Cập nhật tin tức môi trường nổi bật nhất ngày 22/8
Bão Ma-on giật cấp 10, có khả năng tiến vào biển Đông; Nghệ An: Khai thác khoáng sản trái phép, đối tượng bị xử phạt gần 1 tỷ đồng; Mưa lũ hoành hành tại các nước Nam Á... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 22/8.
Bão Ma-on giật cấp 10, có khả năng tiến vào biển Đông
Chiều 22/8, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở phía Đông đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Ma-on. Khoảng đêm 23, ngày 24/8, nhiều khả năng bão sẽ đi vào vùng biển phía đông bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 3.
Hồi 13 giờ ngày 22/8, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 123,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 13 giờ ngày 23/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 122,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Lu-dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 550km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 23/8, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, ngày 24/8 tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến, dự báo về khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông để thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh.
Sơn La: Hơn 64.000 người tham gia hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường 2022
Số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT tỉnh Sơn La, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút hơn 64.000 người tham gia bằng những việc làm cụ thể, góp phần bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó BĐKH.
Các địa phương đã tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng tại các trụ sở làm việc, các trục đường chính trung tâm tại các huyện, thành phố. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường; thu gom, phân loại, xử lý rác thải; khơi thông, nạo vét cống rãnh, phát quang bụi rậm; phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường khi xảy ra sự cố, thiên tai…
Hưởng ứng Chiến dịch, huyện Mộc Châu đã tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Ngày môi trường thế giới với các hoạt động: Thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trồng cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát tại một số tuyến đường tại xã Nà Mường. Kết quả, đã trồng được 700 cây Mai anh đào, 1.500 cây hoa Ngũ sắc, thu gom hàng trăm kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật; treo 20 băng rôn tuyên truyền với các khẩu hiệu về Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022 tại các địa điểm tập trung dân cư. 15/15 xã, thị trấn đã tổ chức cho nhân dân thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Tại huyện Thuận Châu, UBND huyện đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường với hơn 200 người tham gia. Qua đó, đã thu gom, xử lý 12 xe rác thải; làm sạch đường làng, ngõ xóm, khu cơ quan, trường học, khơi thông cống rãnh hơn 8km; trồng 650 cây xanh các loại và các hoạt động khác nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp....
Đặc biệt, huy động sự tham gia chủ động, tích cực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn thực hiện bảo vệ môi trường, tập trung vào vấn đề giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nylon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Nghệ An: Khai thác khoáng sản trái phép, đối tượng bị xử phạt gần 1 tỷ đồng
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa ra quyết định xử phạt hành chính 1 đối tượng 50 triệu đồng vì hành vi khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại khu vực Thung Buồng, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu). Khối lượng khoáng sản đã khai thác trái phép xác định được là 180m3. Trước đó, khi phát hiện vi phạm tại UBND huyện quỳnh lưu đã lập biên bản, tạm giữ 2 chiếc máy múc trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, vì ông Dũng có nhiều tình tiết tăng nặng như sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu hành vi vi phạm, vi phạm hành chính có quy mô lớn nên UBND huyện Quỳnh Lưu đã có quyết định phạt bổ sung, buộc ông Dũng nộp vào ngân sách 907 triệu đồng. Theo Hội đồng định giá của UBND huyện Quỳnh Lưu đưa ra Đây được xem là khoản tiền tương đương giá trị 1 chiếc máy múc (chiếc máy múc là 1 trong những tang vật mà ông Dũng dùng để khai thác khoáng sản trái phép).
Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Lưu còn buộc ông Dũng thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh để xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, tịch thu toàn bộ giá trị khoáng sản bị khai thác trái phép được quy đổi bằng tiền là 9 triệu đồng. “Như vậy, tổng số tiền xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 966 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức phạt cuối cùng, vì vẫn còn một máy múc nữa”, ông Nguyễn Xuân Dinh - phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Mưa lũ hoành hành tại các nước Nam Á
Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) của Pakistan ngày 20/8 cho biết, chỉ trong 24 giờ đã có ít nhất 26 người chết và 145 người bị thương trong các sự cố do mưa lớn và lũ quét. Ước tính, cả nước có khoảng 27.870 ngôi nhà bị phá hủy. Tổng số người chết tại Pakistan trong đợt mưa lũ từ giữa tháng 6 đến nay đã lên 728 người.
Tại Ấn Độ, lũ lụt và lở đất do mưa dữ dội đã khiến ít nhất 50 người chết trong 3 ngày qua ở các khu vực miền Bắc và miền Đông. Thiệt hại nặng nhất là bang Himachal Pradesh với 36 người chết và con số này có thể còn tăng do nhiều người vẫn mất tích trong các vụ sập nhà và lở đất.
Theo Hãng tin Bakhtar của Afghanistan, ít nhất 10 người chết và nhiều ngôi nhà bị phá hủy do lũ quét tại huyện Khushi thuộc tỉnh Logar, miền Đông nước này. Mưa lớn gây lũ quét tàn phá hàng trăm héc-ta diện tích đất nông nghiệp khu vực này. Theo giới chức Afghanistan, đợt mưa lũ kéo dài vài tháng qua khiến hơn 200 người chết tại 10 trong số 34 tỉnh.
Lực lượng cứu hộ Bangladesh cũng đang tìm kiếm những người mất tích ở vùng biển ngoài khơi, sau khi bão lớn ở vịnh Bengal đã đánh chìm ít nhất 13 tàu đánh cá. Theo giới chức địa phương, 54 ngư dân đã được cứu, 27 người chưa được tìm thấy.
Đến ngày 20/8, số người chết do mưa lớn và lũ lụt tại Sudan đã lên 79 người; khoảng 30 người bị thương; hơn 35.000 ngôi nhà bị hư hại, nhất là tại bang Gezira ở miền trung. Hội đồng Phòng vệ dân sự quốc gia Sudan đã họp khẩn cấp, điều hành phân phối nhu yếu phẩm đến những địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai.
Trung Quốc tạo mưa nhân tạo để cứu cây trồng khỏi hạn hán
Mới đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã lên kế hoạch tạo mưa nhân tạo bằng cách sử dụng hóa chất để cứu cây trồng khỏi đợt hạn hán kỷ lục.
Theo đó, mùa hè năm nay ở Trung Quốc là nóng nhất trong 61 năm. Hạn hán làm cạn kiệt một nửa các hồ chứa và dẫn đến mùa màng khô héo. Các nhà máy ở Tứ Xuyên đã phải đóng cửa để tiết kiệm điện cho các hộ gia đình. Nguyên nhân là nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng mạnh, do nhiệt độ lên tới 45 độ C.
Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Tang Renjian cho hay, 10 ngày tới là “thời kỳ phục hồi quan trọng” đối với vụ lúa ở miền nam nước này.
Trước đó, mực nước ở con sông dài nhất Trung Quốc, sông Dương Tử, đang ở mức thấp kỷ lục, khiến việc vận chuyển hàng hóa qua các đoạn đường thủy trọng yếu bị ngừng trệ. Mực nước tại hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, giảm 75%, mức thấp nhất kể từ năm 1951.
Hôm 20/8, Cơ quan Thời tiết quốc gia Trung Quốc đã phải ban hành thêm cảnh báo đỏ về đợt nắng nóng - cấp cảnh báo cao nhất trong hệ thống 3 cấp - cho khu vực phía nam. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp có cảnh báo đỏ và là ngày thứ 31 liên tiếp cảnh báo nhiệt độ cao được đưa ra.
Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, trong tháng qua, một nửa diện tích nước này ghi nhận các mức nhiệt độ từ 35 độ C trở lên. Ngoài ra, hơn 200 trạm quan trắc quan sát được mức nhiệt cao kỷ lục, với nhiệt độ lên tới 45 độ C ở Bắc Đài, Trùng Khánh. Trung tâm dự báo cho biết, đợt nắng nóng này ít nhất sẽ kéo dài đến ngày 26/8.
Một báo cáo khoa học của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng những đợt nắng nóng khắc nghiệt vốn xuất hiện theo chu kỳ 50 năm sẽ tấn công 5 năm một lần nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Ở mức tăng 4 độ C, điều này sẽ xảy ra gần như hàng năm.
Lan Anh