Chủ nhật, 24/11/2024 05:10 (GMT+7)
Thứ năm, 24/08/2023 08:08 (GMT+7)

Chuyên gia giáo dục: Biên soạn thêm một bộ SGK là không cần thiết

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng, nỗi lo biên soạn SGK không kịp tiến độ hay không đầy đủ tất cả các môn học là không còn nữa. Vì vậy, việc tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ vào thời điểm này là không cần thiết.

Xoay quanh vấn đề nên hay không nên có thêm một bộ SGK, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, Thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho biết, công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông đã trải qua gần 10 năm. Nghị quyết 29 khẳng định đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở và linh hoạt, biên soạn SGK, tài liệu dạy học phù hợp với từng đối tượng. Còn Nghị quyết 88 nêu rõ thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK.

Cách đây không lâu, tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chiều 14/8, vấn đề biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa do nhà nước quản lý đã gây ra nhiều tranh luận của các đại biểu.

Chuyên gia giáo dục: Biên soạn thêm một bộ SGK là không cần thiết - Ảnh 1
Ảnh: Báo Thanh Niên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn Nghị quyết 122, khi biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu một môn học đã có ít nhất một bộ sách thì không biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước. Ông Tùng cho rằng, qua những bất cập nảy sinh trong việc biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, có nhiều cách để giải quyết, không phải chỉ có một giải pháp là biên soạn bộ sách của Nhà nước

Thực tế cho thấy, có một số SGK cho mỗi môn học, khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 cũng nêu rõ, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức và cá nhân biên soạn.

Và cho đến nay, 2 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam và 1 bộ sách của công ty Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (Vepic) đã được biên soạn xong 12 lớp. SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 chuẩn bị đưa vào nhà trường trong năm học tới. Và SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 cũng đang dần hoàn tất quá trình thẩm định.

“Như vậy, nỗi lo biên soạn SGK không kịp tiến độ hay không đầy đủ tất cả các môn học là không còn nữa. Vì vậy, việc tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ vào thời điểm này là không cần thiết”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy

Ông Hùng phân tích, nếu biên soạn một bộ SGK như thế sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Trước mắt, 3 bộ SGK được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có thể là hàng ngàn tỷ đồng, công sức của hàng ngàn tác giả SGK, quy tụ hầu hết những người có khả năng biên soạn SGK mới của Việt Nam hiện nay có nguy cơ bị xóa dần.

Chuyên gia giáo dục: Biên soạn thêm một bộ SGK là không cần thiết - Ảnh 2
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT.

Hậu quả lớn hơn là quay trở về với cách thức vận hành chương trình cũ mà thế giới đã bỏ qua từ lâu và chúng ta cũng mất gần 10 năm mới chuẩn bị được các cơ sở pháp lý, chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để từng bước thoát ra.

“Nếu như lần này quay trở về với chính sách một chương trình một SGK thì có thể khẳng định là không bao giờ còn có cơ hội hội nhập với thế giới về lĩnh vực chương trình về SGK nữa. Những người mong chờ vào sự đổi mới căn bản toàn diện cho nền giáo dục phổ thông của Việt Nam thực sự lo lắng về kế hoạch biên soạn một bộ SGK mới. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cũng sẽ rất bị động nếu phải thực hiện đề nghị này”, ông Hùng nói thêm.

Đoàn giám sát và Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước đã gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK trong thời gian vừa qua. Chia sẻ với những băn khoăn của đoàn giám sát, ông Hùng đồng ý rằng Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành. Phải quản lý giá, giảm giá SGK phù hợp với thu nhập của người dân.

Trên thực tế, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn SGK, quy trình thẩm định rất nghiêm túc. Tuy vậy, ông Hùng lo ngại với tiến độ một năm biên soạn SGK 1 lớp, 3 cấp là 3 lớp, không có vài năm thử nghiệm như SGK trước đây nên việc có sai sót là điều có thể hiểu được.

Không nhất thiết phải biên soạn một bộ SGK khác

Nếu thử nghiệm như SGK theo chương trình 2016 thì tiến trình đổi mới SGK sẽ rất chậm. Nó không phải 5 năm như hiện nay mà có thể lên đến cả chục năm.

“Còn vấn đề in ấn, phát hành, giá SGK, chỗ nào làm chưa tốt thì cần có cơ chế và biện pháp để làm cho tốt hơn. Tôi nghĩ việc này không khó, Nhà nước có đủ công cụ để thực hiện, không nhất thiết phải biên soạn một bộ SGK khác”, ông Hùng một lần nữa nhấn mạnh ý kiến.

Còn về nội dung kiến thức, các kiến thức phổ thông quan trọng, cốt lõi đều được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả SGK đều là các nhà giáo, nhà khoa học, nhà sư phạm có uy tín. Trong đó, phần lớn đang công tác tại các trường ĐH sư phạm, các viện nghiên cứu giáo dục hàng đầu trên cả nước. Cần lưu ý, trong 3 bộ SGK thì có 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam – Cơ quan của Bộ GD&ĐT, doanh nghiệp 100% của Nhà nước.

“Nếu bây giờ biên soạn một bộ SGK khác thì tác giả tham gia viết cũng phải huy động từ các nguồn đó. Và tôi nghĩ quy trình thẩm định cũng không thể khác được. Nhưng đội ngũ tác giả nếu huy động được có khả năng rất cao không thể bằng đội ngũ tác giả của 3 bộ SGK hiện có”, ông Hùng nói thêm.

Đổi mới giáo dục không phải chỉ đổi mới SGK

Cùng nêu quan điểm, TS.Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa và "xã hội hóa" sách giáo khoa khiến cho sách giáo khoa không còn trói buộc giáo viên và học sinh. Bởi lẽ, giáo viên đã có thể tự quyết định nhịp điệu học tập, mục tiêu bài học, tài liệu học tập phù hợp nhất với học sinh của mình...

Chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông cũng khuyến khích các nhà trường tự xây dựng kế hoạch giáo dục trường học phù hợp với mục tiêu của nhà trường. Việc được tham khảo cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa buộc giáo viên phải nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện óc phân tích và phê phán.

Đây là một trong những năng lực vô cùng quan trọng, cần thiết của con người trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo đang phát triển đáng kinh ngạc. Nếu thực hiện được một cách nhất quán, sâu sắc và có chất lượng chủ trương này, chắc chắn giáo dục sẽ có những bước đột phá.

Theo bà Minh, giáo dục phổ thông từng bước gỡ "vòng kim cô" đã kìm hãm khả năng sáng tạo của giáo viên và học sinh bấy lâu nay. Do đó, vướng mắc lớn nhất của đổi mới giáo dục nằm ở chỗ, làm sao để đào tạo và tái đào tạo đội ngũ giáo viên để có thể thích ứng với chương trình, sách giáo khoa, cơ chế kiểm tra đánh giá mới. Làm sao để thay đổi cách quản trị và vận hành hệ thống giáo dục sao cho có thể giải phóng sức sáng tạo của giáo viên.

“Là người đào tạo giáo viên, tôi rất thấu hiểu những thiệt thòi và khó khăn của các thầy cô khi phải thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Do vậy, theo tôi, cần cân nhắc việc quay trở lại một chương trình, một sách giáo khoa và yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng một bộ sách giáo khoa duy nhất. Bởi việc này sẽ "tiêu hủy" nỗ lực của cả ngành giáo dục trong nhiều năm vừa qua”, bà Minh nói.

Từ những phân tích trên, bà Minh cho rằng việc của ngành giáo dục lúc này phải là hỗ trợ, tiếp sức cho giáo viên để họ có động lực và năng lực thích ứng với cái mới. Tạo ra cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo.

Đồng thời, trang bị cho giáo viên những kiến thức bị thiếu về tâm lý học, giáo dục học, kiến thức về chuyên môn. Bên cạnh đó, thử nghiệm và cải tiến không ngừng cách kiểm tra, đánh giá sao cho không những đo lường được một cách chính xác người học mà còn tạo động lực cho toàn bộ quá trình dạy và học.

Còn rất nhiều trách nhiệm nặng nề và quan trọng mà ngành giáo dục phải làm, để việc đổi mới giáo dục được thực hiện tới nơi tới chốn, bởi vì đổi mới bao giờ cũng khó khăn, cũng vấp phải rất nhiều lực cản của cái cũ, của những quan điểm lạc hậu.

“Đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới sách giáo khoa, mà là thay đổi một cách hệ thống tất cả các yếu tố và các quá trình, các bên liên quan từ giáo viên, học sinh đến nhà quản lý, phụ huynh. Cái mới không thể thành hình ngay lập tức, mà cần có một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, cải tiến, hoàn thiện, bởi vậy không thể có kết quả trong một sớm một chiều”, bà Minh chia sẻ.

An Khanh

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia giáo dục: Biên soạn thêm một bộ SGK là không cần thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới