Chuyển đổi sắp xếp cơ quan báo chí: 'Cuộc chuyển giao, thay đổi nào cũng đầy khó khăn, gian khổ'
Tại buổi lễ trao giấy phép các tạp chí, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật cũng đã chia sẻ những trăn trở khi cầm quyết định trên tay…
Ngày 3/4/2019 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong nội dung quy hoạch này có giao cho bộ TT&TT là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch.
Sau một thời gian thực hiện, đến nay bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội. Trong đó, có 1 tổ chức hội có 1 cơ quan báo chí chuyển thành chuyên trang của một báo, bộ TT&TT đã cấp phép cho 18 tạp chí.
Ngày 4/3/2020, tại Hà Nội, bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ trao giấy phép các tạp chí thực hiện chuyển đổi sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ trao giấy phép các tạp chí cho 18 tạp chí của 18 tổ chức hội. |
Phát biểu tại buổi lễ, là một trong những hội chuyển đổi sắp xếp lại cơ quan báo chí theo quy hoạch báo chí, ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực hội Người Cao tuổi Việt Nam (tạp chí Người Cao Tuổi) cho biết: “Thực hiện chủ trương, sắp xếp lại quy hoạch báo chí các bộ, ban ngành, hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đã quy hoạch báo chí của hội, đến hôm nay bộ TT&TT đã chính thức trao quyết định cấp phép tạp chí Người cao tuổi. Quá trình quy hoạch cũng gặp những khó khăn nhất định… nhưng sau khi sắp xếp theo đề án này về cơ bản thuận lợi, không có gì khó khăn. Hiện, đang chỉ đạo sát sao để ra số đầu tiên vào ngày 1/4”.
Đánh giá cao báo Đời sống và Pháp luật trong việc tiên phong thực hiện quy hoạch báo chí, Thứ trưởng bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: “Khi bắt đầu sắp xếp lại tờ báo Đời sống và Pháp luật, đây là một trong những tờ báo tôi lo nhất, khó khăn nhất nhưng đây là tờ báo rất tiên phong”.
Cũng tại buổi lễ, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật bày tỏ: “Trong những điều kiện khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi là những người quản lý tờ báo thực hiện Đề án phát triển quản lý báo chí chuyển sang loại hình tạp chí, mỗi chúng tôi tin rằng ai cũng sẽ có những suy nghĩ riêng, quan điểm riêng, vì vậy những điều mà tôi chia sẻ ở đây mang tính cá nhân.
Trước hết, như một sự tình cờ, cách đây 2 ngày hệ thống báo chí của chúng tôi gồm cả báo điện tử và báo giấy vừa kỷ niệm trước đây 19 năm chúng tôi xuất bản số báo giấy đầu tiên. Chúng tôi nhận được rất nhiều hoa tươi của bạn đọc, đồng thời chúng tôi cũng nhận được giấy phép mới. Một trang giấy A4 tuy mỏng manh nhưng trĩu nặng có cả những âu lo, khát vọng, dự định và cả những kế hoạch, phương hướng”.
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ: “Khi nhận giấy phép, một thành viên trong ban biên tập của chúng tôi có nói với nhân viên rằng “Các em yên tâm, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra”, nhưng tôi có nói rằng không phải như vậy, chúng ta cần phải quan niệm lại, chúng ta đang đi trên một con đường suốt 19 năm đến bây giờ chúng ta đổi một hướng đi, một ngã rẽ, nhưng mục tiêu thì không thay đổi. Con đường có thể khác nhưng vẫn những con người đó, mục tiêu đó và chúng ta sẽ làm được. Mục tiêu là chúng ta có một cơ quan báo chí hoạt động tốt, lành mạnh hữu ích cho xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt là làm tốt vai trò cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản”.
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật chia sẻ tại buổi lễ. |
Là lãnh đạo của một cơ quan báo chí lâu năm, đã nhận được sự ủng hộ của bạn đọc trên cả nước 19 năm qua, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh cũng bày tỏ sự khó khăn trong quá trình quy hoạch chuyển đổi báo sang tạp chí: “Khi chuẩn bị quy hoạch, chúng tôi phải làm sao đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động. Khi cầm quyết định trên tay, chúng tôi đối mặt với nhiều thách thức, nhiều âu lo, mặc dù tờ báo của chúng tôi là tờ báo đầu tiên nộp đề án chuyển đổi sang mô hình tạp chí.
Cuộc chuyển giao nào, cuộc thay đổi nào cũng đầy khó khăn, gian khổ, đầy áp lực thậm chí đầy nước mắt tâm tư. Anh em trong toà soạn ban đầu cũng hoang mang lắm, mặc dù đã có thời gian dài chuẩn bị nhưng chúng tôi áp lực trước một núi việc trước mắt như: Về mặt hành chính thay đổi con dấu, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, mẫu giấy giới thiệu… Tất cả những quan hệ hợp đồng trước đây, chúng ta chuyển đổi như thế nào để không bị tổn thất từ phía cơ quan báo chí, các đối tác…
Về nội dung, chúng tôi cũng sẽ phải cải cách lại cơ cấu toà soạn, các kỹ năng đặc biệt là tư duy tiếp cận đề tài, từ phóng viên, biên tập viên, điều này cần một thời gian không hề ngắn.Vì vậy, trong giai đoạn này, chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn nữa, chia sẻ hơn nữa của cơ quan chủ quản báo chí”.
Trao đổi thêm về việc xuất bản định kỳ tạp chí, Nhà Báo Nguyễn Tiến Thanh đưa ra băn khoăn: “Chắc chắn tạp chí có định kỳ, nhưng chúng ta hiểu thế nào về định kỳ một cách cởi mở, tính chất thông tin là chính, nhưng quan trọng thông tin có đúng tạp chí không? chứ không quan trọng xuất bản bao nhiêu lần, nếu xuất bản 1.000 bài tốt đúng với tính chất tạp chí thì hơn rất nhiều, và trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, có những lúc sẽ phải xuất bản định kỳ nhiều hơn, ví dụ như Covid-19, nếu không tháo gỡ được những vấn đề đó thì những người làm báo sẽ cực kỳ khó khăn.
Đặc biệt, tôi là người làm báo in truyền thống, nhưng bước vào môi trường làm báo online tôi thấy có rất nhiều những vấn đề mà chúng ta phải quan tâm hơn, tháo gỡ hơn. Khi làm báo online là trong môi trường internet là nền tảng internet, khi đó chúng tôi làm báo trong một môi trường không biên giới, liên tục luôn tiếp diễn, vậy định kỳ như thế nào?
Khi những loại hình báo chí nhất định bị tách ra khỏi những môi trường hoạt động thì chẳng khác gì “xây lâu đài trên biển” hoặc vận hành “những con tàu vượt đại dương trên đất liền” như thế sẽ dễ chết… Vì vậy, chúng tôi mong cơ quan quản lý báo chí có cái nhìn cởi mở hơn với cơ quan báo chí hoạt động trên loại hình internet, định kỳ phải hiểu như thế nào?. Chúng tôi đảm bảo sẽ làm tốt một tờ tạp chí, đảm bảo hoàn thành được những khát vọng của mình”.
Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật cũng ví người làm báo là người cần có kỹ năng kể chuyện, đề án quy hoạch và phát triển báo chí là một câu chuyện dài. Bắt đầu một câu chuyện nào đó cũng đầy rẫy những khó khăn, cho đến khi có được lễ trao giấy phép này là đã vào đến cốt truyện, và câu chuyện kết thúc có hậu hay không thì những nhân vật trong câu chuyện đó phải nỗ lực, còn người kể chuyện phải có ý tưởng, định hướng ra sao để câu chuyện kết thúc có hậu.
Ngoài ra, ông Ngô Việt Anh, Tổng biên tập báo Zing cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục có sự đồng hành cùng các cơ quan báo chí.
Cuối buổi lễ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh buổi lễ trao giấy phép các tạp chí hôm nay là bước đầu: “Quản lý báo chí để cho báo chí phát triển, làm được điều đó cơ quan quản lý thấy rằng mình quản lý theo quy luật khách quan, cái gì hợp lý sẽ tồn tại. Do vậy, tôi có sự chia sẻ, đồng cảm rất cao.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương, từ năm 2015 BCH TW đã có nghị quyết, sau đó ngày 3/4 /2019 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, nói như vậy để thấy chúng ta cũng cân nhắc nhiều chiều để quản lý báo chí phát triển, trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay thì báo chí là một diễn đàn hết sức quan trọng mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước, báo chí có vai trò hết sức quan trọng.
Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin gắn liền với giá trị của thông tin, nhưng chúng ta không gắn liền với mua bán thông tin. Nếu mua – bán thông tin làm theo cơ chế thị trường mua bán thì chắc chắn đời sống sẽ khác, nhưng chúng ta tuyên truyền theo tôn chỉ mục đích, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, báo chí cách mạng chúng ta phải có diện mạo, tiếng nói khác.
Do vậy, đặt trong vấn đề cơ quan chủ quản khi ra tờ báo, tờ tạp chí phải căn cơ và suy nghĩ rất nhiều, nếu như để cơ quan báo chí tự bươn chải, cạnh tranh thông tin thì chúng ta không thực hiện được. Khi chuyển đổi báo sang tạp chí, chúng tôi vẫn rất trăn trở anh em có phát huy được không? tồn tại như thế nào, người lao động giải quyết thế nào… Chúng tôi luôn ý thức được đặt vị trí của mình vào các cơ quan báo chí để chia sẻ, đồng cảm, giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra.
Thêm nữa, tạo được sự đồng thuận và chia sẻ với nhau là điều quan trọng nhất trong xã hội đa dạng, nhiều chiều. Tạo được điều này không phải ngày một ngày hai mà cần chia sẻ, kiểm nghiệm. Hôm nay, chúng ta thực hiện là bước đầu, còn sau quá trình vận hành cái gì hợp lý chúng ta triển khai, còn chưa hợp lý thì tiếp tục chỉnh sửa chứ không áp đặt chủ quan”.
Danh sách 18 tạp chí của 18 tổ chức hội, giấy phép có hiệu lực từ ngày 01/4/2020 Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam); tạp chí Người cao tuổi (Hội Người cao tuổi Việt Nam); tạp chí Bóng đá (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam); tạp chí Thời đại (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam); tạp chí Chất lượng và cuộc sống (Hội Khoa học và Kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam); tạp chí Thương hiệu và Công luận (Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (Hội Marketing Việt Nam), tạp chí Kinh tế và Đồ uống (Hiệp hội Chè Việt Nam), tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Hội Xuất bản Việt Nam); tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam (Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam); tạp chí Kinh tế nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam), tạp chí Một thế giới (Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam); tạp chí Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam); tạp chí Năng lượng mới (Hội Dầu khí Việt Nam), tạp chí Sức khỏe cộng đồng (Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam); tạp chí Làng nghề Việt Nam (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam); tạp chí Mê Kông - ASEAN (Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN). |
Thanh Lam - Hữu Thắng