Chủ nhật, 24/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ năm, 14/04/2022 17:00 (GMT+7)

Chuẩn hóa trạm sạc xe điện, thúc đẩy phát triển giao thông xanh

Theo dõi KTMT trên

Với chủ trương thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, các tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.

Vì sao cần có tiêu chuẩn chung cho hệ thống trạm sạc

Thị trường sản phẩm xe điện đang được đánh giá là hấp dẫn khi góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Cam kết này là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Để hiện thực hóa cam kết này, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức, trong đó có việc thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế, hướng đến đầu tư và sử dụng công nghệ xanh trong mọi lĩnh vực. Trong đó xu hướng phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh là hướng đi đúng đắn để tạo ra sự bền vững. Việc phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng từng bước góp phần hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với chủ trương thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, thị trường sản phẩm xe điện đang được đánh giá là hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu nhà ở của người dân, giải quyết bài toán về quỹ đất đô thị, các dự án chung cư đang được đẩy mạnh đầu tư tại nhiều thành phố lớn. Việc lắp đặt trạm sạc xe điện không chỉ hoàn thiện chuỗi tiện ích mà còn là cầu nối, góp phần hình thành cộng đồng sống “xanh”.

Nhận định về vấn đề này, bà Trần Minh Ái - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Quản lý bất động sản Savills Việt Nam cho rằng, trên thực tế việc chuyển đổi từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện điện là xu hướng chung trên toàn thế giới. Mặc dù Việt Nam là quốc gia đi sau song tốc độ tăng trưởng khá nhanh.

Chuẩn hóa trạm sạc xe điện, thúc đẩy phát triển giao thông xanh - Ảnh 1
Việc lắp đặt trạm sạc xe điện không chỉ hoàn thiện chuỗi tiện ích mà còn là cầu nối, góp phần hình thành cộng đồng sống “xanh”.

Tuy nhiên, so với tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu, nhóm người dân sử dụng các phương tiện xanh còn rất thấp. Theo thống kê tại các dự án do Savills quản lý, hiện tại các phương tiện sử dụng điện chỉ chiếm khoảng 2-3%/dự án và đa số là xe máy điện và xe đạp điện, còn xe hơi chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong bối cảnh đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy, ô tô đã cho ra mắt các sản phẩm thân thiện với môi trường chạy bằng nhiên liệu điện và nhận được sự đón nhận của người dân, từng bước xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh tại nhiều tỉnh, thành. 

Các chuyên gia cũng đánh giá, ngoài các tiêu chuẩn đặc thù của hãng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, bàn bạc để lựa chọn ra những quy chuẩn không chỉ liên quan đến phương tiện và còn cả trạm sạc, đầu sạc, nguồn điện... Đây không chỉ là việc của các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của chính các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện.

Nhu cầu trạm sạc ngày càng phổ biến

Theo khẳng định của bà Phan Thị Thuỳ Dương - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast, với xe điện, điều quan trọng là hạ tầng trạm sạc. Ngoài việc lập tức cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc thì các cơ quan chức năng cũng cần quy định về hạ tầng trạm sạc trong các công trình công cộng, chung cư, bãi đỗ xe,…

Tuy nhiên, hiện nay các vướng mắc trong việc hỗ trợ trạm sạc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư, tòa nhà vẫn còn là một vấn đề lớn của các chủ sở hữu phương tiện giao thông xanh.

Nhận định về vấn đề này, ông Triệu Việt Phương - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho hay: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản thương mại để hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với quốc tế và khu vực”.

Ông Phương cho rằng, số lượng các tiêu chuẩn quốc gia hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện ở các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa phản ánh hết được các yêu cầu phát sinh. Đặc biệt cấp thiết đó là tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc bởi đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.

Dẫn chứng thêm, trên thế giới đã có những trường hợp xảy ra hỏa hoạn khi các phương tiện xe điện đang sạc, gây nguy hiểm nhất định cho con người và tài sản. Thế nên chúng ta cần sớm có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc để giảm thiểu tối đa rủi ro không đáng có.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cư dân sinh sống trong các khu chung cư tại đô thị lớn là thiếu trạm sạc chuyên dụng. Trong đó, tại nhiều dự án chung cư, vẫn có tình trạng những người sử dụng xe đạp hay xe máy điện mang cục sạc lên căn hộ để tự sạc điện. Theo bà Trần Minh Ái, hiện nay có 2 giải pháp để đáp ứng nhu cầu sạc phương tiện sử dụng điện tại các dự án chung cư.

Thứ nhất, tìm hiểu và hợp tác với các đơn vị cung cấp về trạm sạc trên thị trường. Các đơn vị này sẽ hỗ trợ thiết bị đảm bảo an toàn điện, đóng ngắt điện, chống cháy nổ hay các phần mềm cần đăng ký cho hoạt động tự ngưng khi sạc đầy, tính chi phí sạc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trạm sạc cũng không nhiều, hiện chỉ có 2 đơn vị trên thị trường.

Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, với tỷ lệ người sử dụng phương tiện chạy bằng điện thấp như hiện nay, dịch vụ này cũng không quá hấp dẫn để đầu tư. Chính vì vậy, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn đang rất thiếu.

Thứ hai, tổ chức bố trí thêm điểm sạc trong các dự án. Các điểm sạc này được quy hoạch tại những khu vực rộng và cách xa hoàn toàn đối với các phương tiện sử dụng xăng, có thể ở trên gần sảnh hoặc sau lưng tòa nhà thay vì bố trí dưới hầm. Bên cạnh đó, những điểm sạc này cũng đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật an toàn điện, phòng chống cháy nổ và trong tầm quan sát 24/7 của lực lượng nhân viên Ban quản lý. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và đòi hỏi một hệ thống quản lý về việc tự ngắt khi sạc đầy hay tính tiền sạc để đảm bảo tất cả người dân có sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện có thể sử dụng luân phiên.

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia với mức độ hài hòa chung với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%. Tổng số tiêu chuẩn quốc gia đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn.

Trong các tiêu chuẩn quốc gia trên thì mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện bao gồm cả ô tô, mô tô, xe máy và xe đạp điện. 

Còn với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hiện có 21 quy chuẩn áp dụng cho xe điện. Trong đó có 16 quy chuẩn dùng chung cho tất cả các phương tiện ô tô, mô tô và xe gắn máy điện và động cơ đốt trong và 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dành riêng cho xe điện.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Chuẩn hóa trạm sạc xe điện, thúc đẩy phát triển giao thông xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới