Chủ nhật, 24/11/2024 08:59 (GMT+7)
Thứ hai, 28/08/2023 11:59 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về vụ cá chết phủ trắng ven Hồ Tây?

Theo dõi KTMT trên

Sau những trận mưa lớn nhiều ngày tại Hà Nội, câu chuyện cá chết hàng loạt tại Hồ Tây lại một lần nữa tiếp diễn. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình hình ô nhiễm nước Hồ Tây khó có thể kết thúc trong "ngày một ngày hai".

“Đến hẹn lại lên”

Những năm này, hiện tượng cá chết nổi trắng Hồ Tây đã không còn quá xa lạ với người dân TP. Hà Nội. Theo ghi nhận mới nhất vào chiều 26/8, dọc khu vực ven Hồ Tây, dù công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang tích cực vớt, thu dọn, vẫn có rất nhiều cá chết trôi dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối.

Suốt 1 tuần nay, ngày nào lực lượng chức năng, nhân viên vệ sinh môi trường cũng phải đi xuồng để vớt cá chết, tuy nhiên lượng cá chết nhiều không thể vớt hết. Xác cá phân hủy bốc mùi hôi thối, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân khu vực này.

Chuyên gia nói gì về vụ cá chết phủ trắng ven Hồ Tây? - Ảnh 1
Cá chết trôi dạt vào ven bờ hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên… (Ảnh: Vietnamnet)

Mỗi ngày Công ty Thoát nước Hà Nội phải thu vớt bình quân khoảng 50kg với nhiều chủng loại khác nhau như cá trôi, cá mè,... Hiện tại, đơn vị vẫn đang tăng cường kiểm tra và xử lý cá chết từ xa đến trước khi dạt vào bờ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước hồ và bảo đảm cảnh quan môi trường xung quanh. 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên xuất hiện việc cá chết, cũng vào mùa thu năm 2022, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã phải thực hiện thu gom được gần 1 tấn cá chết trên mặt nước Hồ Tây, chỉ tính từ ngày 28/9 đến 6/10. 

Dường như câu chuyện về cá chết tại Hồ Tây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khi hằng năm cứ “đến hẹn” giao mùa thì cá chết vẫn cứ nổi lên. Điều này không chỉ gây ra những bức xúc về cảnh quan đô thị mà còn đánh dấu những e ngại từ các cấp đến người dân về ô nhiễm sông, hồ nội đô.

Cá chết khó có thể kết thúc trong “ngày một ngày hai”

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết có thể do những ngày qua Hà Nội mưa lớn, nước ở các nơi chảy về gây ô nhiễm hồ, làm thay đổi môi trường nước dẫn đến cá chết. Kết quả quan trắc nguồn nước vẫn ở mức cho phép, chưa đến ngưỡng nguy hại. Hiện quận đã chỉ đạo vớt và phun khử khuẩn để xử lý môi trường ở khu vực vớt cá chết.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thành Ca, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại nhận định: Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do Hồ Tây quá ô nhiễm trong điều kiện thời tiết đặc biệt. Thông thường vào những thời điểm giao mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 do mặt trời ở phía nam bán cầu cho nên lượng ánh nắng mặt trời vào ban ngày xuống mặt đất và mặt nước ít.

Ban đêm, mặt hồ và mặt đất bị lạnh đi rất nhanh, khiến lớp không khí bên dưới lạnh hơn, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng này sẽ ngăn cản oxy trao đổi giữa lớp không khí sát mặt hồ và lớp không khí bên trên. Hơn nữa, vào các đêm nghịch nhiệt, quá trình phân hủy hữu cơ từ nước thải chưa qua xử lý và hô hấp của tảo phù du trong hồ nhanh chóng làm cạn kiệt oxy trong nước. Lượng oxy trong lớp không khí sát mặt hồ cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do các lớp không khí bên trên không thể tiếp tục khuếch tán oxy vào nước. Kết quả là hiện tượng cạn kiệt oxy sẽ xảy ra trong toàn bộ cột nước, làm cá chết hàng loạt.

"Nếu muốn tìm nguyên nhân khiến cá chết tại hồ Tây thì phải đo nồng độ oxy vào ban đêm, từ khoảng nửa đêm về sáng. Theo kết quả đo ban ngày của liên ngành TP.Hà Nội thì ta thấy là nồng độ oxy vẫn đảm bảo, nhưng nếu kết luận nồng độ oxy đảm bảo mà cá vẫn chết là không đúng. Trong tất cả các trường hợp xảy ra chết cá hàng loạt trên thế giới, người ta kết luận là do cạn kiệt oxy", PGS.TS Vũ Thành Ca khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng vấn đề cá chết ở hồ Tây đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, dù thành phố đã cố gắng trong vấn đề bảo vệ môi trường trong lòng hồ và xung quanh hồ nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Hơn nữa, ý thức cộng đồng cũng rất quan trọng trong hoàn cảnh này. Bởi, theo ông, việc giữ gìn tài nguyên này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền sở tại mà còn là trách nhiệm của người dân, đặc biệt những cơ sở kinh doanh xung quanh hồ.

"Cá chết ở hồ Tây một phần là do ô nhiễm nguồn nước, theo tôi hiện nay việc quản lý kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về du lịch, ăn uống, dân sinh... xung quanh hai bên bờ của hồ Tây chưa được đầy đủ, cặn kẽ. Chính vì thế hằng năm lại xảy ra hiện tượng cá chết, vì vậy việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học tại hồ Tây cần được quan tâm hơn", GS.TS Đặng Huy Huỳnh trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Báo Tuổi trẻ.

Chuyên gia nói gì về vụ cá chết phủ trắng ven Hồ Tây? - Ảnh 2
Công nhân vệ sinh đang thu vớt cá chết ven hồ Tây. (Ảnh: Vietnamnet)

Rõ ràng, việc cá chết không thể "kết thúc trong ngày một ngày hai", song cũng không thể cứ “đến hẹn lại lên” gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như cảnh quan đô thị. Thực tế này đặt ra yêu cầu vô cùng cấp thiết về một giải pháp tổng thể hướng đến khắc phục từ những vấn đề nhỏ nhất tại hồ như cống hóa mương, nạo vét hồ,... Đồng thời, muốn bảo vệ môi trường cũng cần xuất phát từ những nguồn gây ô nhiễm môi trường, mà điển hình nhất chính là ý thức và thái độ của người dân đối với vụ việc này. 

Nếu không có sự đồng bộ và quyết liệt từ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các ngành chức năng liên quan cũng như người dân và du khách ghé thăm, cá chết Hồ Tây sẽ khó có thể kết thúc hoàn toàn, hay xa hơn nữa là ô nhiễm toàn bộ môi trường nước tại Hồ Tây.

Xuân Tùng

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về vụ cá chết phủ trắng ven Hồ Tây?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới