kà Tinh
Chiều 10/10, tại khu vực cầu Kà Tinh, Km37 + 559, tỉnh lộ 622B thuộc xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra sạt lở núi gây ách tắc giao thông, làm sụp một phần Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1, một công nhân trực tổ máy phát điện bị mất liên lạc.
Đất đá từ trên núi đổ xuống vùi lấp một khu vực rộng lớn, gây ách tắc giao thông. Hiện tại ô tô, xe máy không thể qua lại được. Từ tối qua, huyện Trà Bồng đã giăng dây cấm phương tiện qua lại khu vực sạt lở.
Chính quyền địa phương vẫn chưa xác định được có người thương vong sau vụ thủy điện sạt lở hay không. Vì vậy, huyện đang lập phương án xác minh, giải cứu nếu có và triển khai một cách an toàn nhất.
Cũng trong sáng nay Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp đến hiện trường vụ sạt lở để nắm thông tin, điều hành công tác cứu hộ cứu nạn.
Trước đó vào khoảng 18h30 ngày 10/10, một lượng lớn đất đá sạt lở vùi lấp một số hạng mục của thủy điện Kà Tinh. Một công nhân trực máy hiện mất liên lạc, song không rõ chính xác người này có trong tổ máy hay không. Thời điểm xảy ra sạt lở, công trường thi công dự án đang cúp điện, trời tối mịt nên việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn.
Thủy điện Kà Tinh có tổng mức đầu tư trên 437 tỷ đồng, do Công ty CP thủy điện Trà Bồng làm chủ đầu tư. Thủy điện khai thác theo hình thức 2 bậc gồm thủy điện Kà Tinh nhà máy 1 và thủy điện Kà Tinh nhà máy 2. Tổng công suất của thủy điện là 12MW. Dự án này chặn dòng sông Hà Doi và đặt tổ máy cạnh tuyến tỉnh lộ 622B.
Thừa Thiên Huế: Gia cố khẩn cấp chống sạt lở bờ biển ở huyện Phú Vang
Hôm nay (11/10), tại bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương và người dân gia cố đê bao, chống sạt lở tại các vị trí bị triều cường xâm thực, bảo vệ khẩn cấp bờ biển.
Sau bão số 4 vừa qua, sóng lớn làm hơn 2km bờ biển tại thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền hàng chục mét, đe dọa an toàn khu dân cư.
Anh Trần Quốc Tín, ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận cho biết, những ngày này, bờ biển bị xâm thực, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 7 mét, kéo dài hàng cây số. Người dân địa phương đang khẩn trương đắp kè, chống sạt lở: “Diện tích đất ở địa phương xã Phú Thuận, huyện Phú Dương rất ít mà sạt lở bờ biển xảy ra rất nghiêm trọng. Với tinh thần thanh niên trẻ ở địa phương góp sức của mình để chống sạt lở, giữ đất đai cho địa phương".
Tình trạng xói lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân ven biển các xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; xã Quảng Công, Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc... Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây dựng các tuyến đê biển xung yếu dài khoảng 6km. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm sạt lở cần được xử lý.
Ông Trương Văn Giang, Giám đốc, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tại công trình kè chống sạt lở ở xã Phú Thuận dài 750m, hai đầu khóa kè đã bị sóng lớn phá hỏng, vỡ dầm chắn chân khóa, đầu kè bị xói lở sâu. Triều cường xâm thực sâu vào khu rừng dương phòng hộ phía trong, cuốn trôi đất đai, đe dọa nhiều nhà dân.
“Bị ảnh hưởng sau cơn bão số 4 vừa qua, bờ biển xã Phú Thuận xâm thực vào từ 10m đến 15 m. Tỉnh cũng đã huy động vật tư dự phòng và chúng tôi cũng đã huy động lực lượng Bộ đội Biên phòng Hải đội 2, cán bộ và nhân dân của xã Phú Thuận. Ngày hôm nay, tổ chức gia cố tạm thời để xử lý cấp đoạn sạt lở này, để tránh bị xâm thực vào và hạn chế được thiệt hại”- ông Giang nói.
Biến đổi khí hậu khiến hạn hán mùa hè có khả năng xảy ra gấp 20 lần
World Weather Attribution (nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới), một nhóm các nhà khoa học trên khắp thế giới nghiên cứu mối liên hệ giữa thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, hạn hán kéo dài tại 3 lục địa vào mùa hè này - làm khô hạn phần lớn châu Âu, Mỹ và Trung Quốc - có khả năng gia tăng gấp 20 lần do biến đổi khí hậu.
Hạn hán làm khô cạn các con sông lớn, phá hủy mùa màng, gây cháy rừng, đe dọa các loài thủy sinh và gây ra tình trạng khan hiếm nước ở châu Âu. Nó tấn công miền Tây nước Mỹ, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khô hạn, nhưng cũng xảy ra ở những nơi hiếm gặp hạn hán hơn, như Đông Bắc nước này. Trung Quốc cũng vừa trải qua mùa hè khô hạn nhất trong vòng 60 năm, khiến con sông Dương Tử có lượng nước thấp đến mức chỉ bằng một nửa chiều rộng bình thường của nó.
Các nhà nghiên cứu của World Weather Attribution cho biết, nếu không có sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, sự kiện này sẽ chỉ xuất hiện 400 năm một lần. Giờ đây, họ dự báo, tình hình tương tự sẽ lặp lại 20 năm một lần, trong bối cảnh khí hậu nóng lên trên toàn cầu.
Ông Maarten van Aalst, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, trận lũ lụt lớn ở Pakistan là "dấu vết của biến đổi khí hậu". Theo ông, những tác động của biến đổi khí hậu rất rõ ràng đối với mọi người và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ ở các nước nghèo, như lũ lụt ở Pakistan.... mà còn ở một số khu vực giàu có nhất thế giới, như Tây Trung Âu.
Để tìm ra ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tình trạng khô hạn ở Bắc bán cầu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thời tiết, mô phỏng máy tính và độ ẩm của đất ở khắp các khu vực, không bao gồm các khu vực nhiệt đới. Họ phát hiện, biến đổi khí hậu khiến tình trạng đất khô hạn có khả năng xảy ra nhiều hơn trong vài tháng qua.
Theo ông Dominik Schumacher, nhà khoa học khí hậu tại Trường Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,8 độ C, tình trạng hạn hán như trên sẽ xảy ra 10 năm một lần ở Tây Trung Âu và hàng năm trên khắp Bắc bán cầu.
Ông van Aalst cho biết, một trong những cách giảm thiểu những tác động ở quy mô toàn cầu là giảm lượng khí thải.
Lan Anh