Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ năm, 08/04/2021 15:40 (GMT+7)

Cấp thiết để phòng chống thiên tai, bảo vệ con người

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cấp thiết để phòng chống thiên tai, bảo vệ con người - Ảnh 1
GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn.

PV: Vừa qua, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với ngành KTTV thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái: 

Với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng, mà còn xuất phát từ nhiều thành phần kinh tế - xã hội như nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch... và quốc phòng, an ninh. Điều này đòi hỏi mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần phải có những thay đổi mang tính đột phá cả về số lượng, chất lượng và công nghệ quan trắc. Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia còn thưa và chưa đồng bộ nên hiệu quả của công tác cung cấp thông tin phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV đa mục tiêu chưa cao.

Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội thông qua có nhiều quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ toàn bộ hoạt động liên quan tới quy hoạch nên việc tổ chức lập “Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” mang tính cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo pháp lý trong thời điểm hiện nay. Quy hoạch này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động KTTV phát triển, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia là công cụ phục vụ quản lý điều hành, cũng là điều kiện thuận lợi, đáp ứng tính kịp thời, phù hợp cho việc triển khai nhiệm vụ lập các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch.

Việc xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cũng sẽ là cơ sở quan trọng cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng của đơn vị cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung trong những giai đoạn tới.

PV: Thưa ông, một trong những mục tiêu quan trọng được nêu trong Nhiệm vụ lập quy hoạch là tăng dày mật độ trạm KTTV tự động, ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai do BĐKH và nước biển dâng. Vậy, chúng ta cần những giải pháp gì để thực hiện được mục tiêu này?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Thời gian qua, do ảnh hưởng từ tác động của BĐKH, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, hạn hán đang gia tăng về cường độ, tần suất. So với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý Nhà nước, công tác dự báo, cảnh báo kịp thời các loại hình thiên tai nguy hiểm; còn thiếu hụt các trạm quan trắc ở những vùng có thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là vùng núi và trên biển.

Chính vì vậy, nhiệm vụ tăng dày mật độ trạm KTTV tự động bảo đảm phục vụ dự báo số, dự báo điểm. Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc KTTV tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm còn trống số liệu, vùng chịu tác động mạnh do BĐKH và nước biển dâng giai đoạn gần 2021 - 2030 chính là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, việc thực hiện nhiệm vụ này sẽ khắc phục được một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia kỳ trước.

Để triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói chung và mục tiêu cụ thể nêu trên nói riêng, Nhiệm vụ quy hoạch sẽ tập trung đề xuất một số giải pháp trọng tâm như sau:

Về huy động và phân bổ vốn đầu tư: Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia như từ nguồn ngân sách Trung ương và huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế cho các dự án trọng tâm để nâng cấp, hiện đại hóa và phát triển mới mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia của quy hoạch, đặc biệt có sự quan tâm, tham gia của doanh nghiệp vào đầu tư tại các trạm cho mạng lưới quan trắc KTTV để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch;

Về mặt cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện quy hoạch: thúc đẩy cơ chế và tạo hành lang pháp lý để đảm bảo thực hiện quy hoạch; đánh giá thực thi chính sách, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng chính sách đảm bảo thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó cần một giải pháp thích hợp về khoa học và công nghệ như: Thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong nước, khu vực và trên thế giới;

Để thực hiện 3 giải pháp trên, không thể thiếu vấn đề cải thiện và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó cần ưu tiên chính sách phát triển nguồn nhân lực,  đào tạo cơ bản tại các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế; tăng cường sự hỗ trợ quốc tế về công nghệ. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các nước tiên tiến, phát triển nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, công nghệ của các quốc gia phát triển trong hoạt động quan trắc KTTV.

Cấp thiết để phòng chống thiên tai, bảo vệ con người - Ảnh 2
Mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần phải có những thay đổi mang tính đột phá cả về số lượng và chất lượng. (Ảnh: MH)

PV: Trong mạng lưới trạm KTTV quốc gia cần lập quy hoạch lần này, có nhiệm vụ khá mới nhưng lại đang là vấn đề cấp thiết, được dư luận rất quan tâm đó là quan trắc tia cực tím UV phục vụ sức khỏe con người, bảo vệ tầng ô-dôn, sạt lở đất... Vậy khi xây dựng được quy hoạch này, sản phẩm mà chúng ta cung cấp đến người dân là gì, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Trước hết về tia cực tím. Tia cực tím (Ultra Violet - UV hay tia tử ngoại, bức xạ UV) với liều lượng vừa phải khi chiếu vào da giúp tăng cường chuyển hóa tổng hợp vitamin D, cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, ánh nắng sớm còn có tác dụng kích thích quá trình hoạt động của cơ thể.

Mặc dù có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng tia cực tím cũng có những tác hại nhất định, tác động xấu đến sức khỏe của con người, đặc biệt là trên da và mắt. Tia cực tím còn gây ra nhiều tác hại khác đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như lão hóa da, ung thư da, sinh ra khối u ác tính, ung thư mô tế bào, đẩy nhanh tiến trình lão hóa. Tia cực tím được phân thành 3 loại chính và chỉ có các thiết bị quan trắc mới xác định được các tia phụ thuộc vào bước sóng của tia.

Hiện nay, mạng lưới trạm quan trắc tia cực tím thuộc mạng lưới KTTV quốc gia mới chỉ có 3 trạm (tại Hà Nội, Sa Pa và TP. Hồ Chí Minh), chế độ quan trắc của thiết bị là quan trắc tự động 24/24h.

Như vậy, để có nguồn số liệu về tia cực tím nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội về công tác cảnh báo, dự báo cho người dân chủ động trong phòng, chống tác hại của tia cực tím trong mùa hè và trong các đợt nắng nóng thì quy hoạch, bổ sung các trạm quan trắc tia cực tím là rất cấp thiết.

Mạng lưới trạm giám sát thành phần không khí về mặt hóa khí quyển và ô-dôn trong môi trường không khí nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng môi trường không khí, dự báo, cảnh báo tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn. Từ đó có những giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ ô nhiễm không khí và lỗ thủng tầng ô-dôn.

Trong các đợt mưa, bão, lũ, hiện tượng sạt lở đất, bùn đá thường xảy ra bất ngờ và ít có số liệu quan trắc trực tiếp về hiện tượng này. Do đó, chúng ta cần sử dụng các công nghệ hiện đại như máy bay không người lái (UAV, flycam,...) để chụp, quét, quay các ảnh độ phân giải cao khu vực vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thông tin ảnh được theo dõi, xử lý cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp phát hiện sớm khu vực có nguy cơ xuất hiện hiện tượng này để sơ tán, phòng tránh khẩn cấp, kịp thời.

Đối với các trạm quan trắc di động, di chuyển trên không, trên biển: sau khi hoàn thành Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vẫn không thể đầu tư xây dựng được các trạm cố định với mật độ cao ở khắp các vùng trời, vùng biển. Do đó, quy hoạch sẽ nghiên cứu đề xuất tiến tới việc tận dụng tối đa các phương tiện hoạt động trên không (máy bay) và trên biển (tàu thuyền) để lắp đặt các thiết bị quan trắc KTTV nhằm thu thập thông tin, dữ liệu KTTV. Nguồn dữ liệu này sẽ góp phần đánh giá đầy đủ hiện trạng KTTV trên mọi miền của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tùng (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Cấp thiết để phòng chống thiên tai, bảo vệ con người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới