Chủ nhật, 24/11/2024 04:26 (GMT+7)
Thứ tư, 17/03/2021 08:42 (GMT+7)

Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Mỹ phát triển mạnh hệ thống ngân hàng xanh (Kỳ 4)

Theo dõi KTMT trên

Tại Mỹ, ngân hàng xanh dưới sự hỗ trợ của Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến khung khổ pháp lý, sẽ đóng vai trò quyết định tới sự phát triển của hệ thống tài chính xanh.

Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Mỹ phát triển mạnh hệ thống ngân hàng xanh (Kỳ 4) - Ảnh 1
Mỹ đang đẩy mạnh hệ thống ngân hàng xanh. (Ảnh: CNN)

Mỹ hiện có 12 ngân hàng xanh ở cấp tiểu bang, quận và thành phố, hỗ trợ sự xuất hiện của các thị trường mới. Cho đến nay, các ngân hàng xanh của Mỹ đã biến mỗi 1 USD vốn hóa công thành 3,40 USD đầu tư tư nhân bằng cách cung cấp các khoản vay thúc đẩy các khoản đầu tư mới, tạo ra 3,67 tỉ USD đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn quốc cho đến năm 2018.

Mỹ có ngân hàng xanh cấp nhà nước đầu tiên tại Connecticut vào năm 2011, được kỳ vọng huy động hơn 1,6 tỉ USD đầu tư vào nền kinh tế năng lượng sạch trong khu vực với tỉ lệ 7:1 của tư nhân cho các quỹ công cộng.

Vào tháng 6/2019, nó đã trở thành ngân hàng xanh thứ hai phát hành trái phiếu xanh, theo sau đợt phát hành trái phiếu xanh trị giá 18,3 triệu USD vào tháng 10/2018 của ngân hàng xanh Rhode.

Liên minh Thủ đô xanh (CGC) đã làm việc để giúp thành lập một số ngân hàng xanh trên khắp thế giới bao gồm Connecticut và Washington, DC.

Thị trưởng Washington DC, Muriel Bowser, đã thông qua Đạo luật thành lập cơ quan tài chính xanh của quận, chính thức khiến thành phố có ngân hàng xanh đầu tiên do chính phủ tài trợ ở Mỹ. Cho đến nay, ngân hàng đang được vốn hóa với 105 triệu USD công quỹ, trong khi thành phố sẽ cần hơn 2 tỉ USD để thực hiện các mục tiêu xanh.

Thị trưởng Bowser đã cam kết không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và ngân hàng xanh là một trong những công cụ tốt nhất để thực hiện mục tiêu này.

Trong khi đang ở giai đoạn đầu, Ngân hàng Xanh tại DC đã đặt ra các mục tiêu của mình. Nó nhằm mục đích thu hút vốn tư nhân ở tỉ lệ tối thiểu: 5 USD vốn tư nhân trên 1 USD vốn nhà nước công. Nó sẽ sử dụng thẩm quyền liên kết để cải thiện năng lực, tái cấu trúc các kết quả tìm kiếm và tăng tốc cho vay. Hơn nữa, nó cũng dự định biến tổ chức này thành nguồn lực cho cư dân, chủ doanh nghiệp nhỏ và nhà phát triển thương mại quan tâm đến việc triển khai năng lượng sạch.

Gần 3/4 lượng khí thải của Washington, DC, đến từ các tòa nhà. Do đó, trọng tâm chính của ngân hàng xanh là hạn chế mức khí thải của các tòa nhà hiện có và các công trình mới tới mức 0. Trong nỗ lực này, ngân hàng sẽ đo lường hiệu suất của mọi tòa nhà và bắt đầu một loạt các dự án đòi hỏi kinh phí và nguồn lực bổ sung.

Không chỉ ngân hàng xanh mà các công ty tiện ích tại Mỹ như Duke Energy và Xcel Energy cũng đã phát hành hàng tỉ trái phiếu xanh để tài trợ cho việc phát triển năng lượng tái tạo.

Cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu Moody’s nhận thấy các khoản cho vay dự án xanh "có tỉ lệ vỡ nợ tích lũy trong 10 năm là 5,7%, thấp hơn so với tỉ lệ 8,5% đối với các dự án không xanh".

"Theo thời gian, trái phiếu xanh sẽ được tài trợ chủ yếu bởi các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm thích lợi nhuận hàng năm ổn định", ông Schub nói.

Xcel Energy gần đây đã phát hành nhiều trái phiếu xanh, được thúc đẩy bởi "sự thay đổi chính trị và kinh tế ở các bang mà họ kinh doanh". Các bang như Minnesota và Colorado đang chuyển dần khỏi nhiên liệu hóa thạch, và trái phiếu xanh là một cách tốt để huy động vốn.

Trái phiếu xanh đầu tiên của Xcel vào năm 2018 đã tài trợ cho một dự án điện gió ở Colorado và ba dự án khác vào năm 2019 ở Texas, New Mexico và Minnesota.

Công ty đã thu hút "các nhà đầu tư đang tìm cách gia nhập vào các dự án xanh hoặc năng lượng tái tạo, trong đó có một số người sẽ chỉ đầu tư vào trái phiếu xanh", Giám đốc tài chính Bob Frenzel của Xcel Energy nói.

Trong khi đó, Duke Energy cũng đã phát hành 1 tỉ USD trái phiếu xanh vào tháng 11/2018 và thêm 600 triệu USD vào tháng 3/2019 để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sạch.

"Chúng tôi không nhất thiết phải sử dụng trái phiếu xanh, nhưng đó là cơ hội để chứng minh rằng chúng tôi rất tập trung vào loại hình đầu tư mà khách hàng muốn", người phát ngôn của Duke Energy, Catherine Hope Butler cho biết.

