Chủ nhật, 24/11/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ tư, 21/09/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 20/9

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc, miền Trung có thể đón hai đợt mưa lớn liên tiếp; Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch tại đô thị; Các hồ thủy điện trên sông Đà đang thiếu hụt nước nghiêm trọng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Bắc, miền Trung có thể đón hai đợt mưa lớn liên tiếp

Dự báo ngay sau đợt mưa lớn đang diễn ra, khoảng 27/9, miền Bắc, miền Trung lại đón thêm một đợt mưa dông mới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ chiều tối nay (21/9) đến ngày 23/9, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm. các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 20/9 - Ảnh 1
Miền Bắc, miền Trung có thể đón hai đợt mưa lớn liên tiếp.

Hà Nội từ chiều tối nay đến ngày mai (22/9) có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm.

Từ chiều mai, mưa mở rộng ra các tỉnh Trung Trung Bộ. Dự báo trong hai ngày 22-23/9, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Mưa dông ở Bắc Bộ và mưa lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 24/9. Trong khi đó, mưa lớn ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng kéo dài đến ngày 25/9. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Dự báo xa hơn cho thấy, do tác động của không khí lạnh yếu, khoảng ngày 27-29/9, các tỉnh miền Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, riêng khu vực đồng bằng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to.

Các hồ thủy điện trên sông Đà đang thiếu hụt nước nghiêm trọng

Theo đại diện EVN, việc thiếu hụt khoảng 5 tỷ m3 nước so với mức nước dâng bình thường sẽ gây khó khăn đến việc chuẩn bị phương án cung cấp điện mùa khô 2023, đặc biệt là cấp nước vụ Đông Xuân tới.

Đại diện EVN cho biết mùa lũ năm 2022 trên lưu vực sông Đà đến sớm, tuy nhiên giai đoạn tháng 7-8 gần như không có lũ. Nước về chỉ bằng khoảng 50% so với trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ xuống thấp trong giai đoạn tháng 10-12/2022. Lượng dòng chảy trên lưu vực sông Đà ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-40%, thiếu hụt nhiều tại khu vực hồ Hòa Bình.

Số liệu cho thấy trong quý 3/2022, lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ bằng 57% so với trung bình nhiều năm. Thực tế, để cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân cho gần 500.000 ha diện tích gieo cấy lúa các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, tổng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện thường dao động khoảng 4,3-5,1 tỷ m3/năm. Sau khi xả nước phục vụ đổ ải, mực nước thượng lưu của hồ Hòa Bình giảm từ 5,1-10,9 m.

Làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (quản lý Nhà máy nước sông Đà) ngày 19/9, ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật-Sản xuất EVN cho hay việc thiếu hụt khoảng 5 tỷ m3 nước so với mức nước dâng bình thường sẽ gây không ít khó khăn đến việc chuẩn bị phương án cung cấp điện cho mùa khô năm 2023, đặc biệt là việc cung cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022-2023.

Thực tế này đòi hỏi Nhà máy nước Sông Đà cần khắc phục ngay tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, tận dụng tối đa dòng chảy của sông Đà nhằm hài hòa giữa mục tiêu giữ nước cho sản xuất điện và đổ ải, vừa đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của vùng hạ du.

Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch tại đô thị

Mới đây, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND TP.HCM vừa tổ chức khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam. Riêng đối với TP.HCM, dự án dự kiến sẽ hỗ trợ triển khai ít nhất 400 MW năng lượng sạch, huy động tối thiểu 540 triệu đô la đầu tư công và tư nhân và đưa ra thị trường ít nhất 15 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam do USAID tài trợ với ngân sách 14 triệu đô la sẽ hợp tác với chính quyền TP.HCM và TP. Đà Nẵng nhằm cải thiện công tác quy hoạch đô thị liên quan đến năng lượng sạch, huy động đầu tư và tích hợp các giải pháp năng lượng sạch vào hệ thống điện. Các giải pháp này bao gồm điện mặt trời mái nhà, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 20/9 - Ảnh 2
Dự án hỗ trợ kỹ thuật Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam do USAID tài trợ nhằm cải thiện công tác quy hoạch đô thị TP.HCM.

