Chủ nhật, 24/11/2024 11:04 (GMT+7)
Thứ ba, 31/08/2021 08:05 (GMT+7)

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng kéo dài

Theo dõi KTMT trên

Biến thể Delta đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á và làm gián đoạn vận chuyển, gây ra cú sốc cho nền kinh tế thế giới. Theo đó, khủng hoảng chuỗi cung ứng nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022.

Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Điều này gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, có nguy cơ đẩy giá cả leo thang và đe dọa sự phục hồi hậu đại dịch Covid-19. 

Theo Bloomberg, chuỗi cung ứng thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài. Thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao, các nhà sản xuất đang phải lao vào cuộc chiến dành một chỗ trên các tàu vận chuyển hàng hoá, đẩy giá cược vận chuyển tăng lên mức kỷ lục. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có 2 lựa chọn: tăng giá sản phẩm hoặc huỷ toàn bộ lô hàng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng kéo dài - Ảnh 1
Dịch Covid-19 khiến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, theo Chỉ số Container Thế giới của Drewry, chi phí vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu cao hơn khoảng 10 lần so với tháng 5 năm 2020. Chi phí từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) đã tăng hơn 6 lần. Chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên mỏng manh đến mức chỉ một tai nạn nhỏ cũng “có thể gây ra những ảnh hưởng phức tạp” - Tập đoàn tài chính HSBC Holdings Plc. cho biết trong một báo cáo.

Christopher Tse - giám đốc điều hành của Musical Electronics Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), công ty sản xuất các sản phẩm công nghệ tiêu dùng như loa bluetooth, rubik, cho biết: “Chúng tôi không có đủ linh kiện, không thể mua container, chi phí đã tăng lên rất nhiều”.

Hãng tin Reuters cho biết, một số cảng biển của Trung Quốc đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng khi nhiều tàu đáng lẽ phải cập cảng Ningbo – Zhoushan (Chiết Giang, Trung Quốc) lại buộc phải chuyển hướng sang các cảng khác. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cũng khiến quá trình bốc dỡ hàng hoà diễn ra chậm hơn so với thường lệ.

Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Ningbo – Zhoushan đang gây ra hiệu ứng tắc nghẽn dây chuyền đối với các cảng khác tại Trung Quốc khi nhiều tàu hàng đang phải dồn dập cập các cảng khác. Bên cạnh đó, việc hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội cũng khiến lượng lớn hàng hoá bị ùn ứ tại các cảng biển nước này.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ tại Bắc Mỹ và Châu Âu đang tăng cường mua hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trở lại và tích trữ hàng hoá chuẩn bị cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm. Tình trạng thiếu tàu vận chuyển, thiếu container rỗng và tắc nghẽn tại các cảng biển khác càng khiến các chuỗi cung ứng đối mặt nhiều khó khăn nghiêm trọng hơn.  

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng kéo dài - Ảnh 2
Hàng dài xe chở container xếp hàng tại khu cảng Ningbo – Zhoushan (Trung Quốc) trong ngày 15/8. (Ảnh: CNS/Reuters)

Không chỉ ở Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 cũng đang bùng lên ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và tại Ấn Độ. Những yếu tố này đều góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở những nước khác. 

Ông Hsieh Huey-chuan, chủ tịch hãng vận tải lớn thứ 7 thế giới Evergreen Marine Corp, cho biết: “Tình trạng tắc nghẽn tại cảng và thiếu container có thể kéo dài sang quý 4 năm nay hoặc thậm chí giữa năm 2022. Nếu đại dịch không thể được ngăn chặn một cách hiệu quả, tắc nghẽn cảng có thể trở thành một bình thường mới".

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng rõ rệt đến Mỹ và Trung Quốc, hai đầu tàu kinh tế của thế giới, chiếm hơn 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là nguy cơ tăng giá đối với tất cả các loại hàng hóa và nguyên liệu thô, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, các nhà dự báo đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay và nâng kỳ vọng lạm phát vào năm 2022. Dữ liệu mới đây cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong nửa sau của năm 2021, dù trong quý II, quốc gia này đã ghi nhận tăng trưởng nhờ những thành công trong nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng trên diện rộng.

Chang Shu, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của trang tài chính Bloomberg nhận xét, các nút thắt trong chuỗi cung ứng khó có thể sớm giải quyết khi mà những nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Indonesia vẫn đang phải căng mình chống dịch. “Điều này sẽ khiến các dây chuyền sản xuất chậm lại và đẩy chi phí sản xuất lên cao, từ đó làm ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu” – ông nhấn mạnh.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng lên trên quy mô toàn cầu, nó kéo theo cuộc khủng hoảng vỏ container nghiêm trọng. Sau đó, siêu tàu khổng lồ mắc cạn trên kênh đào Suez tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu điêu đứng. Năm nay, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vận tải khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự báo kéo dài đến năm 2022.

Trong khi năm 2021 đã đi được hơn nửa chặng đường, các chuyên gia lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng đột biến vào giai đoạn các kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng, khi các nhà máy gấp rút dồn hàng hóa đến các thị trường Mỹ và châu Âu. 

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Chuỗi cung ứng toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng kéo dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới