Chiêm ngưỡng kiến trúc kinh điển và kỳ vĩ trên 5 đỉnh núi thiêng mà người Phương Đông quen tên
5 ngọn núi linh thiêng, không những hùng vĩ về cảnh sắc, in đậm văn hóa truyền thống Trung Quốc mà còn rất đỗi thân quen với triết lí của người Phương Đông bởi sự huyền diệu của tôn giáo và đất trời.
Trung Quốc là một trong những quốc gia rộng lớn nhất thế giới với địa hình đa dạng, phức tạp, không những có những dòng sông nổi tiếng như Dương Tử, Hoàng Hà mà còn sở hữu các dãy ngọn núi cao hiểm trở mang cảnh sắc độc đáo. Trong số đó, Ngũ Nhạc danh sơn - 5 ngọn núi nằm ở 5 vị trí đặc biệt quan trọng (với 4 hướng chính và một ngọn núi nằm ở trung tâm) của đất nước Trung Hoa cổ xưa.
Ngũ Nhạc danh sơn không chỉ có cảnh sắc hùng vĩ mà còn gắn liền với nhiều truyền thuyết và giai thoại hấp dẫn nhuốm màu sắc thần bí, cụ thể là Phật giáo và Đạo giáo. Theo thần thoại Trung Quốc thì Ngũ Nhạc chính là 5 ngọn núi thiêng vì được xem là tượng trưng cho thân thể và đầu của vị thần đầu tiên sáng tạo ra thế giới, khai thiên lập địa, khai sáng vạn vật, phân tách âm và dương để tạo ra Trái Đất và bầu trời của Trung Hoa. Vị thần đó tên là Bàn Cổ (Pangu).
Ngoài ra, tên gọi các ngọn núi cũng, được gọi theo hướng tương ứng mà chúng tọa lạc như là Hằng Sơn phía Bắc - Bắc nhạc, Hành Sơn phía Nam - Nam nhạc, Thái Sơn phía Đông - Đông nhạc, Hoa Sơn phía Tây - Tây nhạc và Tung Sơn ở Trung tâm - Trung nhạc.
Đông Nhạc - Thái Sơn
Tên núi gắn liền với câu ca dao mà ai cũng từng nghe từ thuở bé thơ: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Tương truyền rằng sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, đầu, thân và tứ chi biến thành Ngũ nhạc, Thái Sơn chính là đầu của Bàn Cổ hóa thành nên đứng đầu Ngũ nhạc. Nằm ở phía Đông, Thái Sơn trong văn hóa truyền thống Trung Hoa là khởi nguồn của vạn vật, là hóa thân của Thần linh, là biểu tượng của sinh và tái sinh. Đây là nơi đón nhận nguồn linh khí đầu tiên đến từ phía mặt trời mỗi sớm mai.
Núi Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc với tổng diện tích 426 km². Người xưa gọi núi này là Cột chống trời. Nó có tên là Đông Nhạc - là thánh địa của Đạo gia và là nơi tế lễ của các triều đại hoàng đế Trung Hoa. Thái Sơn được liên hệ với bình minh - sự tái sinh và với người Trung Hoa cổ thì đây là ngọn núi linh thiêng nhất, được xếp thứ 1 trong 5 ngọn núi "cao" nhất.
Theo sử sách ghi chép từ khi Tần Thủy Hoàng lên núi Thái Sơn, đến đời vua Càn Long, thì có tới 12 vị hoàng đế Trung Quốc lên núi tế trời. Đền Đại ở dưới chân núi là nơi diễn ra lễ tế trời và tế thần Thái Sơn xưa kia. Rất nhiều tao nhân mặt khách cũng đã đến thưởng ngọan phong cảnh và đã để lại rất nhiều bút tích ở đây. Tiêu biểu như Khổng Tử, Đỗ Phủ...
Ở Thái Sơn có 3 đạo cùng tồn tại là Đạo Lão, Đạo Phật, Đạo Khổng - ba trụ cột chính của nền văn hóa lâu đời Trung Quốc và đó cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt thú vị của núi Thái Sơn so với 4 ngọn núi còn lại.
Trên đỉnh núi còn có đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đấu Mẫu, lầu Xích Thiên, 20 quần thể kiến trúc và hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa. Đây đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của Trung Quốc và có giá trị nghệ thuật.
Tây Nhạc - Hoa Sơn
Hoa Sơn là một ngọn núi thuộc đoạn Đông dãy Tần Lĩnh ở phía Nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An - cố đô khoảng 100 km về phía Đông. Hoa Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ và những cung đường nguy hiểm nhất trên thế giới mà không ít người muốn thử sức mình chinh phục.
