Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/04/2020 06:00 (GMT+7)

Chủ động ứng phó thiên tai diễn biến phức tạp trong năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành Chỉ thị số 36 ngày 16/4/2020 về Tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2020.

Chủ động ứng phó thiên tai diễn biến phức tạp trong năm 2020 - Ảnh 1
Cảnh tan hoang sau khi cơn lũ dữ quét qua bản Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), tháng 6/2018. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước; điển hình là: hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây nguyên, trong đó có đợt ngay trong đêm 30, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán; mưa lớn từ ngày 12-14/4 ở các tỉnh duyên hải miền Trung làm trên 19.500ha lúa bị ngập úng, gãy, đổ. Đây là hiện tượng hiếm gặp, báo hiệu sự bất thường, cực đoan của thiên tai.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016 vừa qua.

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp &PTNT) tập trung chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá tình hình diễn biến và kết quả công tác phòng chống thiên tai năm 2019, những tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác trong thời gian còn lại trong năm một cách sát thực, hiệu quả. Thời gian tổ chức phù hợp khi dịch Covid - 19 được kiểm soát.

Trên cơ sở nhận định của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế, cơ quan thường trực BCĐ tổng hợp, phân tích, báo cáo lãnh đạo BCĐ, Chính phủ về các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt lớn có thể xảy ra, cũng như các kịch bản ứng phó cụ thể, tránh để xảy ra bị động bất ngờ, gây hậu quả lớn dẫn đến thảm họa; nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến và đánh giá tác động của thiên tai đến các mặt của đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để tiếp nhận và truyền tải thông tin được kịp thời, chính xác.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các Bộ ngành, địa phương thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ huy, chỉ đạo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, không để chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương:

- Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

- Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản...

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm; trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc không đảm bảo; thuyền trưởng, máy trưởng thiếu chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ ra khơi.

- Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,…

- Đặc biệt, chú trọng công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo để chủ động ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên thiên tai, đặc biệt là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài không kịp thời do chia cắt hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Chủ động ứng phó thiên tai diễn biến phức tạp trong năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới