Chủ nhật, 24/11/2024 09:01 (GMT+7)
Thứ tư, 04/01/2023 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 4/1

Theo dõi KTMT trên

Quảng Nam: Phấn đấu trồng mới 10,3 triệu cây xanh trong năm 2023; Khu dân cư ở TP.HCM bốc mùi hôi vì cống nước bị bưng bít; Mùa đông ấm áp lịch sử nhấn chìm châu Âu... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Quảng Nam: Phấn đấu trồng mới 10,3 triệu cây xanh trong năm 2023

Thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch phấn đấu tổ chức trồng 10,3 triệu cây, trong đó: Trồng cây xanh phân tán là 9,6 triệu cây; Trồng cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất là 0,65 triệu cây, tương ứng với 650 ha.

Địa điểm trồng là những nơi đất trống tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, trên các bờ vùng, bờ thửa, vùng gò đồi, vùng phòng hộ ngoài đê biển; đất trống thuộc quy hoạch phòng hộ, đặc dụng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 4/1 - Ảnh 1
Quảng Nam xây dựng kế hoạch phấn đấu tổ chức trồng 10,3 triệu cây nhằm thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh.

Các loại cây trồng phải phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái ở mỗi địa phương, ưu tiên nhóm các loài cây đa mục đích, cây cho gỗ lớn (Lim xanh, Giổi xanh, Xoan đào, Ươi, Muồng đen, Sao đen, Xà cừ, Lát hoa,…), Tràm gió, cây cảnh quan, bóng mát…

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự kiến vào ngày 27/1/2023, tỉnh sẽ ra quân tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023, nhân kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức trồng rừng từ vốn ngân sách tỉnh.

Song hành với Sở NN&PTNT, các Sở, ngành, địa phương đơn vị tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Các đơn vị phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Ngày đô thị Việt Nam”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.

Bình quân hằng năm Quảng Nam trồng 20.000 ha rừng. Đến cuối năm 2021, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 680.250 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 463.356 ha và diện tích rừng trồng 216.800 ha. Việc triển khai các chương trình, dự án đó đã mang lại kết quả to lớn, giúp độ che phủ rừng ngày càng được nâng cao, từ 48,3% năm 2011 lên 58,61% vào cuối năm 2021, là một trong 7 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.

Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 5-8/1, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 và trên báo động 1, có nơi ở mức báo động 2.

Dự báo, từ đêm 4-7/1, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi hơn 400mm/đợt; khu vực Quảng Trị, Bình Thuận và phía đông Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi hơn 200mm/đợt.

Cảnh báo, do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 5 đến 8/1, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 và trên báo động 1, các sông nhỏ có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2; riêng trên sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa dao động ở mức báo động 2 (do ảnh hưởng của công trình thủy lợi).

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn trái mùa và khả năng xuất hiện lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống.

Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các khu vực ngập sâu, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cho cộng đồng để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Khu dân cư ở TP.HCM bốc mùi hôi vì cống nước bị bưng bít

Những ngày qua, gần 100 hộ dân sống tại hẻm 2A Bạch Đằng, phường 2 (quận Tân Bình) sống trong cảnh hôi thối vì nước thải đọng lâu ngày dưới cống, không có đường thoát.

Theo người dân, trước đây khu dân cư có một đường thoát nước thải từ hẻm 2A Bạch Đằng ra kênh Nhật Bản. Tuy nhiên, 5 tháng trở lại đây, một hộ dân đã xây nhà và bít đường cống này.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 4/1 - Ảnh 2
Khu dân cư ở TP.HCM bốc mùi hôi vì cống nước bị bưng bít.

Trao đổi với báo chí, Nguyễn Anh Quang, Chủ tịch UBND phường 2 (quận Tân Bình) cho biết phường đã xuống vận động người dân thông cống từ hẻm 2A ra hệ thống thoát nước thành phố trên đường Bạch Đằng.

Tuy nhiên, có một số hộ không đồng thuận nên dự án tạm ngưng. Chuyện người dân phản ánh, phường sẽ xuống kiểm tra thực tế.

“Chúng tôi đã trao đổi nếu nước trong cống có mùi hôi hoặc trào lên thì sẽ tiến hành nạo vét. Nếu người dân muốn đấu nối cống nước thì kiến nghị lên phường xem xét. Căn nhà 2A/4 đang xây dựng cũng thoát nước ra hẻm 2A, họ có đầy đủ giấy tờ pháp lý”, ông Quang nói.

Mùa đông ấm áp lịch sử nhấn chìm châu Âu, phá vỡ hàng nghìn kỷ lục nhiệt độ

Thay vì mùa đông giá rét, thời tiết ở châu Âu đang ấm áp bất thường, phá vỡ hàng nghìn kỷ lục nhiệt độ trên khắp lục địa.

Từ Tây Ban Nha, Pháp đến miền Tây nước Nga, nhiệt độ trên khắp châu Âu đã cao hơn bình thường từ 10 đến 20 °C vào đầu năm 2023, với hàng nghìn kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023.

Theo dữ liệu do Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt công bố, ít nhất 8 quốc gia châu Âu - bao gồm Ba Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Belarus, Litva và Latvia - đã ghi nhận nhiệt độ ngày ấm chưa từng thấy trong tháng 1 .

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 4/1 - Ảnh 3
Nhiệt độ tăng cao cũng khiến dãy Alps có ít tuyết hơn thông thường. 

Tại Korbielów, Ba Lan, nhiệt độ lên tới 19 độ C – mức nhiệt mà khu vực thường ghi nhận vào tháng 5, cao hơn 18 độ C so với mức trung bình 1 độ C vào tháng 1 hàng năm. Ở Javorník, Cộng hòa Séc, nhiệt độ ở mức 19,6 độ C, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 3 độ C vào thời điểm này trong năm.

Nhiệt độ ở Vysokaje (Belarus) thường dao động quanh mức 0 vào thời điểm này trong năm. Nhưng hôm 2/1, khu vực này ghi nhận nhiệt độ đạt 16,4 độ C, đánh bại kỷ lục trước đó của đất nước vào tháng 1 là 4,5 độ C.

Ở nhiều nơi khác tại châu Âu, hàng nghìn trạm đo nhiệt độ tại địa phương cũng ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới trong khoảng từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023.

Miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp có thời tiết ấm áp chẳng khác gì mùa hè. Tại Bilbao, nhiệt độ cao tới 24,9 độ C, ngày nóng nhất trong tháng 1 từ trước đến nay. Các trạm đo nhiệt độ ở Cantabria, Asturias và vùng Basque cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Chỉ có Na Uy, Anh, Ireland, Italy và Đông Nam Địa Trung Hải chưa ghi nhận ngày ấm kỷ lục trong tháng 1.

Nhiệt độ kỷ lục cũng đang bao trùm nước Nga. Vùng Makhachkala hôm 2/1 ghi nhận nhiệt độ 19,2 độ C và Derbent có mức nhiệt 18,6 độ C.

Đợt ấm bất thường này dường như đã cứu rỗi lục địa đang phải hứng chịu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Theo dự báo, phần lớn châu Âu sẽ tiếp tục trải qua nền nhiệt cao hơn mức bình thường trong 2 tuần tới. 

Nhà khí tượng học Scott Duncan cho rằng nhiệt độ trên khắp châu Âu đang ở mức đáng kinh ngạc. “Chúng tôi đã đón năm mới trong thời tiết vô cùng ấm áp vào năm ngoái. Nhưng năm nay thời tiết còn ấm hơn. Chúng tôi nhận thấy rằng nền nhiệt cao này đã phá kỷ lục ở một số quốc gia”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 4/1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới