Chung sống “hòa bình” với bệnh vảy nến mạn tính
Là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp nhất, bệnh vảy nến mạn tính tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bệnh nhân.
Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, do vậy, bệnh nhân phải chung sống hòa bình với nó bằng cách duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, nâng cao sức khỏe…
Thói quen sinh hoạt khoa học có thể kiểm soát tốt bệnh vảy nến mạn tính |
Được xem như bệnh viêm hệ thống, và nằm trong top 4 bệnh có số lượt khám hàng đầu trong các loại bệnh da liễu, bệnh vảy nến mạn tính ảnh hưởng tới đa cơ quan, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bệnh nhân. Bệnh chiếm 2-3% dân số thế giới với tỷ lệ nam nữ mắc bệnh tương đương. Bệnh vảy nến chia làm 2 loại với: Vảy nến tuýp 1 diễn tiến rất nặng, thường khởi phát sớm từ khoảng 16-22 tuổi, 2/3 trong số bệnh nhân mắc phải vảy nến loại này. Số còn lại là vảy nến tuýp 2 khởi phát muộn hơn, khoảng 57-60 tuổi, bệnh cũng diễn tiến nhẹ hơn.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến mạn tính
Theo BS Nguyễn Trọng Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện da liễu TP HCM, bệnh vảy nến mạn tính có nguyên nhân do hệ thống miễn dịch phát những tín hiệu sai làm da phát triển quá nhanh. Các tế bào dưới da mới được tạo ra trong vài ngày thay vì vài tuần như bình thường, chúng không bong tróc ngay khỏi cơ thể mà xếp thành lớp trên bề mặt da gây nên những mảng vảy nến. Các yếu tố stress, viêm họng, sử dụng các thuốc lithium, thuốc kháng sốt rét, khí hậu khô, lạnh, một vết cắt, trầy xước, bỏng nặng… được xem là các yếu tố khởi phát bệnh.
Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh vảy nến còn do di truyền trong gia đình. BS Hào cũng cho biết thêm, vảy nến không thể trị khỏi hẳn mà chỉ có thể điều trị để giảm đến mức tối đa tác động của bệnh đến cuộc sống. Muốn vậy, người bệnh và bác sĩ cần hợp tác chặt chẽ để tìm ra phương cách điều trị bệnh tốt nhất.
Phương pháp hạn chế bệnh vảy nến phát triển
Tăng cường nhóm thực phẩm chứa chất oxi hóa (nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế), beta carotene (cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài), folate (ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam), kẽm (sò và các thực phẩm có ngũ cốc), axit béo omega‐3 (các loại cá như cá mòi, cá thu, cá hồi, hạt lanh, hạt hướng dương, hạt mè)… Nên thay thế thịt đỏ bằng cá hồi, cá thu, cá mòi, và sò ít nhất 3 lần một tuần. Bệnh nhân vảy nến cũng cần uống nhiều nước, ngủ đủ giấc.
Hạn chế các thực phẩm như muối, đường, thức ăn nhiều dầu mỡ và cholesterol; thực phẩm chiên xào, chế biến sẵn, thức ăn cay, tiêu, chocolate, trứng, không hút thuốc lá, rượu bia, tránh căng thẳng, stress. Người bệnh không nên tắm gội với nước quá nóng, chỉ nên dùng nước ấm với chất rửa không chứa hương liệu, chỉ sử dụng những sản phẩm chăm sóc da nhẹ, dịu, nên mang găng khi tiếp xúc với hóa chất hay chất tẩy rửa, tránh cào gãi vì có thể làm tổn thương da, không bóc, cậy các thương tổn, nên mặc trang phục với chất liệu sợi tự nhiên như cotton.
Kiểm soát cơn ngứa ngáy khó chịu thường gặp ở bệnh nhân bằng các thuốc kháng histamine, sử dụng chất làm mềm da và giữ ẩm, thuốc bôi corticosteroids, capsaicin, thuốc bôi tê, tắm bằng các sản phẩm từ yến mạch, chườm lạnh bằng túi đá, băng kín thương tổn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần chú ý phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời thông báo cho bác sĩ, tránh để lâu có thể gây nhiều nguy hiểm. Bệnh nhân cần cảnh giác với các dấu hiệu như: khớp cứng, đau, nhất là buổi sáng sau khi thức dậy. Biến chứng này thường gặp ở 10-30% bệnh nhân, cần điều trị sớm để phòng ngừa biến dạng khớp. Lưu ý đến móng, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng bong móng, móng lõm, sần sùi mất bóng, đổi màu vàng cam…
Cho đến nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh vảy nến, nhưng bệnh hoàn toàn không lây, và bệnh nhân cũng có thể sống khỏe mạnh bình thường với những thói quen sinh hoạt khoa học, do đó, bệnh nhân và người nhà có thể hoàn toàn yên tâm.
Trọng Đức