Danh thắng này được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1990. Hoa Sơn có 5 đỉnh núi chính, đỉnh chính cao 2.083 m, gọi là Thái Hoa Sơn hoặc Tây Nhạc.
Để lên được đỉnh Hoa Sơn, bạn phải vượt qua những con đường chạy dọc theo sườn núi cao 1.800 m. Sau khi leo xong các bậc thang cheo leo bằng đá, các du khách còn phải bám người vào vách núi để đi men theo hệ thống đường ván bằng gỗ mới có thể lên đỉnh núi.
Đây là con đường được các tu sĩ, tín đồ Đạo Lão xây dựng để đi lên các đền thờ trên đỉnh núi. Với những du khách ưa mạo hiểm thì “con đường ván gỗ trên bầu trời” này là một trải nghiệm vô cùng đắt giá.
Được mệnh danh là đỉnh cao Đạo giáo, 4 đỉnh chính của Hoa Sơn được bao bọc bởi những ngôi đền cổ, là địa điểm cầu nguyện và cúng bái từ ít nhất là thời Tần Thủy Hoàng vào những năm 200 trước Công nguyên. Đường đi lên đỉnh núi tràn ngập những móc khóa tình yêu được móc đỏ rực trên những đoạn dây cáp căng bên vực sâu.
Nam Nhạc- Hành Sơn
Nằm trong khu Nam Nhạc của Ngũ Nhạc cách trung tâm thành phố Hành Dương tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc 50 km, Hành Sơn được tạo thành bởi đá hoa cương, vách đá dựng đứng với chiều cao 1.290 m, có hình thù kỳ quái và gồm có 72 đỉnh núi lớn nhỏ.
Cách phát âm của 2 ngọn núi Hằng Sơn và Hành Sơn giống hệt nhau, đều là Heng Shan. Để phân biệt chúng, đôi khi người ta gọi Hành Sơn là Nan Heng Shan (Nam Hằng Sơn), Hằng Sơn là Bei Heng Shan (Bắc Hằng Sơn).
Hành Sơn nổi tiếng là ngọn núi của Đạo giáo và Phật giáo, tại chân núi Hành Sơn chúng ta có thể chiêm ngưỡng ngôi đền lớn nhất ở miền Nam Trung Quốc, đền thờ Nam Việt.
Núi Hành Sơn nổi tiếng thế giới, hội tụ đầy đủ đặc điểm của 4 thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, với độ cao của đỉnh Chúc Dung, vẻ đẹp của điện Tàng Kinh, chiều sâu của chùa Phương Quảng và vẻ đẹp kỳ bí của động Thủy Hàn. Trên núi còn có các chùa khác như chùa Trung Liệt, đình Bán Sơn, đài Ma Kính, cửa Nam Thiên, chùa Quảng Tế, đỉnh Hoa Sen, chùa Chúc Thánh và nhiều danh lam khác.
Bắc Nhạc - Hằng Sơn
Hằng Sơn còn gọi là Nguyên Nhạc hay Thường Sơn, nằm ở huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc, giáp với Nội Mông Cổ, thuộc vùng cao nguyên khô hạn, quanh năm nắng gió, cát bụi. Tương truyền rằng vua Thuấn khi đi tuần thú tới đây đã phong Hằng Sơn là Bắc Nhạc.
Các tòa nhà được bố trí dàn trải theo một đường từ Nam đến Bắc và được nâng cao dần lên. Hơn bốn mươi sảnh đường, phòng và gian thờ được chia thành 3 nhóm.
Hằng Sơn là nơi tiếp giáp giữa Trung Nguyên và biên ải năm xưa nên phong cảnh ở đây rất hùng vĩ, với những ngôi chùa được xây dựng ở vị trí hiểm trở và chính vì thế mà kiến trúc xây dựng ở Hằng Sơn là sự giao thoa, kết hợp vô cùng tinh tế của 2 nền văn hóa xưa.
Trung Nhạc - Tung Sơn
Tung Sơn nằm tại Đặng Phong, Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Phía Bắc trông ra Hoàng Hà, Lạc Thủy; phía Nam nhìn ra Dĩnh Thủy, Cơ Sơn; phía đông nối với kinh đô Biện Lương của 5 triều đại; phía Tây liền với cố đô Lạc Dương của 9 triều đại. Thế cho nên mới được gọi là "Biện Lạc lưỡng kinh, kì nội danh sơn", là đệ nhất danh sơn Trung Nguyên.
Các núi thiêng của Trung Quốc được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Nhóm núi Ngũ Nhạc là tên gọi cho năm ngọn núi nổi tiếng nhất, gắn liền với lịch sử Trung Quốc qua nhiều triều đại. Chúng cũng gắn liền với tín ngưỡng và thuyết Ngũ Hành của Trung Quốc.
Linh Chi (t/h)