Chủ nhật, 24/11/2024 07:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 04/07/2021 07:07 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về việc nâng công suất thủy điện lớn ở Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng cường khả năng cung ứng điện và giúp vận hành hệ thống tốt hơn, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các dự án mở rộng, nâng công suất nhà máy thủy điện hiện hữu.

Vì sao cần nâng công suất nhà máy thủy điện?

Hiện nay, công suất thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam chiếm khoảng 37% (khoảng 20.000 MW). Do đó, ngoài việc phủ đỉnh và điều tần, thủy điện còn có vai trò cung cấp năng lượng cho phần thân của biểu đồ phụ tải.

Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1), các nguồn phát điện chủ yếu hiện nay trong hệ thống điện Việt Nam là từ các nhà máy nhiệt điện than, khí và các nhà máy thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than sẽ được xây dựng thêm, nguồn than nội địa sẽ dần cạn kiệt, buộc phải nhập khẩu. Các nhà máy nhiệt điện khác như LNG cũng trong hoàn cảnh tương tự. Như vậy, năng lượng điện của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu.

Trong khi đó đối với thủy điện, nếu được chú trọng đầu tư khai thác sẽ hoàn toàn trở thành nguồn năng lượng quan trọng cung cấp điện cho cả hệ thống. Năm 2018, sản lượng thủy điện đóng góp đáng kể vào hệ thống điện, chiếm đến khoảng 47%, năm 2019 chiếm hơn 41%. Thủy điện cũng là nguồn năng lượng tái tạo nên chi phí vận hành thường thấp, góp phần quan trọng vào việc giảm giá phát điện của hệ thống. Hiện nay, giá thành sản xuất điện từ thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, giá trị của việc mở rộng các công trình thủy điện không phải nằm ở sản lượng điện năng tăng thêm do nâng công suất mà là ở giá trị công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh hoặc hỗ trợ hệ thống điện một cách nhanh nhất. Cùng với đó là hiệu quả kinh tế thể hiện qua sản lượng điện thu được từ việc nâng công suất có thể chuyển đổi phương thức sử dụng từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm. Mọi giá trị kinh tế khác như, điều tần, ổn định điện áp… của các nhà máy thủy điện hiện vẫn chưa được tính đến.

Chuyên gia nói gì về việc nâng công suất thủy điện lớn ở Việt Nam? - Ảnh 1
Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng vào việc giảm giá phát điện của hệ thống. (Ảnh: TTXVN)

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, với vai trò trọng yếu trong hệ thống điện, các dự án thủy điện lớn ngày càng giữ vững và phát huy năng lực của mình. Tuy nhiên, trải qua thời gian hàng chục năm vận hành, hệ thống tuabin, máy phát, thiết bị điều khiển... có thể hư hỏng, xuống cấp, trong khi nhà máy vẫn phải vận hành ở mức cao. Do đó, nguy cơ sự cố là hiện hữu.

Vì vậy, việc mở rộng các dự án thủy điện là cần thiết. Bởi lẽ các tổ máy thường làm việc vượt ngưỡng thiết kế ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy; mặc dù đã phát hết công suất, vượt số giờ vận hành nhưng hằng năm vẫn phải xả tràn vào mùa lũ gây lãng phí nước. Ngoài ra, nguồn thủy điện rất linh hoạt, việc dừng và khởi động tổ máy chỉ mất vài phút nên khi cần huy động nguồn, thủy điện có thể đáp ứng nhanh cho hệ thống ứng cứu kịp thời khi dao động công suất.

Theo đó, để tăng thêm nguồn thủy điện phủ đỉnh hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiên cứu lập quy hoạch thủy điện tích năng và xem xét mở rộng công suất một số nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết nhiều năm như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, Thủy điện Trị An... Trong đó, Dự án "Quy hoạch tổng thể về nhà máy điện tích năng cho việc phát điện phủ đỉnh ở Việt Nam" do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ EVN khảo sát, nghiên cứu lập từ tháng 6 năm 2004 và đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt tại Quyết định số 3837/QĐ-BCN ngày 22/11/2005.

Tiếp theo việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện có điều kiện mở rộng như: Thác Mơ mở rộng thêm 1 tổ máy 75 MW (khởi công ngày 5/7/2014), Đa Nhim mở rộng thêm 1 tổ máy 80 MW (khởi công ngày 12/12/2015), ngày 10/1/2021 tại TP.Hòa Bình, EVN đã khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW.

Theo tiến độ dự kiến của nhà máy này, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV năm 2024. Sau khi hoàn thành, toàn bộ hai nhà máy Thủy điện Hòa Bình cũ và mới có công suất 2.400 MW. Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ giúp tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện, đồng thời nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí của hệ thống.

Xây dựng hành lang pháp lý cho giá điện

Hiện nay các nhà máy thủy điện đang khai thác theo chỉ tiêu kinh tế của những năm trước đây với số giờ sử dụng công suất khoảng 4000h/năm. Chỉ số này đến nay không còn phù hợp do cơ cấu nguồn điện và giá thành điện năng trong hệ thống điện đã thay đổi. Do đó, nếu vẫn giữ nguyên số giờ sử dụng công suất như cũ sẽ gây lãng phí nguồn năng lượng sạch hiện có và không phát huy được thế mạnh của thủy điện là nâng cao chất lượng điện, mang lại hiệu quả chung cho hệ thống điện.

“Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, số giờ khai thác kinh tế cho thủy điện vào khoảng từ 2.500 - 3.000h/năm tùy thuộc vào tính chất và cơ cấu nguồn điện. Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 của Việt Nam, thủy điện chỉ chiếm tỉ trọng gần 20% trong hệ thống điện. Như vậy, các nhà máy thủy điện ngày càng chuyển dịch thời gian vận hành vào những lúc phụ tải điện tăng cao, tăng công suất để cung ứng điện để phát huy lợi thế của mình", ông Nguyễn Hữu Chỉnh nhận định.

Vì vậy, số giờ sử dụng công suất của thủy điện có xu hướng giảm đến 2000h/năm tương đương với số giờ đỉnh phụ tải bình quân trong năm. Việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện nếu thuận lợi, sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo hiện có của Việt Nam.

Để phát huy hiệu quả khi mở rộng các nhà máy thủy điện hiện có, PECC1 kiến nghị, cần có hành lang pháp lý về giá điện cho giờ cao điểm, thấp điểm đối với các thủy điện lớn (do Bộ Công Thương ban hành) phù hợp, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khả thi. Ngoài ra, để đáp ứng mức độ tham gia nhanh của điện gió và điện mặt trời, các nhà máy thủy điện cần sớm nghiên cứu phương án mở rộng, khi có hành lang pháp lý (giá điện) có thể triển khai được ngay.

Theo Chuyên gia năng lượng TS Nguyễn Huy Hoạch, việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện nếu thuận lợi, sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất vào những lúc phụ tải điện tăng cao cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo hiện có của Việt Nam.

Mặt khác khi mở rộng, các nhà máy thủy điện cũng cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống điện. Đối với tác động môi trường, các dự án thủy điện mở rộng không làm tăng tác động xấu, hạn chế được việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống điện.

Mạnh Quân

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về việc nâng công suất thủy điện lớn ở Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới