Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 30/12
Miền Bắc chuyển rét khô trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023; Quảng Ngãi: Đầu tư 250 tỷ xây dựng đê chắn sóng cảng Bến ĐìnhThảm họa khí hậu gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 100 tỷ USD... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.
Miền Bắc chuyển rét khô trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh, thành miền Bắc đêm nay (30/12) tiếp tục chìm sâu trong đợt không khí lạnh tăng cường, trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ C, vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Bắc Trung Bộ trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 14-17 độ C.
Từ ngày mai (31/12), miền Bắc chuyển sang rét khô, ít khả năng xảy ra mưa. Ban đêm trời vẫn rét buốt với nhiệt độ thấp nhất phổ biến ở vùng đồng bằng 11-14 độ C, vùng núi 5-8 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C. Ban ngày trời hửng nắng, ấm áp hơn, nhiệt độ cao nhất phổ biến 20-22 độ C.
Dự báo người dân Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch trong tiết trời rét khô khi hình thái thời tiết này có thể kéo dài nhiều ngày tới.
Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có thể xuất hiện mưa, mưa rào trong 3 ngày nghỉ lễ. Trong đó, Ninh Thuận, Bình Thuận ít mưa. Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 19-21 độ C, phía Nam 22-24 độ C, nhiệt độ cao nhất ngày ở phía Bắc 22-24 độ C, phía Nam 28-31 độ C. Phía Bắc đêm và sáng trời lạnh.
Người dân Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ bước vào 3 ngày nghỉ lễ với thời tiết phổ biến ít mưa, ngày nắng. Trong đó, Tây Nguyên nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ C, nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C.
Nam Bộ nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C, nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.
Tại Hà Nội, người dân sẽ đón kỳ nghỉ Tết Dương lịch với thời tiết khá thuận lợi, trời không mưa, sáng sớm sương mù và sương mù nhẹ, ngày trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất 15-17 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 20-23 độ. Đêm 31/12, nhiệt độ thấp nhất 11-13 độ C.
Quảng Ngãi: Đầu tư 250 tỷ xây dựng đê chắn sóng cảng Bến Đình
Ngày 30/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng bến cảng Bến Đình (Lý Sơn, Quảng Ngãi).
Theo đó, dự án có các hạng mục gồm thân đê với tổng chiều dài 450m, bề rộng mặt đê nơi lớn nhất là 16,4m và hẹp nhất là 6m, toàn bộ phần mặt đê được phủ bởi các khối phủ Accropode; cao trình đỉnh đê nơi cao nhất 6,6m và thấp nhất 4m. Hệ thống quan trắc sóng biển tại khu vực cảng Bến Đình.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu đầu tư bảo vệ ổn định khu vực cảng Bến Đình, góp phần che chắn làm giảm sóng, hạn chế bồi lấp, giảm thiểu rủi ro thiên tai khu vực cảng, đảm bảo việc khai thác hiệu quả cảng Bến Đình.
Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, thời hạn sử dụng công trình 50 năm. Tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 175 tỉ đồng, phần còn lại ngân sách cân đối địa phương. Thời gian thực hiện công trình giai đoạn 2022-2025. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 250 tỉ đồng xây dựng cảng Bến Đình. Sau nhiều năm xây dựng, công trình cầu cảng biển quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành, tiến hành bàn giao cho cơ quan quản lý để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cầu cảng này chỉ đón tiếp tàu khách trong điều kiện thời tiết bình thường, khi có biển động, tàu chở khách không thể cập cảng.
Quảng Bình: Xử phạt vi phạm hành chính gần 5 tỷ đồng về lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Theo Sở TN&MT Quảng Bình, trong năm 2022, đơn vị đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
Theo đó, Thanh tra Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất...
Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý 27 trường hợp (đất đai 4, khoáng sản 12, môi trường 11) vi phạm hành chính, trong đó có 24 tổ chức và 3 cá nhân; Thanh tra Sở TN&MT đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành 6 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
Theo thanh tra Sở TN&MT, công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực TN&MT trong năm 2022 đã được tăng cường và chuyên sâu hơn. Qua đó, đã kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý kịp thời, đúng hành vi, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, áp dụng đúng hình thức xử lý và bảo đảm về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính.
Hàn Quốc: Seoul nâng mục tiêu kiểm soát ngập lụt sau trận ngập lịch sử
Ngày 30/12, giới chức Hàn Quốc cho biết chính quyền thủ đô Seoul đã nâng mục tiêu về năng lực kiểm soát ngập lụt tại thành phố và khu vực ga Gangnam để chuẩn bị ứng phó tốt hơn trước những trận mưa lớn.
Từ năm 2012, chính quyền thành phố Seoul đặt mục tiêu xử lý lượng mưa tối đa 95 mm/h.
Theo văn bản điều chỉnh mới nhất, các mục tiêu về năng lực kiểm soát ngập lụt được nâng lên 100 mm/h trên toàn Seoul và 110 mm/h ở ga Gangnam.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ định 5 khu vực dễ ngập lụt gần Ga Gangnam là các điểm cần lưu ý đặc biệt.
Cơ quan chức năng có kế hoạch gia cố các công trình phòng chống ngập lụt tại những khu vực này để có thể xử lý lượng nước mưa tối đa 110 mm/h hoặc 212 mm trong 3 giờ.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết những mục tiêu trên sẽ được áp dụng trong thiết kế các công trình mới phòng chống ngập lụt và cơ sở hạ tầng đô thị khác, như hệ thống thoát nước hoặc trạm bơm nước mưa.
Tháng 8 vừa qua, đợt mưa lớn kỷ lục với lượng mưa 110 mm/h đã gây thiệt hại lớn tại Hàn Quốc. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, khoảng 7.955 người bị ảnh hưởng, 6.876 ngôi nhà và hơn 1.140ha đất canh tác bị ngập úng.
Seoul và ga Gangnam là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa này.
Thảm họa khí hậu gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2022
Năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử ghi chép kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển. Trong năm nay, rất nhiều cộng đồng cư dân trên toàn cầu trở thành nạn nhân của các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, từ các đợt sóng nhiệt ở Nam Á đến những mùa mưa thiếu nước ở Đông Phi hay hạn hán kéo dài và tồi tệ nhất ở Trung Quốc...
Mới đây, kết quả nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Anh Christian Aid công bố cho biết, riêng 10 thảm họa thiên tai lớn nhất trong năm 2022 đã gây thiệt hại cho thế giới khoảng 100 tỷ USD.
Những thảm họa thiên nhiên trên đây đã khơi lại cuộc tranh luận về việc ai sẽ phải chi trả cho những thiệt hại do thảm họa khí hậu gây ra. Tại các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27) ở Ai Cập hồi tháng 11, các quốc gia đạt được một hiệp ước lịch sử để thành lập một quỹ khắc phục thiệt hại do khí hậu. Tuy nhiên, các chi tiết về nguồn tiền đến từ đâu và ai sẽ nhận được số tiền đó vẫn chưa được thống nhất. Cụ thể:
1. Bão Ian – 100 tỷ USD
2. Hạn hán ở châu Âu – 20 tỷ USD
3. Lũ lụt ở Trung Quốc – 12,3 tỷ USD
4. Hạn hán ở Trung Quốc – 8,4 tỷ USD
5. Lũ lụt ở miền đông Australia – 7,5 tỷ USD
6. Lũ lụt ở Pakistan – 5,6 tỷ USD
7. Bão Eunice – 4,3 tỷ USD
8. Hạn hán ở Brazil – 4 tỷ USD
9. Bão Fiona – 3 tỷ USD
10. Lũ lụt ở KwaZulu Natal (Nam Phi) – 3 tỷ USD
Lan Anh