Giám đốc điều hành Bill Parsons của Hội đồng năng lượng tái tạo Mỹ (ACORE), Bill Parsons nhân định: "Trái phiếu xanh đang và sẽ có xu hướng thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng được ưu tiên".

Ngân hàng Xanh Quốc gia

Theo Jeff Schub, giám đốc điều hành của Liên minh Thủ đô xanh (CGC), các ngân hàng xanh ở Mỹ đã thúc đẩy rất nhiều khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời và hiệu quả năng lượng.

Ông Schub nói thêm: "Một số ứng cử viên đảng Dân chủ đã đưa các ngân hàng xanh hoặc ngân hàng khí hậu vào kế hoạch tranh cử của ho. Điều này có thể làm tăng khả năng cho một gói giải pháp khí hậu vào năm 2021".

Tuy nhiên, ông cho biết dự luật đại diện cho một chính sách tài khóa cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan hành chính của đảng Cộng hòa. Thời gian gần đây, Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện cũng đang đưa ra một dự luật toàn diện về khí hậu và tài chính xanh.

"Chúng tôi biết gần như chắc chắn rằng Đạo luật Ngân hàng Xanh Quốc gia sẽ được đưa vào dự luật đó", giám đốc điều hành CGC nói.

Theo ông, dự luật cũng là trọng tâm trong các cuộc trò chuyện khác với Quốc hội và Ủy ban Khủng hoảng Khí hậu Hạ viện.

Trước đó, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Himes đã giới thiệu Đạo luật Ngân hàng Xanh Quốc gia. Một Ngân hàng Xanh Quốc gia sẽ hỗ trợ và quản lý các ngân hàng xanh đủ điều kiện do các tiểu bang, quận và thành phố tự quản thành lập.

Các ngân hàng xanh địa phương này sẽ có thể cung cấp tài chính dưới hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc tăng cường tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng hiệu quả đủ điều kiện, năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh khối, thủy điện, pin nhiên liệu, và các phương tiện sử dụng nhiên liệu thay thế, cùng những dự án khác.

Ông Himes nói: "Đầu tư và đổi mới là con đường nhanh nhất dẫn đến một tương lai xanh và bền vững. Hiện tại, các ngân hàng xanh ở cấp nhà nước đang giúp thúc đẩy nguồn vốn tư nhân bằng cách cung cấp sự an toàn và ổn định. Đã đến lúc chúng ta nâng quy mô lên cấp quốc gia. Chúng tôi sẽ luôn tiếp tục đấu tranh cho những cải cách mạnh mẽ về chính sách môi trường, nhưng điều cần thiết là chúng tôi đảm bảo dòng vốn cho những người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh".

"Ban đầu, Ngân hàng Xanh Quốc gia sẽ được vốn hóa thông qua việc bán 10 tỉ USD trái phiếu xanh. Các quỹ này sau đó sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nỗ lực của các ngân hàng do các bang, quận và thành phố tự quản. Dự luật này đặc biệt thú vị vì nó đang mở rộng một mô hình đã cho thấy sự thành công trên toàn quốc", Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ nói.

Trong khi các ngân hàng xanh đã xuất hiện trên khắp đất nước ở cấp tiểu bang và địa phương, quá trình chuyển đổi năng lượng cần sự hỗ trợ tài chính của một Ngân hàng Xanh Quốc gia vì nó "về cơ bản là một dự án xây dựng" có thể đòi hỏi "nhiều nhất là 4,5 nghìn tỉ USD", theo CGC.

Đạo luật Ngân hàng Xanh Quốc gia sẽ huy động được 50 tỉ USD thông qua các đợt phát hành trái phiếu xanh để hỗ trợ các ngân hàng xanh của tiểu bang và địa phương. Dự luật của Thượng viện cũng sẽ huy động được 35 tỉ USD và tạo ra một tổ chức phi lợi nhuận độc lập để đầu tư vào các dự án xanh.

Giám đốc điều hành CGC cho rằng. một Ngân hàng Xanh Quốc gia có thể mang lại 1 nghìn tỉ USD, với một phần đến từ việc người tiêu dùng mua "trái phiếu tiết kiệm xanh". Sẽ mất một thời gian để đạt được mức đầu tư ngân hàng xanh đó, nhưng trong thời gian chờ đợi, các ngân hàng có thể tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi ở quy mô nhỏ hơn.

Hiệu trưởng Uday Varadarajan của Viện Điện lực Rocky Mountain Institute, cho biết: "Các ngân hàng xanh có thể kết hợp trái phiếu xanh với nhiều loại hỗ trợ khác, như viện trợ không hoàn lại, tài trợ vốn cổ phần và tài trợ phát triển kinh tế địa phương . Ngoài ra, họ cũng có thể cung cấp một khoản trợ cấp dưới hình thức tài trợ chiết khấu ở mức thấp hơn lãi suất thị trường, tài trợ kho bạc hoặc thậm chí cho vay lãi suất cực thấp trong thời gian dài hơn".

Ông Varadarajan nói thêm rằng: "Đòn bẩy từ ngân hàng xanh có thể rất đáng kể, cho phép một khoản trích lập tương đối nhỏ để thực hiện một lượng tài chính khổng lồ và mang lại nhiều lợi ích".

Kỳ tiếp theo: Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự phát triển bền vững: Bài 5 - Tiềm năng của Hàn Quốc và những 'quân bài' bí mật

Thanh Trần

Bạn đang đọc bài viết Chính sách 'Tài chính xanh' vì sự PTBV: Mỹ phát triển mạnh hệ thống ngân hàng xanh (Kỳ 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới