Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
    Chủ nhật, 23/01/2022 07:00 (GMT+7)

    Chênh lệch cung cầu nhà ở Hà Nội

    Theo dõi KTMT trên

    Theo quy hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025, TP.Hà Nội sẽ cần bổ sung thêm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người mua.

    Số lượng nhà ở để bán trong thị trường Hà Nội tuy tăng theo quý nhưng đang trên đà giảm tính theo năm.

    Trong vòng 5 năm, nguồn cung ở mức thấp nhất

    Theo Savills Việt Nam đã báo cáo cuối năm 2021 cho thấy, sự tăng trưởng về số lượng nhà ở mới tính theo quý nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung căn hộ được tung ra trong Q4/2021 đạt khoảng 4.500 căn. Trong đó, giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp 3.600 căn, tương đương 80% nguồn cung mới; 20% còn lại đến từ 4 dự án mới.

    Chênh lệch cung cầu nhà ở Hà Nội - Ảnh 1
    Nguồn cung căn hộ Hà Nội được tung ra trong Q4/2021 đạt khoảng 4.500 căn.

    Phân tích của Savills cho biết, loại hình nhà ở này đang ghi nhận mức tăng 42% theo quý nhưng giảm 19% theo năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong năm 5 năm qua khi nguồn cung sơ cấp giảm 21% với hơn 33.600 căn. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới khi nguồn cung tương lai của năm 2022 và 2023 ở dưới mức 25.000 căn và giảm xuống dưới 20.000 căn trong những năm tiếp theo.

    Khi nguồn cung hạn hẹp cũng đang được chứng kiến ở loại hình biệt thự và nhà liền kề. Bộ phận nghiên cứu của Savills không ghi nhận dự án nào mới trong quý 4/2021. Nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của ba dự án đang bán, cung cấp cho thị trường 245 căn. Trong đó, sáu mươi lăm phần trăm đến từ Giai đoạn 2 của dự án Starlake tại Quận Tây Hồ, trong khi 35% còn lại đến từ Hà Đông và Đông Anh.

    Nguồn cung sơ cấp đạt 1.123 căn, tăng 3% theo quý nhưng giảm 27% theo năm. Quận Tây Hồ dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 28% thị phần, nhỉnh hơn Quận Hoàng Mai với 26%. Mặc dù nguồn cung sơ cấp đã có sự tăng trưởng nhẹ trong quý này nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

    Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ về thị trường biệt thự, nhà liền kề thời gian qua và dự đoán tình hình năm tới, nhận định: “Nguồn cung sơ cấp thị trường Biệt thự, Nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt trong một thời gian dài. Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm TP.Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Những nơi có cơ sở hạ tầng cải thiện, nguồn cung, lượng giao dịch, cũng như giá bán cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể”.

    Chênh lệch cung cầu nhà ở Hà Nội - Ảnh 2
    Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội.

    Nguồn cầu gia tăng

    Thị trường nhà ở đã có dấu hiệu sôi động trở lại trong những tháng cuối năm 2021 sau thời gian kìm nén do tác động từ bùng phát dịch kéo dài. So với quý trước, lượng giao dịch ở các loại hình nhà ở đều cho thấy những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 96% đối với biệt thự, nhà liền kề và 72% đối với căn hộ.

    Chênh lệch cung cầu nhà ở Hà Nội - Ảnh 3
    Nguồn cung tương lai căn hộ Hà Nội.

    Tỷ lệ hấp thụ cũng đang ở mức cao khi căn hộ đạt 19%, tăng 7% theo quý và biệt thự, nhà liền kề đạt 37%, tăng 17% theo quý và 4% theo năm. Xét riêng về thị trường biệt thự, nhà liền kề, nhu cầu mua bán đang cho thấy tín hiệu khả quan khi tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới đạt 83%. Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản nhà ở vẫn luôn duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và người mua để ở.

    Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn của Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng lý giải cho con số này: “Hoạt động thị trường cải thiện, đặc biệt tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới nhờ vào các hoạt động huy động vốn của Chủ đầu tư. Hầu hết các dự án bắt đầu huy động vốn từ khá sớm với các phương thức đa dạng bao gồm hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư hay hợp đồng hợp tác kinh doanh”.

    Theo chuyên gia Savills cho rằng, sự thay đổi về cơ cấu dân số tại thành thị của Việt Nam là yếu tố thúc đẩy những nhu cầu mới trong thị trường nhà ở. Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 10 triệu người ở các thành phố lớn trong thập kỷ tới, với tỷ lệ đô thị hóa cả nước tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030.

    Chênh lệch cung cầu nhà ở Hà Nội - Ảnh 4
    Giám đốc Cấp cao bộ phận Tư vấn của Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng.

    Dân số Hà Nội đến năm 2025 dự kiến đạt 9 triệu người, với dân số thành thị chiếm khoảng 61% tổng dân số tăng từ mức 49% vào năm 2019. Số liệu trên tương đương khoảng 72.000 hộ gia đình thành thị thêm mới mỗi năm, trong khi số lượng căn hộ mới trung bình hàng năm là 27.000.

    Mặt khác, cần lưu ý là tại thời điểm hiện tại, phân khúc căn hộ ở tầm giá thấp hơn đang tồn tại một sự mất cân đối giữa hai nguồn lực trong thị trường. Nguồn cung mới và hàng tồn kho căn hộ ở mức thấp. Đặc biệt, nguồn cung căn hộ giá bình dân đang bị thiếu hụt trong khi các dự án hiện tại đã bán hết và không có nguồn cung mới có giá dưới 20 triệu đồng/m2 cho sản phẩm căn hộ.

    Bên cạnh đó, có sự chênh lệch về nguồn cầu dự kiến và nguồn cung sơ cấp thực tế. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn cầu trong giai đoạn 2022-2025 là 185.200 nhà, trong đó có 166.600 căn hộ.

    Tuy nhiên, các số liệu từ báo cáo của Savills đang cho thấy từ năm 2022 đến năm 2025, 78.900 căn hộ sẽ mở bán. Do đó, cần có sự điều chỉnh về quy hoạch để kịp thời điều tiết nguồn cung trong tương lai, đảm bảo thị trường được tăng trưởng một cách ổn định.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Chênh lệch cung cầu nhà ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới