Chuyện những người giữ lửa cho cội nguồn quê Bác
Mỗi khi nói về những người làm công tác thuyết minh ở quê hương Bác, người ta luôn yêu quý gọi họ bằng cụm từ thân thương “những người giữ lửa cho cội nguồn”... Chỉ bấy nhiêu thôi, với họ đó là niềm hạnh phúc, niềm tự hào khó tả.
Tháng 5, trời cao xanh ngát, con đường nhựa phẳng phiu nối từ TP.Vinh về Kim Liên luôn tấp nập các đoàn người hành hương về thăm quê lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giữa tiết trời 39-40°C của xứ Nghệ, những thuyết minh viên, bằng chất giọng đặc biệt vẫn cần mẫn giới thiệu đến du khách về căn nhà tranh vách nứa đơn sơ, về những vật dụng sinh hoạt giản dị gắn với thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân của Bác.
Bằng ngôn ngữ miền Trung đậm đặc, luyến láy, có khả năng khơi gợi đến tầng sâu nhất, những rung cảm chân thành trong lòng người, họ đã đưa du khách trở về thế giới tuổi thơ của Bác hay 2 lần Người về thăm quê vào các năm 1957, 1961. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa của một miền quê hiền hòa, mộc mạc với những lũy tre xanh, thấp thoáng những mãi nhà tranh đơn sơ và lắng nghe những câu chuyện cảm động về Bác qua chất giọng ngọt ngào, đậm chất Nghệ ngay chính ngôi nhà của Bác. Đó thật sự là những ấn tượng khó quên.
Tháng 5 về nơi mảnh đất xứ Nghệ ân tình, dù ngày thường hay cuối tuần, các thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên hầu như đều làm việc hết công suất. Chị Phan Thị Quý – Phó Trưởng phòng tuyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên chia sẻ: "Có lần tôi thuyết minh cho một đoàn khách người Nhật, tôi đã rất ấn tượng và nhớ mãi niềm vui nhỏ trong công việc ý nghĩa của mình. Lần đó, tôi thuyết minh bằng tiếng Việt, có một bạn phiên dịch đi cùng. Vị khách người Nhật mặc dù không hiểu nhưng rất chăm chú nghe tôi nói. Trước khi chia tay, ông ấy đã nói với người phiên dịch là “Tôi nghe như là một giai điệu”, “Tôi đọc được sự chân thành trong đôi mắt của cô ấy”. Sự tôn trọng lắng nghe của khách đã mang đến cho tôi một cảm xúc rất lạ, cảm xúc đến từ ngôn ngữ biểu cảm".
"Đôi khi chỉ là một cái nắm tay thật chặt, một lời động viên, cái ôm nhẹ nhàng của các cô chú và thi thoảng bắt gặp mình xinh đẹp trên một trang báo hay đài truyền hình với những tình cảm trân trọng giúp chúng tôi xua đi mệt mỏi của những ngày hè oi bức, những buổi trưa thông tầm hay một chút chạnh lòng vào những ngày lễ tết... Và hơn tất cả đó chính là được kể chuyện, được thuyết minh về Bác, người mà triệu triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế luôn dành những tình cảm cao quý và kính trọng”, chị Qúy chia sẻ.
Những câu chuyện được kể tất nhiên có sự lặp lại nhưng cảm xúc thì rất khác, hạnh phúc đến khó tả và cảm thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Về thăm quê hương của Bác ai cũng dành cho Bác lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc. Đến đây, khi nghe thuyết minh viên kể chuyện, mỗi người một sắc thái, cung bậc cảm xúc khác nhau. Có cụ già lặng lẽ quay mặt cố dấu những dòng nước mắt xúc động, hay những bác cựu chiến binh – những người trải qua bao mưa bom bão đạn, nhẹ nhàng, mân mê mãi những kỷ vật. Nhiều bác đã không dấu nổi xúc động òa khóc ... cảm xúc trào dâng, thương Bác! Nhớ Bác!.
Với yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ thuyết minh viên không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, chỉ trong vòng một năm, họ đã có thể giới thiệu Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đến du khách bằng các thứ tiếng nước ngoài. Hiện, Khu di tích Kim Liên có những thuyết minh viên nói được ba thứ tiếng, gồm Anh, Pháp, Lào. Có thuyết minh viên nói được cả tiếng Anh và tiếng Lào hoặc tiếng Pháp và tiếng Anh. Tất cả đều là tự học hoặc mời thầy là người nước ngoài đến dạy, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.
Dịp này, là quãng thời gian cao điểm của cán bộ, nhân viên Phòng Tuyên truyền giáo dục khi mỗi ngày đón tiếp hàng nghìn lượt du khách tới thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Đặc biệt, riêng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, có ngày khu di tích đón gần 2.000 đoàn khách về thăm quê Bác. Phòng Tuyên truyền giáo dục có 20 cán bộ thì 3 người làm công tác quản lý với nhiệm vụ đón tiếp các đoàn du khách đăng ký, còn 17 thuyết minh viên phụ trách hướng dẫn, giới thiệu tại Làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại Bác, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và đền Chung Sơn - nơi thờ phụng người thân của Bác.
Tuấn Quỳnh