Dự án hoạt động dựa trên nền tảng hỗ trợ của USAID dành cho Việt Nam trong những năm qua trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch. Cụ thể, trong 5 năm qua, hỗ trợ của USAID dành cho các cơ quan quản lý của Chính phủ, các ngân hàng, nhà đầu tư và các nhà phát triển dự án tư nhân đã giúp thúc đẩy đầu tư vào điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam với tổng giá trị hơn 300 triệu USD.

Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó, đặt ra tầm nhìn tổng thể và các nguyên tắc hoạt động cho ngành điện Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2030. USAID cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xây dựng tiêu chuẩn về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất công nghiệp.

Kết quả bước đầu nguyên nhân khiến hàng chục tấn cá chết bất thường ở Hà Tĩnh

Sáng 21/9 Sở tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh – thông tin đã có kết quả bước đầu về nguyên nhân khiến hàng chục tấn cá chết bất thường tại ở hồ Bộc Nguyên, thuộc địa phận xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà.

Trước đó, khi nhận được thông tin cá tại hồ Bộc Nguyên chết hàng loạt, trong thời gian khá dài Sở tài nguyên môi trường địa phương này đã chủ trì phối hợp với Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh (đơn vị quản lý hồ Bộc Nguyên) cùng UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND huyện Thạch Hà và chính quyền địa phương xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên), xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) trực tiếp đi khảo sát.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích chất lượng nước mặt ở hồ Bộc Nguyên và hồ Kẻ Gỗ để làm cơ sở xác định nguyên nhân.

Sau khi có kết quả, Sở tài nguyên môi trường tỉnh nhận định, nguyên nhân cá chết tại hồ Bộc Nguyên và Kẻ Gỗ có thể do một số tổ chức, cá nhân đã tự ý đem cá đến hồ để thả phóng sinh.

Ngoài ra, một số người dân địa phương đã sử dụng loại lưới mắt nhỏ đánh bắt cá núi (cá trứng). Khi cá rô phi nhỏ mắc vào lưới đã bị gỡ bỏ thả lại hồ dẫn đến bị tổn thương, ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự sống.

Bên cạnh đó, quá trình khai thác thu hoạch keo của người dân đã để lại cành, lá, vỏ cây lâu ngày trong lưu vực hồ, tạo nên lượng sinh khối trên đất khá lớn. Ở thượng nguồn khe Nước Nóng và Khe Thình Thình đã và đang có các hoạt động chăn nuôi, sinh hoạt của người dân khi mưa lớn cuốn theo các chất hữu cơ có trong thảm thực vật làm tăng lượng hữu cơ tích tụ ở hồ… cũng là thay đổi môi trường dẫn đến cá bị chết dần, báo cáo nêu.

Tham vấn chuyên gia luật quốc tế về xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Trong 2 ngày 19 và 20/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuộc họp với chuyên gia luật quốc tế để hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Về phía WB có ông Stephen Hodgson - Chuyên gia về luật nước và môi trường quốc tế. Ông Stephen Hodgson đã có nhiều kinh nghiệm làm việc xây dựng luật về nước tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Liên Minh châu Âu (Anh, Bỉ, Ukraina), Châu Phi, Châu Á (Pakistan, Bhutan, Campuchia,...).

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 20/9 - Ảnh 3
Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuộc họp với chuyên gia luật quốc tế để hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận chi tiết về nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng. Đặc biệt là các nội dung trao đổi, phân tích chuyên sâu về kinh tế nước, giá trị của nước, tài chính nước, ….

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, một trong những điều mà dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hướng đến là xác định rõ vai trò, giá trị kinh tế của tài nguyên nước. Việc sử dụng nước là bình đẳng đối với mọi trường hợp khai thác, sử dụng và hưởng lợi từ nước nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.

Theo đó, làm tốt vấn đề kinh tế nước sẽ quyết định thái độ sử dụng nước. Nếu coi nước là hàng hóa không có giá trị, “cho không” thì sẽ dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên nước. Luật nên quy định rõ mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính để bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, các khoản thu tài chính tối thiểu phải bằng chi phí bỏ ra để quản lý tài nguyên nước.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 20/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới