Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 26/12
Đợt lạnh ngày mai có thể xuất hiện mưa tuyết, băng giá; Hội An: “Ngôi nhà xanh” giảm thiểu rác thải nhựa giá trị thấp; Phú Yên đề xuất hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do thiên tai... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Hội An: “Ngôi nhà xanh” giảm thiểu rác thải nhựa giá trị thấp
Hội An là một trong những địa phương tiên phong thu gom rác thải nhựa giá trị thấp như hộp xốp, vỏ kẹo, ống hút, ly nhựa, hộp sữa bên cạnh các loại rác có giá trị cao nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố du lịch xanh.
Từ nhiều tháng nay, chị em phụ nữ ở khối Xuân Thuận (phường Cẩm Phô, TP. Hội An) đã hình thành thói quen thường xuyên mang các loại rác thải vỏ lon, chai nhựa, giấy bao bì, hộp sữa…. đến tập kết trong “Ngôi nhà xanh” được đặt ở nhà văn hoá. Những phế liệu này sẽ được chị em hội viên phân loại và bán cho các nhà máy tái chế. Số tiền thu được từ rác nhựa của “Ngôi nhà xanh”, Chi hội Phụ nữ khối Xuân Thuận mua bảo hiểm tặng phụ nữ và hỗ trợ hội viên khó khăn.
Đây là mô hình do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN Việt Nam; Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh GreenHub tài trợ và Hội LHPN TP.Hội An triển khai tại 54 địa điểm của 12 xã, phường trên địa bàn thành phố nhằm vận động người dân phân loại rác trước khi được mang đi thu gom, tái chế, giảm lượng rác phải đem đi chôn lấp tại Hội An.
Điều đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà xanh” không chỉ dừng lại rác giá trị cao như vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa carton để bán gây quỹ chi hội hoạt động mà còn tập trung loại rác có giá trị thấp đó là hộp xốp, túi nylon, vỏ kẹo, ống hút, ly nhựa, muỗng nhựa, hộp sữa… để tái chế thành các sản phẩm hạt nhựa, nhựa đường hay còn gọi là rác ReForm.
Đợt lạnh ngày mai có thể xuất hiện mưa tuyết, băng giá
Hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, trong những ngày tới Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Dự báo, khoảng gần sáng và ngày 28/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên độ cao 5.000m, từ chiều và đêm 28/12, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi rét hại; khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 10-13 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ; khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế phổ biến 14-17 độ.
Về thời tiết trên biển, từ trưa và chiều ngày 28/12, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3-5m, riêng Vịnh Bắc Bộ 2-4m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m, biển động mạnh.
Từ ngày 29/12, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3-5m, biển động.
Dự báo từ 28/12 đến 4/1 miền Bắc và Bắc Trung Bộ rét kéo dài với liên tiếp 2-3 đợt không khí lạnh. Tại Bắc Bộ, không khí lạnh gây mưa nhỏ nhiều nhiều nơi, nhiệt độ vùng núi từ 7-12 độ , đồng bằng từ 13-16 độ vào sáng sớm. Trung Bộ có mưa vừa ở khu vực từ Quảng Bình tới Quảng Nam từ ngày 28 , sau đó mưa giảm nhanh.
Phía Bắc rét với mức nhiệt 11-17 độ trong khi Nam Trung Bộ thời tiết ấm hơn và có nắng nhẹ giữa trưa với mức nhiệt 17-25 độ. Nam Bộ và Tây Nguyên không mưa , ban ngày trời nắng, đêm và sáng se lạnh 22 độ C. Lưu ý tình trạng ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng tại các đô thị phía Nam trong giai đoạn này.
Phú Yên đề xuất hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do thiên tai
Ngày 26/12, ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, báo cáo về tình hình thiên tai, thiệt hại và đề xuất hỗ trợ khắc phục hậu quả do mưa lớn, lũ xảy ra từ ngày 2 – 8/12 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, đợt mưa lũ vừa qua khiến 1 người dân ở xã miền núi Ea Trol (huyện Sông Hinh) bị lũ cuốn trôi, tử vong; 31ha lúa huyện Đồng Xuân bị thiệt hại trên 70%; 18,7ha hoa màu, rau màu bị mưa lũ tàn phá; 0,6ha rừng trồng phân tán bị thiệt hại.
Các công trình kênh mương, đập thủy lợi, trạm bơm bị sạt lở; các tuyến quốc lộ: 25, 29, 19C trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, hư hỏng.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống người dân, UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ tỉnh 14,49 tỷ đồng; 15 tấn thuốc, hóa chất để xử lý môi trường…
Động đất tại Vân Nam (Trung Quốc), cách huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai khoảng 42 km
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Nguyễn Xuân Anh cho biết, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần tiếp tục theo dõi diễn biến động đất tại khu vực này và ảnh hưởng tới Việt Nam để thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương.
Trước đó, vào 13 giờ 12 phút 39 giây, ngày 8/12, khu vực này cũng xảy ra động đất có độ lớn 3.6, chỉ cách tỉnh Lào Cai khoảng 46 km.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định tại Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Theo đó, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; Ủy ban nhân dân các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.
Ngập lụt nghiêm trọng tại Philippines khiến hơn 45.000 người phải sơ tán
Những cơn mưa nặng hạt liên tiếp trong 2 ngày cuối tuần gây ngập lụt, lở đất trên các đảo lớn của Philippines. Ngập lụt nhấn chìm nhiều thị trấn, ngôi làng, cánh đồng; khiến ít nhất 9.000 hộ gia đình mất nhà cửa và hơn 45.000 người ở các tỉnh Đông Visayas, Mindanao, Đông Samar và Bắc Samar phải di chuyển tới các trung tâm sơ tán. Một số khu vực đã bị cắt điện, nước và người dân phải đón Giáng sinh trong các lều bạt tạm bợ. Ở một số nơi, đất đá và các mảnh vỡ lớn trôi nổi, chất đống trên quốc lộ khiến giao thông gián đoạn.
Hôm qua (25/12), một con đê chắn lũ ở tỉnh Misamis Occidental đã bị vỡ. Dòng nước lũ hung hãn tràn vào các ngôi làng, cướp đi sinh mạng của hai người dân ở thị trấn Clarin. Cùng ngày, mưa to và gió mạnh đánh chìm một chiếc thuyền ngoài khơi tỉnh Nam Leyte, khiến hai ngư dân thiệt mạng. 5 ngư dân khác ở tỉnh Bắc Samar mất tích khi cố ra khơi bất chấp thời tiết xấu.
Theo chỉ đạo của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Cơ quan Phúc lợi và Phát triển Xã hội Philippines (DSWD) đang phối hợp với chính quyền tại các khu vực chịu ảnh hưởng lũ lụt triển khai hoạt động cứu hộ, phân phối hàng chục ngàn gói lương thực, thuốc men, nước sạch, chăn chiếu, vật dụng giữ ấm… cho người dân. DSWD cũng chuẩn bị tiền mặt để phân phát cho người dân theo Chương trình hỗ trợ cá nhân trong tình huống khủng hoảng. Cơ quan Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines cảnh báo các trận mưa vừa đến rất to có thể tiếp tục xảy ra ở nhiều khu vực.
Nằm dọc theo vành đai bão ở Thái Bình Dương, Philippines thường xuyên hứng chịu các đợt mưa lớn, ngập lụt, đặc biệt là những cơn bão nhiệt đới. Trung bình mỗi năm quốc gia Đông Nam Á này phải hứng chịu 20 cơn bão, trong đó có khoảng 5 cơn bão có sức tàn phá mạnh.
Lan Anh