Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 3/11
Lần đầu tiên, Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển; Sóng biển đánh nứt tường, sập nhà người dân ở thành phố Nha Trang; Ấn Độ: Chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi ở ngưỡng “nguy hiểm”... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.
Lần đầu tiên, Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển
Sáng ngày 3/11, lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân TP.Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng).
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới khu dự trữ sinh quyển phát triển rộng khắp trên các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Theo đó, các khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Nhiều khu dự trữ sinh quyển sau khi được ghi danh đã trở nên nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nhờ đó tốc độ phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần, điển hình như Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. “Đây không chỉ dự trữ sinh quyển cho nhân loại mà đây còn được xem là khu dự trữ nguồn sống, dự trữ tương lai sinh tồn và sự phát triển, gắn kết giữa con người và thiên nhiên cho quốc gia sở hữu” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sóng biển đánh nứt tường, sập nhà người dân ở thành phố Nha Trang
Ngày 3/11, nhiều hộ dân ở khu vực cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa vẫn tất bật dọn dẹp, sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng sau trận sóng cao 3-4 mét đánh sập và gây thiệt hại vào những ngày trước.
Theo người dân, hiện tượng sóng đánh vào bờ cồn Nhất Trí diễn ra đã gần nửa tháng, khiến phần móng nhà bị xói mòn, đất đá, bao cát gia cố cũng bị sóng cuốn đi. Nửa đêm, có những cơn sóng cao 3 đến 4 mét trùm lên cả mái nhà.
Ông Ngũ Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, xác nhận tình trạng trên khiến ngày 30/10 tại khu đồi cồn Nhất Trí có một căn nhà bị sập hoàn toàn, 1 căn nhà bị nứt tường, sập 1 phần. Đến ngày 31/10, có thêm 8 nhà bị nước biển tràn nhà.
Ủy ban Nhân dân phường đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà và động viên các hộ dân bị thiệt hại, đồng thời vận động người dân đến nhà người thân ở để đảm bảo an toàn.
Khu vực cồn Nhất Trí nằm ngay ở cửa sông Cái đổ ra vịnh biển Nha Trang, có diện tích khoảng 21ha với khoảng 1.400 hộ dân đang sinh sống. Đa số người dân nơi đây có nghề biển.
Do nằm ngay cửa sông Cái nên khu vực này luôn bị nước biển xâm thực và chịu tác động của sóng biển vào mỗi mùa mưa bão. Khu vực này có khoảng 40 hộ bị ảnh hưởng do sóng đánh.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, tỉnh đã có quy hoạch kè cồn Nhất Trí nhưng đến nay vì cần cân đối ngân sách và đất tái định cư đối với các hộ dân bị di dời nên chưa thể thực hiện được.
Tỉnh BR-VT chỉ đạo khắc phục sự cố vỡ đê bao bãi chôn lấp rác của Công ty KBEC Vina
Vừa qua, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, Công ty KBEC Vina khắc phục sự cố vỡ đê bao bãi chôn lấp của công ty này.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) yêu cầu Công ty TNHH KBEC Vina (Công ty KBEC Vina) chịu trách nhiệm toàn diện đối với các vấn đề về môi trường do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật; khẩn trương có Kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh BR-VT cũng yêu cầu Công ty KBEC Vina tiếp tục gia cố bờ đê bị vỡ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; khẩn trương thu gom toàn bộ nước rỉ rác trong bãi và ngoài bãi để xử lý, không để nước rỉ rác chảy tràn ra suối Giao Kèo. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khắc phục sự cố… Khẩn trương phối hợp với Công ty TNHH môi trường Quý Tiến (Công ty Môi trường Quý Tiến) để chuyển nước rỉ rác về xử lý tại Hệ thống xử lý nước thải tập trung Tóc Tiên để kịp thời giải quyết sự cố khẩn cấp; khảo sát, đánh giá toàn bộ bãi chôn lấp để xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố tương tự để sớm có giải pháp cải tạo, khắc phục.
UBND tỉnh BR-VT cũng giao Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, giám sát việc gia cố bờ đê bị vỡ mà Công ty KBEC Vina thực hiện để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
Cùng với đó, UBND tỉnh BR-VT giao Sở Tài nguyên và Môi môi trường (Sở TN&MT) chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc, theo dõi nguồn nước suối Giao Kèo trong thời gian khắc phục sự cố.
Không những thế UBND tỉnh BR-VT còn chỉ đạo các Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát môi trường), UBND thị xã Phú Mỹ, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh tiếp tục thường xuyên giám sát chặt chẽ việc khắc phục của Công ty KBEC Vina và nguồn nước suối Giao Kèo.
Thả 112 động vật hoang dã quý hiếm về Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi thả 112 động vật hoang dã quý hiếm vào lâm phần của vườn.
20 loài khác nhau với 112 con thú thả về rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (nguồn gốc từ người dân tự nguyện giao nộp).
Những con thú này đều là các loài thuộc Sách đỏ Việt Nam (năm 2007). Nhiều loài thuộc nhóm IB - cực kỳ quý hiếm (theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ) như, rái cá vút bé (Anoyx cinereus), kỳ đà vân (Veranus bengalensis), rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah)...
Được tiếp nhận từ nhiều nguồn, những động vật hoang dã này được đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên thuộc Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chăm sóc, phục hồi sức khỏe, tâm lý và tập tính hòa đồng vào môi trường tự nhiên.
Trước đó, để thả 112 động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rà soát từng loài có phân bố tự nhiên, khảo sát sinh cảnh rừng, điều kiện môi trường sống tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Kết quả khảo sát cho thấy, các loài động vật trên hoàn toàn phù hợp với điều kiện môi trường rừng, đảm bảo các loài được thả sớm hòa nhập môi trường tự nhiên tại vườn.
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết, thời gian qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cũng đã tiếp nhận, tái thả những cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên thuộc lâm phần quản lý. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học tập trung chủ yếu vào hoạt động điều tra, giám sát các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý, hiếm.
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập vừa phát hiện, ghi nhận bổ sung nhiều loài động vật, thực vật quan trọng như, loài lan đoản dực lào (brachypera laotica), lan drymoda siaensis, trà mi (camellia longii), lửng lợn (arctonyx collaris), chồn (musetelidae).
Ngoài ra, Trung tâm còn phát hiện được nhiều khu vực phân bố, hoạt động sống của các loài động vật quý hiếm như, voi châu á, bò tót, vượn đen má vàng, chà vá chân đen... Việc tái thả động vật hoang dã quý hiếm đã góp phần rất lớn trong việc làm giàu đa dạng sinh học, giúp hệ sinh thái rừng sinh trưởng và phát triển bền vững.
Theo thống kê đến đầu năm 2022, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có 832 loài động vật với 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng, 49 loài cá, trong đó, có tới 61 loài động vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm.
Ấn Độ: Chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi ở ngưỡng “nguy hiểm”
Chất lượng không khí ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào sáng 3/11 đã ở ngưỡng "nguy hiểm" khi khói từ hoạt động đốt rơm rạ tại miền Bắc kết hợp với các chất gây ô nhiễm khác tạo ra màn khói bụi màu xám độc hại bao trùm siêu đô thị này.
Theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, chỉ số bụi mịn PM2.5, loại độc hại nhất có thể đi vào máu, ở mức 588 vào sáng 3/11, cao gấp gần 40 lần so với ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Người dân có thể cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng, thường xuyên chảy nước mắt và ngứa cổ họng sau khi đi ngoài đường nhiều giờ đồng hồ.
Vào mùa Đông hàng năm, thời tiết mát mẻ hơn, người dân đốt rơm rạ gây khói kết hợp với khí thải của các phương tiện giao thông và các nguồn phát thải khác đã tạo ra màn khói bụi độc hại đặc quánh bao trùm New Delhi, làm giảm tầm nhìn của thành phố gồm 20 triệu dân này.
Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch ở bang Punjab và các bang khác vẫn diễn ra hàng năm bất chấp những nỗ lực của chính quyền thuyết phục người nông dân sử dụng các biện pháp khác. Theo Bộ trưởng Môi trường Bhupender Yadav, hiện số vụ đốt rơm rạ ở bang Punjab đã tăng hơn 19% so với năm 2021. Giới chức thủ đô New Delhi cũng đã đưa ra những kế hoạch khác nhau nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay như tạm ngừng các hoạt động xây dựng, nhưng biện pháp này ít hiệu quả.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet hồi năm 2020, trong năm 2019, tại Ấn Độ có khoảng 1,67 triệu người người tử vong vì ô nhiễm không khí, trong đó gần 17.500 người ở New Delhi.
EU đạt thỏa thuận về lệnh cấm ô tô chạy bằng động cơ đốt trong từ năm 2035
Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận về lệnh cấm toàn bộ các loại ô tô mới chạy bằng xăng và dầu vào năm 2035.
Động thái này nhằm nỗ lực đạt được mục tiêu của EU về việc cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ này.
Nghị viện châu Âu cho biết, thỏa thuận gửi đi tín hiệu tích cực trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 27 về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho thấy EU nghiêm túc trong việc thông qua các luật cụ thể để đạt được những mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu.
Số liệu của EU cho thấy, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất phát thải khí nhà kính với sự gia tăng trong 3 thập kỷ qua, tăng 33,5% từ năm 1990 đến năm 2019. EU muốn giảm đáng kể lượng khí thải từ giao thông vận tải vào năm 2050 và tăng cường sử dụng xe điện.
Theo thỏa thuận, các nhà sản xuất ô tô sẽ được yêu cầu giảm 55% lượng khí thải của ô tô mới bán ra vào năm 2030 so với năm 2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là giảm 37,5%, trước khi đạt mức cắt giảm 100% vào năm 2035. Để có hiệu lực, thỏa thuận phải được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thông qua.
Ông Jan Huitema - Trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện châu Âu cho biết: "Thỏa thuận này là một tin tốt đối với những người lái xe ô tô. Những chiếc xe không khí thải mới sẽ rẻ hơn, khiến chúng có giá cả phải chăng hơn và dễ tiếp cận với nhiều người hơn".
Người đứng đầu về Thỏa thuận Xanh của EU Frans Timmermans cũng hoan nghênh thông tin trên và nhấn mạnh: "Châu Âu đang đón nhận sự chuyển đổi sang phương thức di chuyển không phát thải".
Lan Anh